Thursday, December 26, 2024

“Phao mồi”?

Trước những bế tắc trong việc chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine, thời điểm này, dư luận đang nói nhiều về một giải pháp hòa bình được đề xuất bởi Trung Quốc.

Nhà ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị

Một kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc chiến thảm khốc tại Ukraine hẳn đã được Bắc Kinh ấp ủ từ trước nhằm khẳng định vai trò của Trung Quốc trong giải quyết các vấn đề quốc tế.

Tung ra bản kế hoạch vào lúc này, Trung Nam Hải cho thấy, họ đã tính toán kỹ để chọn “điểm rơi” phù hợp. Đó chính là thời điểm cộng đồng quốc tế đã thấy rõ: mọi nỗ lực hóa giải cuộc chiến của một bên là Mỹ, các đồng minh phương Tây, một bên là Nga, đều đi vào ngõ cụt. Lúc này, khi một kế hoạch khả thi được tung ra, nó lập tức sẽ được đón nhận và định giá như một tiếng nói “nặng đồng cân”. Bắc Kinh còn tỏ ra “cao tay” khi không tự nói ra bản kế hoạch mà họ đề xuất. Đề cập đến nó, là người của Kiev. Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmitry Kuleba, trong cuộc họp báo chung với các quan chức NATO và Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, cùng với rò rỉ bản kế hoạch, còn đồng thời như nôn nóng rằng: Ukraine mong nhận được toàn bộ văn bản. “Chúng tôi cần phải nghiên cứu chi tiết”.

Dư luận chưng hửng. Hóa ra cái danh “nhà ngoại giao cáo già” lâu nay nhiều người gán cho ông Vương Nghị chẳng sai. Đề xuất một kế hoạch hòa bình cho Ukraine với ông ngoại trưởng Kuleba – tạm coi như đồng cấp – vậy mà ông Vương còn “chắc lép”, không trao toàn bộ văn bản?

Thói ngạo mạn và trịch thượng nước lớn cố hữu của Trung Quốc? hay bản kế hoạch chưa hoàn chỉnh? Hay chính Bắc Kinh cũng thiếu tự tin vào tính khả thi của kế hoạch họ đề xuất, nên sợ rằng, một khi lộ ra, nó sẽ bị nhiều nước mỉa mai, dèm pha…? Mọi sự chàng màng đến mức Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu – ông Frans Timmermans cũng lấy làm thất vọng, nói rằng: mình chưa rõ chính xác sáng kiến của Trung Quốc sẽ như thế nào.

Với một “anh” như Trung Quốc trong thời điểm này, mọi phán đoán như trên đều có thể. Chính thế, người ta nghi ngờ việc ngoại trưởng Ukraine Kuleba khẳng định Kiev đang ưu tiên “kế hoạch hòa bình” do Tổng thống Volodymyr Zelensky nghĩ ra chẳng qua chỉ là một lời “chữa cháy” cho việc ông đã lỡ lời làm lộ ra sự thụ động của Ukraine đối với bản kế hoạch hòa bình “không đầu không đuôi” mà Bắc Kinh đề xuất.

Tuy nhiên, cánh báo chí quốc tế thóc mách nào có chịu thua. Hãng Bloomberg dẫn lời một quan chức châu Âu giấu tên, cho biết: kế hoạch của Trung Quốc bao gồm lời kêu gọi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, cũng như đề xuất về đảm bảo an ninh cho các cơ sở hạt nhân và cấm sử dụng vũ khí sinh học, hóa học…

Thêm một lần thất vọng nữa. Nói cho cùng, biết thế cũng coi như không biết. Bởi nếu thật đó là những điểm cơ bản trong kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh, thì nào có gì đáng gọi là sáng kiến, là to tát. Chẳng qua, nó chỉ là những nguyên tắc, ai cũng có thể nghĩ ra được?

Chính thế nên, sự rò rỉ bản kế hoạch thành “lợi bất cập hại”. Bởi một trong những điều nan giải nhất làm bùng nổ và kéo dài cuộc chiến thảm khốc Ukraine, là “toàn vẹn lãnh thổ”, thì Bắc Kinh lại chẳng hề giải thích, sự toàn vẹn đó là như thế nào? Cần hiểu nó theo cách hiểu của Nga, hay theo cách hiểu ngược lại của Ukraine (về những vùng bị Nga kiểm soát, trong đó có bán đảo Crimea và các vùng ly khai ở khu vực Donbass)?

Thậm chí, qua chút thông tin của bản kế hoạch Bắc Kinh đề xuất, có người còn cả cười mà rằng: không loại trừ, Bắc Kinh áp cái cái gọi là “toàn vẹn lãnh thổ” trong cuộc chiến Ukraine tù mù y như cái gọi là “chủ quyền lịch sử” mà họ ngang ngược đòi hỏi trong yêu sách “đường 9 đoạn” trên Biển Đông?

Một khi đã thế, những người đó hoài nghi luôn khả năng hiện thực của bản kế hoạch hòa bình cho Ukraine mà Trung Quốc vẫn thập thò trong cặp của ông Vương Nghị như một cái phao mồi cho Ukraine và cộng đồng quốc tế.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới