Vụ “’khinh khí cầu do thám” của Trung Quốc mới đây bay ở độ cao 60.000 feet trên bầu trời Montana của Mỹ và cuối cùng bị bắn hạ ở ngoài khơi bờ biển South Carolina đã để lại quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Một số câu hỏi nổi bật nhất trong số đó là: Ý định thực sự của Trung Quốc khi điều khinh khí cầu bay qua không phận Mỹ là gì, khi mà chuyến thăm cấp cao của Ngoại trưởng Antony Blinken dự kiến diễn ra ngay sau đó và bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung thì ngày càng mong manh? Tiếp đó, liệu sự cố khinh khí cầu có phản ánh việc Trung Quốc vượt qua ngưỡng mới trong các hoạt động vùng xám của nước này hay không? Trong khi đó, còn một câu hỏi khác liên quan đến sự chậm trễ hành động của chính quyền Biden trong việc bắn hạ khinh khí cầu trên, khiến các đảng viên Cộng hòa gọi đó là “sự thể hiện mềm yếu không thể tha thứ” của Tổng thống Biden. Trong khi một số manh mối xuất hiện từ các mảnh vỡ của khinh khí cầu đã làm sáng tỏ một số thông tin, thì bản thân vụ việc gợi nhớ đến các chiến thuật thời Chiến tranh Lạnh và là một dấu hiệu hướng tới các hoạt động vùng xám nguyên mẫu vốn có thể đặc trưng cho quy trình hoạt động tiêu chuẩn của Trung Quốc trong tương lai.
Những tuyên bố của Trung Quốc về khinh khí cầu này là một “vật thể bay không người lái dân sự” đang tiến hành nghiên cứu thời tiết giờ chỉ là cách để đánh lạc hướng, đặc biệt là sau khi xuất hiện thực tế rằng nó là một phần của đội khinh khí cầu giám sát toàn cầu lớn hơn nhiều, theo đó bao phủ 40 quốc gia trên khắp 5 châu.
Những tuyên bố đầy tự tin của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng khinh khí cầu trên “rõ ràng phục vụ mục đích giám sát tình báo và có khả năng thu thập và xác định vị trí địa lý của các hệ thống thông tin liên lạc” đã chỉ ra nguy cơ khủng hoảng sắp xảy ra trong quan hệ Mỹ-Trung.
Trung Quốc nhận thức được rằng sự tăng cường an ninh nội địa của Mỹ sau vụ khủng bố 11/9, bao gồm việc triển khai các hệ thống phòng không ưu việt có thể đã giúp phát hiện ra sự hiện diện và vị trí của khinh khí cầu, đặc biệt là khi ăng-ten hiện đã được tìm thấy trong các mảnh vỡ của khinh khí cầu. Do đó, ở một số tình tiết, có cảm giác Mỹ đang “ngọa ưng” khi chính quyền Biden có thể đã giả vờ đã biết về sự hiện diện của khinh khí cầu và bị buộc phải hành động trước sức ép dư luận và áp lực chính trị của Đảng Cộng hòa. Để xua tan quan niệm này, chính quyền Biden đang lên kế hoạch các bước trả đũa các thực thể Trung Quốc đã tạo điều kiện cho khinh khí cầu xâm phạm không phận Mỹ, bên cạnh việc giải mật thông tin thu thập được trên khinh khí cầu để tăng thêm tính minh bạch, cho phép chính quyền Biden biện minh cho các chính sách chống Trung Quốc thậm chí còn cứng rắn hơn một cách công khai cũng như trong Quốc hội.
Tìm hiểu những nhận thức của Trung Quốc
Dư luận Trung Quốc xung quanh vụ “khinh khí cầu gián điệp” cho chúng ta một cái nhìn về thế giới quan của các chiến lược gia nước này. Hiện có một nhận thức chiến lược ở Bắc Kinh rằng ngay cả khi chiến tranh đã nổ ra ở châu Âu trong hơn một năm, Mỹ có thể vẫn đang chuyển sự chú ý sang khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi họ đang xây dựng lại sức mạnh hải quân, khôi phục các liên minh và củng cố vị thế của mình như một trung tâm của mạng lưới có mô hình “trục bánh xe và nan hoa” mà họ đã dựng nên ở Thái Bình Dương. Cơ sở mới nhất chứng minh cho khẳng định này là sự đổi mới hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines, giúp củng cố khả năng phòng thủ của Mỹ đối với Đài Loan. Nó đánh dấu một sự thay đổi chính sách quan trọng của tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., khôi phục lại sự cân bằng trong khuynh hướng thân Trung Quốc của chính quyền trước đây của quốc gia vạn đảo này.
Việc Nhật Bản quay trở lại đấu trường địa chính trị là một cơ sở khác cho những nhận thức như vậy ở Trung Quốc. Lời cảnh báo của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida rằng Đông Á có thể chịu chung số phận như Ukraine đã khiến quốc gia này phải thay đổi triệt để chính sách an ninh của mình. Một mặt, Nhật Bản đang xây dựng năng lực nội địa như tăng dần chi tiêu cho quốc phòng và lên kế hoạch xây dựng kho tên lửa để răn đe Trung Quốc, đồng thời Tokyo cũng đang mở rộng hợp tác quốc phòng với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Kể từ khi Nga gây hấn ở Ukraine, đã có sự phối hợp lớn hơn giữa các quốc gia châu Á và NATO, bằng chứng là hội nghị thượng đỉnh của liên minh này vào tháng 6/2022, nơi đánh dấu lần đầu tiên có sự tham gia của các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Giới chiến lược gia Trung Quốc đã cảnh giác với khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, giống như điều họ đã làm với cách tiếp cận của Mỹ trong việc phát triển quan hệ với các nước láng giềng của Bắc Kinh nhằm mục đích tạo ra các khối khu vực như NATO để kiềm chế Trung Quốc. Kể từ giữa những năm 1990, các thế hệ người Trung Quốc đã được nuôi dưỡng trong chương trình giảng dạy “giáo dục lòng yêu nước” mà trên thực tế đã bôi nhọ sự chiếm đóng của Nhật Bản đối với Trung Quốc trong thế kỷ XX. Lập trường quân sự mới của Tokyo đang được Bắc Kinh theo dõi với sự quan ngại. Đầu tiên, người ta tin rằng Nhật Bản sẽ triển khai tên lửa ở các căn cứ gần Đài Loan hơn. Thứ hai, cũng có niềm tin rằng năng lực phòng thủ ngày càng tăng của Nhật Bản trong khu vực kết hợp với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương “cuối cùng có thể vượt qua sức mạnh quốc gia toàn diện của Trung Quốc”. Điều quan trọng là các nhà bình luận Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc muốn Trung Quốc “gửi một thông điệp” tới liên minh Mỹ-Nhật. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu tình tiết “khinh khí cầu do thám” có phải là cách để Bắc Kinh gửi đi một tín hiệu đến Mỹ, qua đó xoa dịu dư luận trong nước của Trung Quốc hay không.
Một đặc điểm chính của chủ nghĩa bành trướng và xâm lược của Trung Quốc là sử dụng chiến lược chiến tranh vùng xám, trong đó một quốc gia leo thang ngay dưới ngưỡng xung đột. Ví dụ, bước đầu tiên trong việc mở rộng ra Biển Đông là cải tạo các rạn san hô và sau đó xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở đó. Tương tự như vậy, Trung Quốc đã xây dựng các ngôi làng theo kiểu “xã hội khá giả toàn diện” gần biên giới Ấn Độ nhằm củng cố các yêu sách lãnh thổ của mình. Sự cố “khinh khí cầu do thám” đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cách tiếp cận này, vì Mỹ, lần đầu tiên, là nước hứng chịu chiến thuật vùng xám của Trung Quốc. Cách tiếp cận như vậy đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan lớn đối với các quốc gia về việc liệu có nên phản ứng với hành vi vi phạm đó hay phớt lờ hành vi này và như vậy sẽ tạo tiền lệ. Vào thời điểm mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ra lệnh cho quân đội của mình chuẩn bị cho chiến tranh, thế giới cần cảnh giác hơn về khía cạnh mới này trong nghệ thuật chiến tranh của Trung Quốc.
Trước thềm một sự kiện chính trị quan trọng ở Mỹ như Thông điệp Liên bang, cuộc tranh luận về “khinh khí cầu gián điệp” dự kiến sẽ bùng nổ thành một cuộc tranh cãi, điều này đã phủ bóng đen lên mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Tuy nhiên, quan điểm của truyền thông dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc là mặc dù bản thân Mỹ đang tăng cường năng lực quân sự của mình ở khu vực Tây Thái Bình Dương, họ vẫn tận dụng sự cố này để biện minh cho sự củng cố kia của mình với lập luận rằng Trung Quốc ra tay đánh cắp các bí mật của Mỹ.
Đối với Mỹ, sự cố khinh khí cầu có thể đã khiến dư luận trong nước Mỹ về Trung Quốc có cái nhìn sâu rộng hơn. Một trong số đó giống như điều mà Eric Schmidt, người lãnh đạo Google, đã nói: “Nhiều người Mỹ vẫn có một tầm nhìn lỗi thời về Trung Quốc”.
Tuy nhiên, một quan điểm gây chia rẽ hơn về mặt chính trị cho rằng “Việc giám sát lẫn nhau là một thực tế đòi hỏi một phản ứng có cân nhắc. Mỹ sử dụng nhiều công cụ khác nhau, từ vệ tinh đến thông tin liên lạc bị chặn để giám sát Trung Quốc. Không hề vô lý khi Trung Quốc cố gắng làm điều tương tự với Mỹ”.
Giữa 2 quan điểm này là nhận thức rằng chiến thuật vùng xám “tàng long” đã bước vào lục địa Mỹ một cách trắng trợn hơn bao giờ hết. Khi trật tự toàn cầu hướng tới một trật tự tập trung vào công nghệ hơn, nó sẽ loại bỏ quan niệm truyền thống về an ninh nội địa của Mỹ là hai sườn bờ biển của đất nước. Cuối cùng, đối với thế giới rộng lớn hơn cũng như với phe đối lập chính trị ở Mỹ, vụ việc đã thử thách quyết tâm của Mỹ trong việc trả đũa Trung Quốc về các mặt quy mô, cách thức, phạm vi và tác động. Mặc dù chính quyền Biden có thể trả đũa về mặt chính trị và kinh tế với quy mô lớn hơn nhiều so với những gì họ đã làm cho đến nay, vì một số bước trong số này sẽ mất thời gian, nhưng có cảm giác rằng Bắc Kinh có thể đã vượt qua giới hạn với phạm vi hoạt động vùng xám ngày càng tăng.
D.T.T