Monday, January 6, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông biến động ra sao khi hợp tác Mỹ - Philippines?

Biển Đông biến động ra sao khi hợp tác Mỹ – Philippines?

Nếu Mỹ và Philippines điều động lực lượng tuần duyên tuần tra chung ở Biển Đông thì sẽ tác động như thế nào?

Ngày 20.2, Reuters đưa tin Mỹ và Philippines đang thảo luận về việc tiến hành tuần tra chung giữa lực lượng tuần duyên 2 nước, trong đó có khu vực Biển Đông. Ông Jay Tarriela, phát ngôn viên của Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) về các vấn đề Biển Đông, cho hay việc đối thoại với Mỹ đã bước qua giai đoạn sơ bộ và khả năng tiến hành tuần tra chung là cao. Động thái này diễn ra sau khi Philippines cho rằng tàu tuần duyên của nước này bị tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu laser gây nguy hiểm.

Trong khi đó, đầu tháng 2, Philippines đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và sau đó hai bên thông báo về việc cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự ở Philippines – nằm trong thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) mở rộng được hai bên công bố. Như thế, Mỹ sẽ có thể sử dụng ít nhất 9 căn cứ quân sự của Philippines.

Bước quan trọng

Trả lời Thanh Niên ngày 21.2, PGS Kei Koga (Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công – Trường Khoa học xã hội – Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) đánh giá: “Nếu tuần duyên Mỹ và Philippines tuần tra chung ở Biển Đông thì sẽ là một bước quan trọng hướng tới việc làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương giữa hai nước. Tuần duyên là một cơ quan thực thi pháp luật thuộc quyền tài phán trong nước, nên thường không tiến hành các cuộc tuần tra chung trong vùng lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng Philippines và Mỹ sẽ xem xét tổ chức tuần tra chung ở đâu và loại hình nào”.

“Vừa qua, Philippines đã có phản ứng mạnh mẽ liên quan cáo buộc hải cảnh Trung Quốc chiếu “tia laser cấp độ quân sự” về phía các tàu tuần duyên Philippines ở Biển Đông. Manila dường như phản ứng nhanh hơn và thực chất hơn đối với hành động của Bắc Kinh ở vùng biển này. Tất nhiên, ý định tuần tra chung giữa tuần duyên Mỹ và Philippines đã được đưa ra bàn thảo từ tháng 1 nhưng các diễn biến gần đây đã thúc đẩy kế hoạch này”, PGS Koga chỉ ra.
Kịch bản thế trận

Cũng trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ) cho biết: “Đây là điều mà tôi đã thúc đẩy trong một thời gian. Thách thức của Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu là thách thức thực thi pháp luật. Vì vậy, việc tuần duyên Mỹ, cơ quan thực thi pháp luật hàng hải và cứu hộ của nước này, phối hợp cùng các quốc gia Đông Nam Á là hoàn toàn hợp lý”. Theo TS Holmes, có 3 điểm cần quan tâm liên quan diễn biến này.

Thứ nhất, Trung Quốc thời gian qua áp dụng chiến lược vùng xám bao phủ sức mạnh quân sự ở Biển Đông, sẵn sàng leo thang căng thẳng bằng cách điều lực lượng hải quân, để có thể chọn lựa cách thức gia tăng áp lực bằng ngoại giao hay quân sự. Tuy nhiên, nếu tuần duyên Mỹ và Philippines tuần tra chung sẽ đặt Trung Quốc vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không còn có thể muốn dùng gì thì muốn.

Thứ hai, thỏa thuận gần đây giữa Washington và Manila cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ của Philippines mở đường cho quân đội Mỹ triển khai các đơn vị gần các điểm nóng trong khu vực. Sự tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines tạo nên sự cạnh tranh hiệu quả. Qua đó, thỏa thuận tuần tra chung của tuần duyên Mỹ và Philippines là một diễn biến quan trọng tiếp theo.

Thứ ba, các cuộc tuần tra chung giữa tuần duyên Mỹ và Philippines sẽ cho các bên liên quan thấy rằng Washington có lợi thế trong việc giữ cam kết của mình với các đồng minh.

RELATED ARTICLES

Tin mới