Trong buổi phỏng vấn hôm 16/2 với đài NTD và báo Epoch Times, chuyên gia quân sự khu vực châu Á Rick Fisher đã nói chiếc khinh khí cầu xâm nhập vào không phận Mỹ hôm 28/1 là lời “đe dọa hạt nhân” mà Trung Quốc gửi tới Mỹ.
“Khinh khí cầu chỉ là khởi đầu cho một viễn cảnh tồi tệ. Tiếp theo đây, rất có thể người Mỹ sẽ phải ngày ngày chứng kiến tàu sân bay [nước khác] hoạt động trên biển của chúng ta, máy bay ném bom [của nước khác] bay trên trời của chúng ta”, trích lời ông Fisher.
“Cái khinh khí cầu chính là ‘lời cảnh cáo’ của chính quyền Trung Quốc đến người Mỹ. Kể từ giờ phút này, những động thái đe dọa hạt nhân và quân sự [của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc] sẽ liên tục tăng lên, về cả tần suất lẫn cường độ”.
Ông Fisher tin rằng Đài Loan chính là nguyên do cho sự hung hăng của Trung Quốc.
Ông Fisher là một chuyên gia cấp cao của Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế Hoa Kỳ. Ông nổi tiếng là có hiểu biết sâu rộng về các vấn đề quân sự khu vực châu Á, đặc biệt là về Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
“Nếu Mỹ còn tiếp bảo vệ cho tự do dân chủ của Đài Loan, thì hậu quả mà chính quyền Trung Quốc dành cho Mỹ chính là chiến tranh, thậm chí có thể là chiến tranh hạt nhân”, ông Fisher nhận định.
Thu thập dữ liệu thời tiết để triển khai tên lửa hạt nhân
Theo ông Fisher, chính phủ Mỹ nói chiếc khinh khí cầu không phải mối hiểm họa lớn, tuyên bố này là chưa đúng sự thật. Trên thực tế, Trung Quốc đã triển khai chiếc khinh khí cầu từ một căn cứ hạt nhân ở đảo Hải Nam của Trung Quốc, và người Mỹ cần phải nhận thức được mức độ nguy hiểm của sự việc này.
“Theo thông tin cập nhật mới nhất của cơ quan tình báo Mỹ, chiếc khinh khí cầu được triển khai từ đảo Hải Nam của Trung Quốc. Đảo Hải Nam là nơi Trung Quốc cất giấu những vũ khí tối tân nhất, như tên lửa hạt nhân và tàu ngầm năng lượng hạt nhân. Hải quân Mỹ cho biết, từ 5 tháng trước, những tàu ngầm này đều đã được trang bị tên lửa xuyên lục địa JL-3”, ông Fisher tiết lộ.
Tên lửa JL-3 là loại tên lửa phóng từ tàu ngầm mới nhất của Trung Quốc, có tầm phóng lên tới 9.000 đến 14.000 km. Những tàu ngầm được trang bị công nghệ tên lửa JL-3 sẽ có đủ sức đe dọa gần như toàn bộ khu vực Bắc Mỹ mà không cần rời vùng biển Trung Quốc.
Hơn nữa, ông Fisher cũng không tin vào những báo cáo nói rằng khinh khí cầu của Trung Quốc nhằm do thám căn cứ quân sự ở đảo Guam, nhưng đã bay chệch hướng.
“Nếu chiếc khinh khí cầu thật sự bay sai địa điểm, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể chọn một giải pháp an toàn hơn là cho phá hủy nó. Nhưng rõ ràng là họ cố ý không phá hủy nó”.
“Mục tiêu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc không chỉ là đảo Guam, mà là tất cả những cứ điểm chứa vũ khí hạt nhân của Mỹ. Vì vậy họ đã để cho chiếc khinh khí cầu bay khắp trời Mỹ để thu thập dữ liệu về thời tiết quanh những căn cứ hạt nhân của chúng ta”.
Ông Fisher giải thích thêm rằng chiếc khinh khí cầu chính là một thiết bị giám sát trên cao, có khả năng thu thập dữ liệu và hình ảnh về tình hình thời tiết. Nếu Trung Quốc muốn triển khai các đầu đạn hạt nhân hoặc tên lửa liệng siêu thanh nhắm tới Mỹ, thì phải có những dữ liệu thời tiết cụ thể, bởi thời tiết đóng vai trò tiên quyết trong việc đảm bảo các tên lửa sẽ bắn trúng đích.
“Để tên lửa có thể trúng đích, thì các yếu tố như thời tiết, hướng gió, mật độ khí quyển, có mưa hay tuyết quanh mục tiêu hay không là vô cùng quan trọng. Trung Quốc đã thiết kế hẳn một hệ thống phức tạp để đảm bảo độ chuẩn xác khi bắn tên lửa, và cái khinh khí cầu chỉ là một bánh răng trong hệ thống đó”, ông Fisher nói.
“So với vệ tinh, thì khinh khí cầu thường cho ra những hình ảnh và dữ liệu rõ nét hơn rất nhiều, vì khinh khí cầu có thể tiếp cận gần với mục tiêu hơn. Cơ quan đứng sau khinh khí cầu có thể chính là Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược Trung Quốc. Lực lượng này kiểm soát các vệ tinh, đồng thời cũng có liên quan mật thiết đến các vũ khí hạt nhân của Trung Quốc”, ông Fisher cho hay.
Mỹ “yếu thế” trước Trung Quốc
Theo ông Fisher, tác phong chậm trễ của chính quyền ông Biden trong việc xử lý chiếc khinh khí cầu đã chẳng khác nào “vạch áo cho người xem lưng”, tạo điều kiện cho Trung Quốc thu thập được nhiều thông tin tình báo quan trọng.
“Sự xử lý muộn màng của chính phủ Mỹ đã cho Trung Quốc thấy rằng Mỹ đang vô cùng bối rối và hỗn loạn”, trích lời ông Fisher. “Nếu một ngày, Trung Quốc tấn công Đài Loan, giết hại hàng trăm nghìn sinh linh, Tổng thống Biden có thể làm gì trong bối cảnh đó?”.
“Tại sao chính phủ lại giấu diếm người dân về việc chiếc khinh khí cầu được phóng đi từ một trong những cứ điểm hạt nhân trọng yếu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc? Nó chính là một thiết bị định vị mục tiêu tên lửa của Trung Quốc, và Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc”, ông Fisher bày tỏ sự lo lắng.
Ngày 28/1/2023, khinh khí cầu do thám Trung Quốc được phát hiện thâm nhập khu vực nhận dạng phòng không Hoa Kỳ ở quần đảo núi lửa Aleut, thuộc phía tây bán đảo Alaska. Trước khi bị bắn hạ vào ngày 4/2/2023 ở ngoài khơi Nam Carolina, khinh khí cầu này đã du hành qua nhiều nơi trên đất Mỹ.
Bắc Kinh khẳng định rằng khinh khí cầu do thám được phát hiện trên bầu trời Mỹ là một “khí cầu dân sự” của Trung Quốc đã đi chệch khỏi lộ trình dự kiến.
Bắc Kinh cũng cáo buộc Mỹ đã “phản ứng thái quá” khi bắn hạ khinh khí cầu của họ và họ “hoàn toàn có quyền đưa ra các phản ứng cần thiết”.
Đáp trả cáo buộc trên, Lầu Năm Góc khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng “đó không phải là khinh khí cầu dân sự mà là một thiết bị giám sát có khả năng thu thập thông tin tình báo”.
T.P