Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, liên tiếp có tới hai hãng xe lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc sẽ kết hợp với các doanh nghiệp trong nước, đặt nhà máy sản xuất ô tô chạy điện tại Việt Nam. Điều này khiến thị trường xe điện Việt đang dần ‘nóng’ lên, có nhiều sản phẩm cạnh tranh ở các phân khúc khác nhau.
Mới đây, liên doanh General Motors – (SAIC – WULING) đã xác nhận thông tin sẽ cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt NamSản phẩm đầu tiên được triển khai và ra mắt thị trường Việt Nam là mẫu xe Wuling
HongGuang MiniEV. Đáng chú ý, đây là mẫu ô tô điện cỡ ‘tí hon’ bán chạy nhất thế giới trong 3 năm 2020, 2021, 2022. Nó sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với công suất 30.000 xe/năm và có thể được gia tăng trong tương lai. Đồng thời, TMT Motors cũng đang nghiên cứu và cân nhắc giới thiệu thêm các mẫu ô tô điện chất lượng khác.
Vào cuối năm 2022, hãng xe Chery đến từ Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy sản xuất xe hơi tại Việt Nam. Trước hết, thương hiệu này sẽ ra mắt chiếc Omoda 5 ở phiên bản động cơ đốt trong. Tuy nhiên, Chery cho biết đang thăm dò thị trường và xem xét việc sản xuất, tung ra bản chạy điện cho mẫu xe kể trên. Theo đại diện hãng, việc chuyển đổi, xây dựng thêm dây chuyền sản xuất xe điện sẽ không quá khó khăn khi họ đã có nhà máy tại nước ta.
Những sự kiện trên cho thấy thị trường xe điện Việt Nam đang thu hút những ‘ông lớn’ đến từ Trung Quốc. Ông Thành Lê, admin diễn đàn Otofun cho biết: “Hiện nay, thị trường xe hơi Việt đang có mức tăng trưởng nổi bật trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2022, Việt Nam đã đạt kỷ lục tiêu thụ ô tô với 508.547 chiếc. Theo dự báo, thị trường ô tô Việt Nam có thể đạt quy mô từ 700.000 – 800.000 xe/năm vào năm 2025, và trên 1 triệu xe/năm vào năm 2030. Những con số kể trên đã giúp những hãng xe Trung Quốc nhìn nhận được tiềm năng trong phân khúc xe điện Việt Nam”.
“Cùng với đó, trong vài năm trở lại đây, hãng xe điện VinFast đã tích cực chế tạo và bán nhiều mẫu xe điện tại thị trường Việt. Hệ thống cơ sở hạ tầng VinFast về xe điện đã được xây dựng bởi VinFast giúp người tiêu dùng Việt dần có cách nhìn nhận mới về xu hướng sử dụng phương tiện năng lượng không phát thải. Điều đó khiến cho các hãng xe Trung Quốc tiếp cận thị trường EV Việt dễ dàng hơn”, ông Lê chia sẻ thêm.
Đồng thời, ô tô được sản xuất bởi các nước thành viên của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) bao gồm Việt Nam, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, sẽ tiếp tục được miễn thuế nhập khẩu đến năm 2027. Do đó, ‘nước đi’ đặt nhà máy sản xuất xe điện tại Việt Nam sẽ góp phần quan trọng giúp các thương hiệu Trung Quốc tiếp tục phát triển doanh số tại thị trường ASEAN.
Tiêu chuẩn kỹ thuật về xe điện tại Việt Nam chưa hoàn thiện
Hiện nay, bộ quy chuẩn/tiêu chuẩn về xe điện ở Việt Nam vẫn chưa được ban hành. Do đó, chưa có tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật vật lý đối với các sản phẩm đến từ Trung Quốc và các khu vực khác. Tuy nhiên, theo luật quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, khi chưa có quy chuẩn/tiêu chuẩn quốc gia thì tuỳ theo công nghệ, bí quyết, quy định riêng của từng hãng, các doanh nghiệp sẽ tìm những tiêu chuẩn trên thế giới để áp dụng. Cùng với đó, toàn bộ yêu cầu về điện, đấu nối, vận tải điện, an toàn điện, hoàn toàn đã có tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để vận hành an toàn.
Nhận định về những sản phẩm xe điện đến từ Trung Quốc, chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng cho biết: “Hiện nay, xét về mặt kỹ thuật, Trung Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về mặt công nghệ EV. Chính vì vậy, không nên đánh đồng tất cả xe điện đến từ quốc gia này bởi một số mẫu EV đến từ những thương hiệu uy tín sẽ cung cấp chất lượng rất cao. Chúng đủ khả năng cạnh tranh cùng những ông lớn như Tesla hay các nhà sản xuất xe hơi truyền thống khác”.
Trên thực tế, tại Việt Nam, để đảm bảo về chất lượng, hãng xe VinFast đang lấy tiêu chuẩn xe điện châu Âu để nghiên cứu và phát triển sản phẩm của họ. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, xe điện châu Âu cũng có thể là nền tảng để xây dựng bộ quy chuẩn/tiêu chuẩn quốc gia tại Việt Nam. Trong khi đó, mẫu xe điện Trung Quốc đầu tiên tại Việt Nam mang tên Wuling HongGuang MiniEV đã tiếp cận thị trường châu Âu vào khoảng 2 năm trước với cái tên FreZe Nikrob EV.
T.P