Tuesday, December 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiện"ChatGPT phiên bản TQ" sẽ hoạt động, phát triển ra sao?

“ChatGPT phiên bản TQ” sẽ hoạt động, phát triển ra sao?

Cơn sốt ChatGPT đang càn quét thế giới và các công ty công nghệ Trung Quốc do Baidu đứng đầu cũng sẽ tung ra các sản phẩm tương tự. Điển hình là “Wen Xin Yi Yan” sẽ bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 3 tới.

ERNIE Bot, ứng dụng tương tự ChatGPT của Trung Quốc sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 3 tới.

ChatGPT do OpenAI, một công ty được Microsoft hỗ trợ ra mắt đã đạt được thành công chưa từng có, những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Baidu, Tencent và Alibaba đã bắt kịp, thông báo sẽ tung ra các chatbot AI tương tự. Phiên bản của Baidu có tên “Wen Xin Yi Yan” (‘Văn Tâm Nhất Ngôn, tên tiếng Anh là ERNIE Bot) sẽ được công khai vào tháng 3 tới, đang gây ra cuộc thảo luận rộng rãi.

Trong môi trường chính trị đặc biệt của Trung Quốc, những “ChatGPT phiên bản Trung Quốc” này sẽ phát triển ra sao và khác với phiên bản phương Tây như thế nào? Ngoài việc cạnh tranh với Mỹ để giành quyền thống trị AI toàn cầu, còn có yếu tố nào khác thúc đẩy Trung Quốc tham gia cuộc chiến chatbot vào thời điểm này? Trang Deutsche Welle (Đức) ngày 17/2 đã đăng bài phân tích.

Trở ngại nào cho việc phát triển?
Về sự phát triển trong tương lai của ERNIE Bot và các “phiên bản Trung Quốc” ChatGPT khác, ông Charles P. Mok, người từng là thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông từ năm 2012 đến 2020 với tư cách là đại diện của ngành công nghệ thông tin, đã dự đoán rằng các phiên bản chatbot Trung Quốc này có thể khác với phiên bản phương Tây về ngôn ngữ và kiểm duyệt.

Ông Charles Mok từng là chủ tịch của nhiều tổ chức công nghệ hoặc hội thương mại, đã viết cho chuyên mục công nghệ của nhiều tờ báo Hồng Kông. Ông cho rằng một trong những ưu thế của ChatGPT được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, là khả năng chuyển đổi ngôn ngữ mạnh mẽ, không chỉ giới hạn ở tiếng Anh, dù người dùng đặt câu hỏi bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, nó cũng có thể trả lời trôi chảy. Ngược lại, hiện vẫn chưa rõ liệu công cụ chuyển đổi ngôn ngữ của ERNIE Bot có khớp được hay không, vì vậy theo ông, các công ty Trung Quốc như Baidu nên tập trung phát triển phiên bản tiếng Trung trước đã.

“Nhưng tôi cho rằng thách thức lớn nhất (đối với sự phát triển của chatbot ở Trung Quốc) vẫn là kiểm duyệt”, Mok nói: “Phương Tây cũng sẽ đặt ra một số giới hạn phản hồi cho chatbot về một số chủ đề nhạy cảm (như kỳ thị, bí mật tổ chức, v.v. ). Một số câu trả lời trên ChatGPT khá quan liêu. Nó có thể nói đại loại như: ‘Tôi chưa được đào tạo để trả lời câu hỏi liên quan’… Nhưng ở Trung Quốc, đôi khi không chỉ là câu hỏi về cách trả lời mà còn là một số câu hỏi lẽ ra không nên hỏi.”

Charles Mok cho rằng trong quá trình phát triển chatbot, thay vì chỉ đơn giản là bắt kịp ChatGPT, “sự cân nhắc của Trung Quốc có thể nằm ở việc liệu họ có thể thiết lập được cơ chế sàng lọc hoặc kiểm duyệt thông minh hơn hay không.”

Chatbot phải biết tránh “chủ đề nhạy cảm”
Lý Khai Phục (Kai-fu Lee), một nhà khoa học AI cao cấp, từng chỉ ra trong cuốn sách “AI, một thế giới mới” của mình rằng dân số và thị trường khổng lồ của Trung Quốc, cũng như các quy định về quyền bí mật riêng tư gần như không tồn tại, cho phép các doanh nghiệp hoặc công ty công nghệ truy cập một lượng lớn dữ liệu và các tập tin ở Trung Quốc mà không gặp trở ngại. Điều này cung cấp các điều kiện tuyệt vời cho sự phát triển của AI ở Trung Quốc. Mặc dù lập luận của Lý Khai Phục được giới khoa học và học thuật chấp nhận rộng rãi, thậm chí còn có câu nói rằng “Trung Quốc phát triển ngành trí tuệ nhân tạo, như Trung Đông phát triển ngành dầu mỏ”, nhưng ông Charles Mok cho rằng điểm này có thể không đúng khi áp dụng cho chatbot.

“Lý Khai Phục nói đúng và cũng không đúng”, Charles Mok cho rằng những gì ông Lý nói đến là AI sử dụng bigdata để “dự báo xu hướng” tập quán tiêu dùng của thị trường, nhưng loại “AI kiểu sáng tạo” như ChatGPT mở ra phong cách không bị ràng buộc của người dùng khi trả lời câu hỏi, là một hành vi tiếp cận hành vi tư duy của con người, thuộc một cấp độ khác.

Bầu không khí chính trị đặc biệt của Trung Quốc đã khiến các công ty công nghệ của họ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phát triển chatbot. Trong quá trình đào tạo, liệu có nên cung cấp các thông tin nhạy cảm cho các chatbot?

Nếu những robot này không được phép đọc các tài liệu liên quan, làm sao chúng có thể phân biệt được những “câu hỏi nhạy cảm” không nên hỏi? Nhưng nếu chúng được phép tìm hiểu những thông tin nhạy cảm, nếu thiết lập bức tường kiểm duyệt và ngăn chặn của hệ thống không đủ toàn diện, câu trả lời của robot cho người dùng sẽ có sơ hở và đưa ra câu trả lời không nên đưa ra, thì hậu quả sẽ không thể tưởng tượng được: “Ở phương Tây, nếu robot của Google sai, giá cổ phiếu sẽ giảm mạnh, nhưng ở Trung Quốc, điều gì xảy ra khi trả lời sai, tôi không biết.”

Vì vậy, Charles Mok dự đoán rằng để tránh những vấn đề nhạy cảm này, các công ty công nghệ Trung Quốc bên cạnh việc đối đầu trực diện với ChatGPT, có thể phát triển theo hướng khác: “Tôi có dự cảm rằng so với việc phát triển các robot kiểu mở như ChatGPT, các công ty có thể sẽ tập trung hơn về tối ưu hóa các robot AI truyền thống như dịch vụ khách hàng thông minh của ngân hàng, hay các robot hướng dẫn chuyên về các lĩnh vực khép kín cụ thể như y học, pháp luật để cuộc đối thoại giữa các ứng dụng này và người dùng diễn ra tự nhiên, sinh động hơn.

Ngoài ra, Charles Mok cho rằng lẽ ra chính phủ Trung Quốc nên bắt đầu xây dựng các quy định liên quan: “Tôi sẽ không quá ngạc nhiên nếu Trung Quốc sớm đưa ra một bộ luật về AI”. Ông ví dụ cơ quan giám sát internet là Văn phòng thông tin mạng Trung Quốc (CAC) năm ngoái đã yêu cầu các công ty mạng báo cáo về thuật toán của họ.

Ông cũng nói thêm rằng phiên bản Trung Quốc của các quy tắc pháp lý về AI có thể tham khảo “Dự thảo Luật Quản lý Trí tuệ Nhân tạo” do Ủy ban Châu Âu ban hành vào năm 2021, nhưng các cân nhắc của nó sẽ tập trung hơn vào duy trì “trật tự xã hội và an ninh quốc gia”: “Họ sẽ đưa các trách nhiệm liên quan lên vai của các công ty này, những công ty sẽ khó ứng phó, nhưng đó là rủi ro khi kinh doanh tại Trung Quốc.”

Động cơ phát triển robot AI
Charles Mok cho rằng việc Trung Quốc tham gia phát triển robot AI vào thời điểm này mục đích là kinh tế và thực dụng. Ngoài tính thực dụng của những ứng dụng này, người ta dự đoán rằng chatbot sẽ thay thế các công cụ tìm kiếm hiện tại và trở thành một phương thức mới để con người tìm kiếm thông tin, khiến các công ty Internet như Baidu và những gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc không thể ngồi yên và phải đáp ứng.

Về vấn đề này, các chuyên gia và học giả khác cho rằng sự phát triển trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc có thể có các yếu tố thúc đẩy khác.

Ông Tăng Kính Hàm (Zeng Jinghan), Giáo sư Khoa Nghiên cứu Trung Quốc và Quốc tế tại Đại học Leicester, Vương quốc Anh, đã nhiều lần chỉ ra trong các bài báo của ông rằng động lực để Trung Quốc phát triển trí tuệ nhân tạo không chỉ là để cạnh tranh với Mỹ về địa vị bá chủ công nghệ của thế giới, mà còn dựa vào ngành công nghệ để thúc đẩy tình hình kinh tế đang suy giảm của Trung Quốc…

Jacob Helberg, thành viên của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung Quốc, người đã hợp tác với Google để chống thông tin sai lệch, cũng đưa ra nhận xét tương tự: “Đối với Trung Quốc, mọi con đường đều dẫn đến chính quyền và công nghệ mới này cũng không ngoại lệ.”

Jacob Helberg cũng là là nhà nghiên cứu kiêm chức tại tổ chức cố vấn CSIS của Mỹ, tập trung vào chính sách khoa học và công nghệ, quan hệ Trung-Mỹ và an ninh quốc gia của Mỹ. Tổ chức tư vấn này đã nhiều lần đưa ra dự đoán về khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan, và báo cáo suy đoán của họ hồi đầu năm cũng gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi.

Jacob Helberg trích dẫn lập luận của Kai-fu Lee, nói rằng Trung Quốc luôn sử dụng những lợi thế của mình như “thị trường rộng lớn, quy tắc quyền riêng tư lỏng lẻo và chính quyền ra quyết định nhanh chóng” để tự coi mình là một cường quốc công nghệ sắp trỗi dậy nhờ AI, và cũng để hợp lý hóa phương thức quản trị của chính quyền”…

Helberg cho rằng việc Trung Quốc tham gia phát triển chatbot giống ChatGPT là “một vấn đề chính trị và chính phủ Trung Quốc có động lực bên trong để thúc đẩy các công ty hàng đầu trong nước bắt kịp”.

Ngoài ra, Helberg cũng cho rằng “ở Trung Quốc, các công ty công nghệ đều được sử dụng làm công cụ (thúc đẩy) chính sách công”, vì vậy Trung Quốc có thể tung ra phiên bản ChatGPT Trung Quốc trong hai năm tới phù hợp nhu cầu kiểm duyệt chính thức của Trung Quốc và củng cố ưu tiên của họ. Trên bình diện quốc tế, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục cạnh tranh để giành địa vị bá chủ về AI, tìm cách để công nghệ của mình giành được thị phần lớn hơn và được nhiều quốc gia áp dụng hơn.

Jacob Helberg cho rằng những nền tảng này sẽ trở thành công cụ để Mỹ và Trung Quốc xuất khẩu các giá trị chính trị ra thế giới, chia thế giới thành hai phe…

Trước sự nghi ngờ của quốc tế, mặc dù các ông lớn công nghệ của Trung Quốc chưa có phản ứng chính thức, nhưng hiện đã có nhiều tổ chức công và tư của Trung Quốc như Sina Finance, iQiyi, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam, v.v. tuyên bố trở thành “các đối tác sinh thái đầu tiên của ERNIE Bot”; cổ phiếu khái niệm liên quan đến ERNIE Bot và Baidu đều tăng mạnh, cho thấy sự tin tưởng của Trung Quốc đối với chatbot trong nước.

Mặt khác, theo Bloomberg News, đã có một số tài khoản “phiên bản WeChat của ChatGPT” và ứng dụng nhỏ đưa ChatGPT vào trình ứng dụng của mình và tiến hành thu phí hỏi & đáp trước khi ERNIE Bot ra mắt công chúng tháng 3 tới. Theo trải nghiệm thực tế của Bloomberg, nếu nội dung câu hỏi có chứa các chữ nhạy cảm, “WeChat phiên bản ChatGPT” này sẽ yêu cầu người dùng hỏi lại, cho thấy “tình trạng khó xử trong nghiên cứu và phát triển AI của Trung Quốc”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới