Chúng tôi trở lại Pò Hèn những ngày đầu xuân Quý Mão, sau tròn 10 năm kể từ dạo cuộc chiến biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc được báo chí đề cập trở lại.
Niềm vui lớn nhất của những người lính trong cuộc chiến bảo vệ biên cương năm 1979 cũng như nhân dân vùng biên ải đông bắc là di tích lịch sử Pò Hèn vừa được công nhận là “Di tích lịch sử quốc gia” vào tháng 9-2022.
Không chỉ là câu chuyện của một di tích được ghi nhận. Lớn hơn thế, đó là máu xương của những người ngã xuống cho cõi bờ Tổ quốc đã được vinh danh xứng với tầm vóc lịch sử.
Phải rạng rỡ với người nằm lại…
Mười năm trước, để đi hơn 30 cây số từ Móng Cái lên Pò Hèn, dọc theo đường 18B vừa hẹp vừa lổn nhổn ổ gà sống trâu mất gần hai giờ đồng hồ thì nay con đường đã men theo bờ Nam dòng Ka Long mịn êm như một dải lụa.
Dọc theo cung đường hai bên đã lô nhô mọc lên những ngôi nhà mang dáng dấp như biệt thự. Hình ảnh ấy dọc theo đường biên còn mang một thông điệp khác về đời sống.
Bao nhiêu năm đi đi về về dọc dài theo tuyến biên giới, mỗi khi nhìn những tuyến đường ven biên nhếch nhác, những mái nhà dân lợp fibro xi măng xám buồn tựa vào lưng núi, không thể không chạnh lòng khi thấy phía bên kia đường biên là những phố xá sầm uất, tấp nập xe cộ.
Bởi thế, một con đường láng mịn ở đồng bằng, một ngôi nhà mới mọc lên nơi châu thổ chỉ mang lại niềm vui một, thì ở biên giới, với cung đường đó, ngôi nhà đó khiến lòng ta vui gấp mười.
Bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Hải Sơn, Vũ Tuấn Anh là một cán bộ trẻ được chuyển lên nhận nhiệm vụ ở đây mới tầm một năm.
Hôm chúng tôi ghé vào trụ sở UBND xã, thấy các cán bộ đảng ủy, ủy ban xã đang họp trực tuyến với lãnh đạo thành phố Móng Cái, câu chuyện về ngày mai của Hải Sơn – Pò Hèn vẫn là làm sao cho Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn trở thành một động lực cho vùng đất này rạng rỡ hơn lên.
Chờ cuộc họp trực tuyến kết thúc, Phó chủ tịch thường trực UBND xã Hải Sơn, chị Sẻn Thị Hỷ đưa chúng tôi đi thăm những đổi thay tươi mới trên vùng đất phên giậu này.
Thật bất ngờ khi ngay cạnh đường biên lại có một làng bích họa mang tên “Xóm họ Đặng”, với những ngôi nhà của bà con người Dao với những tường nhà đã biến thành những bức tranh sinh động và rực rỡ sắc màu.
Câu chuyện tạo ra những “làng bích họa” để làm phong phú thêm sản phẩm du lịch là chuyện không mới ở những vùng giàu tiềm năng du lịch, nhưng ở Pò Hèn, những căn nhà bích họa này là cả một nỗ lực lớn để bà con góp phần nâng cao đời sống.
Khách đến đây, sau khi đến khu di tích dâng hương tưởng niệm ghé đến xóm họ Đặng này, ngoài những bức ảnh lưu niệm với những ngôi nhà rực rỡ sắc màu sẽ được người dân mời uống một thức trà quý hiếm: trà hoa vàng.
Thoạt tiên, chúng tôi cũng chỉ nghĩ đây là một loại trà dược liệu bình thường, không ngờ Phó chủ tịch Sẻn Thị Hỷ cho biết lúc cao điểm, mỗi cân trà hoa vàng sấy khô có giá 16-20 triệu đồng!
Bên khu vườn của gia đình, anh Đặng Văn Hoàng – người dân tộc Dao – chỉ cho tôi những cây trà đang ra hoa vàng và bảo: vườn cây này phải vào tận núi sâu tìm giống rồi di thực về. Đào được một cây giống về và chăm cho nó sống, chỉ bán cây giống đã có tiền triệu.
Gần một trăm gốc trà hoa vàng đang cho hoa là thành quả của cả anh và bố, ông Đặng Văn Chiến bao nhiêu năm cần mẫn kiếm tìm và di thực về. Thấy trà hoa vàng bán được giá, nhiều hộ dân bắt đầu noi theo ông Chiến gây dựng vườn trà của mình.
Bất ngờ hơn nữa khi ngay cổng chào lối vào xóm, chúng tôi bắt gặp một vườn sim được chăm chút, chỉ tiếc là chưa đúng mùa hoa.
Chị Sẻn Thị Hỷ cho biết tháng 5-2022, xã Hải Sơn đã tổ chức “Lễ hội hoa sim” thu hút bà con trong vùng về dự hội. Hoa sim, ngoài câu chuyện đến tình yêu biên ải, còn là một cách để tạo sự kiện kéo người dân tham gia, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch cho vùng đất này.
Cũng từ câu chuyện lễ hội, thay vì trông cậy vào kinh tế vườn rừng, nhiều hộ dân đã bắt đầu chuyển qua các mô hình dịch vụ du lịch mang đậm bản sắc địa phương. Ở thôn Thán Phún Xã còn có một xóm gọi là “Xóm 26 hộ”.
Hầu hết bà con ở đây là dân Tiên Yên được vận động ra bám biên, xây dựng kinh tế mới từ năm 2004 với 20 hộ, năm 2005 ra thêm 6 hộ, cả hai đợt góp lại 26 hộ, được gọi là xóm 26 hộ.
Đến cái tên gọi cũng nôm na chất phác đến thế, nên người dân ở đây để làm được “kinh tế thị trường” cũng phải chịu khó tham khảo tìm hiểu mô hình nơi này nơi kia.
Nình A Lùi – người dân tộc Sán Chỉ – là một hộ tiên phong như thế. Anh vừa hoàn thành được một căn nhà làm homestay theo kiểu nhà sàn, nhưng tầng trệt cũng có thể sử dụng làm các phòng dịch vụ lưu trú.
A Lùi bảo trước đây, khi đường biên hai nước với biên mậu nhộn nhịp, dân trong vùng có nguồn thu nhập từ vận chuyển hàng hóa. Nhưng hai năm dịch bệnh, biên mậu thu hẹp, bà con phải tìm ra cách làm ăn khác.
Như ngôi nhà để kinh doanh homestay mà anh đầu tư không chỉ là nơi lưu trú cho khách, với vườn cam rộng gần cả héc ta anh vừa chăm cam vừa nuôi gà thả vườn. Khách đến lưu trú có thể thư giãn với trò ra vườn đuổi gà để bắt gà vào bếp tự nấu nướng. Mùa cam, khách lưu trú có thể ra vườn tự hái cam ăn…
Hỏi con số thu nhập bình quân đầu người của người dân thì cũng chỉ là những con số, nhưng nhìn cơ ngơi của những cư dân trong vùng có thể hiểu được phần nào bức tranh đời sống kinh tế – xã hội của Pò Hèn.
Bí thư kiêm chủ tịch xã Hải Sơn Vũ Tuấn Anh – “Câu chuyện khu di tích Pò Hèn trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia chỉ mới gợi mở thêm về hành trình tương lai của một chiến địa biên ải. Chúng tôi vẫn hằng tin rồi nơi đây không chỉ là một khu di tích nhắc nhớ về một cuộc chiến vệ quốc, Pò Hèn xứng đáng để trở thành một nơi chốn để người dân cả nước tìm đến!“
Từ Pò Hèn đến “Tháng ba biên giới”
Tháng 2-2013, báo Tuổi Trẻ khởi đăng hồ sơ về cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc vào tháng 2-1979 ở khu vực Pò Hèn (nay là xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh). Ký ức bi tráng về những người lính, những công nhân lâm nghiệp, những mậu dịch viên đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất biên cương được tái hiện.
Loạt bài cũng làm thức dậy những địa danh bao nhiêu năm lặng im như núi đồi chìm trong mù sương biên ải đã khởi đầu cho một hoạt động của tuổi trẻ cả nước: chương trình “Tháng ba biên giới” ra đời.
Ngày 23-3-2013, lần đầu tiên chương trình được tổ chức ở Pò Hèn, với sự phối hợp của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và báo Tuổi Trẻ.
Sau chương trình “Tháng ba biên giới” lần đầu ở Pò Hèn, năm 2014, nhân 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, “Tháng ba biên giới” được tổ chức ở tỉnh Điện Biên.
Năm 2015, kỷ niệm 50 năm tuyến đường do thanh niên xung phong các tỉnh phía Bắc xây dựng dọc biên ải Hà Giang mang tên “Con đường Hạnh Phúc”, chương trình tiếp tục ở Vị Xuyên, Đồng Văn, Mèo Vạc… và đến hẹn lại lên cho đến hôm nay.
Mười năm trước, để đi từ Hà Nội về tới Pò Hèn chúng tôi đã đi mất gần một ngày đường. Còn bây giờ, cũng hành trình ấy, chỉ mất chưa đầy 4 giờ trên cao tốc Hà Nội – Móng Cái. Ngang nút giao ở huyện Hải Hà lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh, chúng tôi rẽ lên Đồn biên phòng Pò Hèn kịp giờ cơm trưa cùng anh em lính đồn.
Niềm vui về con đường chưa hết thì càng bất ngờ hơn, trước mắt chúng tôi hiện ra doanh trại Đồn Pò Hèn vừa xây xong kịp khánh thành hôm 26 Tết, khang trang và kiên cố án ngữ trên vùng phên giậu quốc gia.
Nói về sự hy sinh của người lính, rất nhiều lần nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cảm khái rằng: “Những người lính hy sinh không phải để mong được phong anh hùng và được thấy hoa tươi dâng trước mộ! Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đằng sau họ, cuộc sống sẽ được thiết kế trở lại trên ấm no, công bằng và nhân phẩm”.
Bởi thế, những đổi thay của Pò Hèn sau đúng 10 năm gặp lại chính là thông điệp của hôm nay nói với hôm qua, nói với máu xương anh linh của người ngã xuống, rằng chính nơi đây, ngay trên mảnh đất thắm máu của những người lính đồn Pò Hèn, những công nhân lâm trường Pò Hèn… cuộc sống đã được tái sinh đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, đáp đền xứng đáng với hy sinh của họ.
Hai chiều thời gian
Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đã khiến những địa danh bình dị bao đời trở thành những cột mốc thiêng liêng cắm vào sách sử. Pò Hèn thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước là một thị tứ nhỏ ven biên. Những người lính công an vũ trang, những công nhân lâm trường, những nhân viên sống quây quần bên nhau.
Những trận bóng chuyền, bóng đá giao hữu, những đêm văn nghệ tiếng hát vang lên xua đi sự vắng lặng của rừng núi, và từ bên kia biên giới, những người dân của công xã Thán Sản vẫn lội ngầm Pò Hèn qua đi chợ, thăm bà con dòng tộc. Nhưng rồi bức tranh thái bình ấy đã không mãi mãi.
Năm 1964, khi xây cầu ngầm dài 135m này, thay vì đặt vị trí cống thoát cho ngầm nằm ngay chính giữa sông thì phía Trung Quốc đã đặt cống ngầm ngay sát mép bờ sông phía đất Việt Nam để dòng nước chảy qua và họ nghiễm nhiên cho rằng biên giới được kéo đến chỗ dòng nước chảy thay vì ở điểm cắt ở chính giữa dòng sông, gây khó khăn cho bà con cũng như các cán bộ chiến sĩ của Đồn biên phòng Pò Hèn khi ra sông sinh hoạt.
Chuyện lấn chiếm bãi Coóng Pa ở thôn Tài Lồng Thìn (cũng thuộc địa phận xã Pò Hèn) của người phía bên kia biên giới vào đầu tháng 6-1977 cũng là một sự kiện đáng nhớ trong biên niên sử của Đồn biên phòng Pò Hèn…
Những ngày đầu năm 1979, tình hình bắt đầu căng thẳng hơn. Từ bên kia biên giới, thỉnh thoảng nhiều loạt AK được bắn thẳng vào đội hình sản xuất của anh em công nhân lâm trường. Tuyến hàng rào kẽm gai, hệ thống mìn bố phòng nhiều lần bị người đêm đêm lẻn sang cắt gỡ.
Ngày 16-2-1979, phía công xã Thán Sản bên kia biên giới, có từ 40-50 chuyến xe chở lính đến đóng đối diện đồn Pò Hèn.
Dù tinh thần chuẩn bị đối phó với một cuộc chiến tranh đã được anh em quán triệt, nhưng cuộc sống vẫn cứ diễn ra, theo nhịp độ vừa căng thẳng cảnh giác vừa bình thường như nó vốn có. Bởi chiều 16-2, những chiến sĩ được phân công làm nhiệm vụ vẫn túc trực trên các điểm chốt, trước sân đồn, anh em vẫn sinh hoạt thể thao.
Chiều thứ sáu, ngày 16-2-1979, anh em từ các trạm biên phòng còn về đồn giao lưu bóng chuyền. Anh Bùi Hữu Liễn, từ trạm kiểm soát Bắc Phong Sinh về đánh bóng chuyền xong, định quay trở lại trạm thì anh em bảo: Mai thứ bảy, có trận giao hữu với anh em công nhân lâm trường Hải Ninh, thôi thì ở lại, đằng nào mai cũng xuống lại đồn.
Vậy là anh Liễn ở lại, và sáng hôm sau, ngày 17-2-1979, không phải là trận bóng giao lưu của ngày cuối tuần với anh em lâm trường Hải Ninh như dự tính, thay vào đó, tiếng súng khởi đầu cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, Liễn đã cùng anh em trong đồn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Mỗi lần trở lại Đồn biên phòng Pò Hèn, chúng tôi đều lặng im rất lâu trước tấm ảnh chụp tập thể anh em cán bộ chiến sĩ đồn vào dịp tất niên cuối năm 1978, đón xuân mới 1979. Không ngờ tấm ảnh tập thể ấy sẽ thành di ảnh.
Bởi chỉ chưa đầy hai tháng sau khi chụp, hầu hết anh em cán bộ chiến sĩ có mặt trong tấm hình ấy đều đã hy sinh trong buổi sáng 17-2-1979. Máu những người lính trẻ ấy đã nhuộm đỏ ngọn đồi Pò Hèn, nhuộm đỏ khoảng sân đồn, nơi các anh em đã từng ngồi khoác vai nhau cười rạng rỡ trong bức ảnh mừng xuân.
Những gương mặt trong bức ảnh ấy, nay đã hóa thành những dòng tên khắc lên nhà bia nằm phía trái của tượng đài tưởng niệm Pò Hèn, phía bên phải cũng là một nhà bia khác, khắc tên tuổi của những anh em tự vệ lâm trường.
Trận chiến sáng 17-2-1979 ấy có 45 cán bộ chiến sĩ của đồn hy sinh cùng với 28 người khác là anh em tự vệ lâm trường, công nhân thương nghiệp – những người đã cảm tử đương đầu với một kẻ địch đông gấp bội. Mười ba liệt sĩ khác cũng là cán bộ chiến sĩ của đồn Pò Hèn hy sinh sau đó, từ sau 17-2-1979 cho đến năm 1991.
Hai nhà bia và đài tưởng niệm được xây dựng ngay trên nền doanh trại của đồn ngày ấy, còn đồn Pò Hèn mới được xây dịch về phía dưới, cách khu di tích này vài trăm mét. Cỏ cây trong khuôn viên Khu di tích Pò Hèn cũng mang những thông điệp rất riêng.
Như rặng tre đằng ngà vạm vỡ chạy dọc bờ rào phía bắc như nhắc nhớ về truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc. Ở một góc khác, chúng tôi nhìn thấy một cây nhãn được gắn tấm biển bằng đá ghi “Cây nhãn – gia đình anh hùng liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa trồng ngày 27-7-2016”.
Người anh hùng nơi quê nhãn Hưng Yên ấy không còn nữa, nhưng cây nhãn mang tên anh nơi khu di tích này cứ lên xanh như tên tuổi anh bất tử cùng đất nước.
Thời điểm 17-2-1979, anh Họa là đồn phó quân sự. Hôm cuộc chiến bùng nổ, đồn trưởng Vũ Ngọc Mai đang về họp ở tiểu khu, anh Họa nhận nhiệm vụ thay đồn trưởng trực tiếp chỉ huy đồng đội chiến đấu và anh đã anh dũng hy sinh. Trên bức tường ở nhà truyền thống Khu di tích Pò Hèn có một tấm hình đen trắng của anh hùng Đỗ Sĩ Họa được chụp cùng thời điểm với bức ảnh tập thể anh em trong đồn.
Trong ảnh là một chàng sĩ quan trẻ đẹp trai với ánh nhìn cương nghị. Anh sinh năm 1947 ở thôn Trà Phương, xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, ngày hy sinh anh mới vừa 32 tuổi.
Tháng 12-1979, Đồn biên phòng Pò Hèn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ nhất (đồn Pò Hèn được phong anh hùng lần thứ hai vào tháng 12-2000).
Cũng vào thời điểm cuối năm 1979 ấy, liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trung tá Nguyễn Quốc Nam, đồn trưởng và thiếu tá Trần Đại Dương, chính trị viên Đồn biên phòng Pò Hèn trong câu chuyện với chúng tôi không giấu được niềm phấn khích khi cho biết ngay sau khi Khu di tích lịch sử Pò Hèn được công nhận là “Di tích lịch sử quốc gia, số lượng các đoàn khách tìm đến với khu di tích này tăng lên một cách đột biến.
Những cuộc hành hương về với di tích Pò Hèn không chỉ trĩu nặng niềm tri ân với những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, mà còn mang lại một sức sống mới trên vùng biên viễn này.
T.P