Hôm 14-2, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Philippines để bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” trước hành động mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó một ngày, lực lượng tuần duyên Philippines tố cáo tàu hải cảnh Trung Quốc đã chiếu tia laser vào tàu Philippines đang hoạt động ở bãi Cỏ Mây trên Biển Đông khiến một số thủy thủ của họ bị mù tạm thời. Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc.
Lời đáp của Trung Quốc
Trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 13-2 về vụ việc trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân khẳng định bãi Cỏ Mây là một phần thuộc “quần đảo Nam Sa” (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và tố ngược tàu Philippines đã xâm nhập vùng biển này mà không có sự cho phép của Trung Quốc.
Vị này cho biết “Trung Quốc và Philippines đang liên lạc về vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao”.
Tuy nhiên, cần nhắc lại rằng bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đã bị Philippines kiểm soát trái phép năm 1999.
Đây không phải lần đầu thông tin về va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc với tàu thuyền Philippines được đưa ra.
Tuy nhiên, có một số chi tiết gây ngạc nhiên về sự việc lần này. Phía Philippines bày tỏ sự thất vọng khi vụ việc diễn ra không lâu sau chuyến thăm của tổng thống Philippines tới Trung Quốc hồi tháng 1. Khi đó, hai bên đã nhất trí tìm giải pháp đối thoại về các sự cố tương tự.
Đáng chú ý hơn, vụ việc ngày 6-2 xảy ra chỉ bốn ngày sau thông tin Philippines công bố thỏa thuận mới cho phép Mỹ tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự ở nước này.
Truyền thông Trung Quốc những ngày qua cũng đăng bài phản biện về việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á.
Ngoài ra, tờ Global Times cũng có bài viết nhấn mạnh “quan hệ hợp tác Trung Quốc – Philippines không nên gián đoạn vì sự can thiệp của Mỹ”.
Khi chúng ta nhìn vào tình hình khu vực, đặc biệt căng thẳng eo biển Đài Loan, chúng ta có thể thấy rằng chỉ tính riêng vị trí địa lý, nếu thực sự có xung đột trong khu vực ấy thì rất khó tưởng tượng kịch bản Philippines bằng cách nào đó sẽ không bị lôi vào.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nói với báo Nikkei khi thăm Nhật Bản ngày 12-2
Nhân tố Đài Loan
Câu chuyện eo biển Đài Loan tưởng ít liên quan nhưng lại có thể là “nét mới” trong “bức tranh” Biển Đông thời gian tới.
Căng thẳng quanh eo biển Đài Loan leo thang chóng mặt từ giữa năm ngoái, khi Đài Bắc đón Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Trung Quốc xem Đài Loan là phần lãnh thổ không thể tách rời và đã phản ứng bằng cách tăng cường hiện diện quân sự quanh hòn đảo.
Tình hình Đài Loan được xem là chất xúc tác cho hàng loạt chuyển động quân sự tiếp theo. Các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc sẵn lòng hơn trong việc tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ, Úc và vài nước khác, với lý do lo ngại về căng thẳng quân sự ở Đài Loan.
Điều này càng tạo điều kiện để Mỹ tăng hiện diện quân sự trên khắp châu Á, từ Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc cho tới quần đảo Solomon. Quân đội Mỹ tham gia nhiều hơn vào các cuộc tập trận quân sự ở những khu vực then chốt tại Biển Đông cũng như eo biển Đài Loan.
Điều này cũng được phản ánh một phần trong thỏa thuận giữa Mỹ và Philippines nêu trên. Đến nay chưa rõ bốn căn cứ mới Mỹ có thể tiếp cận tại Philippines ở đâu, nhưng một số thông tin cho rằng một trong số đó là phía bắc đảo Luzon, khu vực gần đối diện với đảo Đài Loan.
Hôm 15-2, báo South China Morning Post cho rằng với việc căng thẳng trong khu vực tăng cao, đặc biệt là tương lai của Đài Loan, các chuyên gia cho biết Nhật Bản nhiều khả năng sẽ thúc đẩy hợp tác sâu hơn với quân đội Philippines.
“Theo nhiều cách, Philippines là đồng minh hoàn hảo cho Nhật Bản khi Manila đang đối mặt nhiều thách thức từ Bắc Kinh giống như Tokyo”, GS Yakov Zinberg tại ĐH Kokushikan ở Tokyo nhận định.
Tương tự, chuyên gia Stephen Nagy tại ĐH Cơ đốc giáo ở Nhật Bản cũng cho rằng cả Philippines và Nhật Bản đều xem Đài Loan là yếu tố cân nhắc then chốt. Dù vậy, một số chuyên gia hiện nay cho rằng các nước láng giềng của Trung Quốc vẫn cẩn trọng, ưu tiên đối thoại với Bắc Kinh.