Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThu hút vốn từ các doanh nghiệp FDI hiện hữu

Thu hút vốn từ các doanh nghiệp FDI hiện hữu

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2023, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đã giảm gần 20% so với cùng kỳ.

Nhiều địa phương đã tìm cách thu hút vốn từ các doanh nghiệp FDI hiện hữu.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, việc thu hút dòng vốn ngoại không dễ, nhiều địa phương đã tìm nguồn từ chính các nhà đầu tư FDI hiện hữu, tức từ chính những nhà đầu tư cũ đang hoạt động ở địa phương.

Tập đoàn Goertek cho biết, từ dự án ban đầu khoảng 60 triệu USD, sau gần 10 năm hoạt động, doanh nghiệp đã mở rộng đầu tư lên hơn 600 triệu USD, xây dựng nhà máy chuyên cung cấp linh kiện điện tử các loại. Năm nay, doanh nghiệp tiếp tục có kế hoạch thuê thêm đất để mở rộng sản xuất.

Ông Jiang Long – Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Goertek cho biết: “Nhờ môi trường kinh doanh phát triển tốt, chúng tôi quyết định mở rộng đầu tư hơn 60 ha đất nữa. Dự kiến đến cuối năm nay, đầu năm sau sẽ hoàn tất xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất”.

Là địa phương đứng thứ 4 cả nước về thu hút vốn FDI, đại diện Ban quan lý Khu Công nghiệp Bắc Ninh cho biết đã có nhiều cuộc tiếp xúc để hiểu được mong muốn và vướng mắc của nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, Ban quản lý đưa ra các giải pháp hỗ trợ; đồng thời địa phương cần tạo hạ tầng giao thông, xã hội đồng bộ, thuận lợi cho sản xuất.

“Chúng tôi quan tâm đến việc nuôi dưỡng các nhà đầu tư cũ để họ tăng cường mở rộng sản xuất. Thứ nhất họ không phải đi tìm đất mới; thứ hai là trên cơ sở hạ tầng sẵn có chỉ cần đầu tư tăng vốn thiết bị và cũng không cần phải mở rộng diện tích hoặc đến nơi hạ tầng còn kém”, ông Nguyễn Văn Phúc – Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Ngoài mở rộng đầu tư, các doanh nghiệp FDI hiện hữu cũng là nguồn tin cậy để các nhà đầu tư mới tham khảo khi tìm địa điểm rót vốn. Ngoài ra, các chuyên gia nhấn mạnh các địa phương cần thu hút vốn FDI có chọn lọc, tránh các dự án chỉ tận dụng ưu đãi mà không mang lại nhiều giá trị gia tăng cho địa phương.

Bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cho hay: “Chúng ta cố gắng thu hút nguồn đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, cần lựa chọn những dự án đầu tư có hiệu quả, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, đem lại giá trị gia tăng. Người lao động cũng được hưởng lợi trong bối cảnh chúng ta có thể thu hút nhiều nguồn đầu tư như vậy. Các dự án phát triển bền vững, môi trường hay sáng tạo là các điểm cần được ưu tiên”.

Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút từ 36 – 38 tỷ USD vốn FDI. Để nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI, theo các chuyên gia, cần hướng đến các nhà đầu tư chiến lược, công nghệ cao có khả năng tạo lập chuỗi sản xuất cho doanh nghiệp trong nước.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới