Các học giả cao cấp Viện Khoa học Trung Quốc đưa ra những đề xuất nhằm đẩy lùi những lệnh trừng phạt Mỹ, giành lại thế chủ động và phát triển trong lĩnh vực công nghệ sản xuất linh kiện bán dẫn tiên tiến.
Các thành viên chủ chốt của cơ quan khoa học có uy tín nhất Trung Quốc lần đầu tiên vạch ra kế hoạch của quốc gia này nhằm vượt qua các lệnh trừng phạt chip của Mỹ, hệ thống hóa quan điểm của Bắc Kinh về phương thức giành chiến thắng trong cuộc xung đột công nghệ quan trọng với Washington.
2 trong số các học giả cao cấp Trung Quốc đã viết, Bắc Kinh cần tích lũy một danh mục bằng sáng chế chi phối thế hệ sản xuất chip tiếp theo, từ vật liệu mới đến kỹ thuật mới trên cơ sở thế mạnh về nguyên liệu và năng lực sáng tạo của các nhà khoa học trẻ.
Nhà khoa học Luo Junwei và Li Shushen trong bản tin của Viện Khoa học Trung Quốc nhấn mạnh, sự hội tụ của công nghệ và kỹ thuật tiên tiến sẽ thúc đẩy tham vọng bán dẫn của quốc gia đồng thời mang lại cho Trung Quốc sức mạnh, có thể đẩy lùi các lệnh trừng phạt của Mỹ, đang cản trở lĩnh vực bán dẫn của đất nước này.
Bài báo, được xuất bản trên một tài khoản mạng xã hội liên kết với học viện, cung cấp một cái nhìn hiếm hoi về phương thức Bắc Kinh suy nghĩ và có thể phản ứng trước những hành động thù địch ngày càng leo thang của chính quyền Joe Biden đối với chất bán dẫn. Học viện tư vấn cho những lãnh đạo, có trách nhiệm ra những quyết định hàng đầu của Trung Quốc và bài báo lặp lại nhận xét của Chủ tịch Tập Cận Bình, kêu gọi giành chiến thắng trong nỗ lực phát triển các công nghệ cốt lõi. Bài viết được công bố khi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Jin Zhuanglong, người giám sát công nghệ mới của quốc gia vạch ra tầm nhìn về nỗ lực vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhấn mạnh sự cần thiết phải hiện đại hóa và khắc phục các liên kết yếu trong chuỗi cung ứng của công nghệ bán dẫn.
Trung Quốc có kế hoạch phát triển vật liệu chip thế hệ tiếp theo, được đưa ra vào năm 2020 như một phản ứng trước những hạn chế từ chính quyền ông Donald Trump. Nhưng chiến lược quốc gia đó vẫn chưa mang lại lợi thế công nghệ đối với các quốc gia có những các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới. Washington đã thực hiện một loạt biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ như thiết bị sản xuất chip và bộ xử lý trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc, một phần của hàng loạt lệnh trừng phạt công nghệ rộng lớn hơn.
Các nhà khoa học viết, nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu, linh kiện và sản xuất mang tính đột phá sẽ giúp các công ty sản xuất chip của Trung Quốc xây dựng danh mục bằng sáng chế bao gồm các công nghệ quan trọng có ý nghĩa then chốt, những trang thiết bị và kỹ thuật thiết yếu mà Mỹ hiện đang sử dụng làm vũ khí chống lại Trung Quốc.
Các nhà khoa học Trung Quốc nhấn mạnh: “Chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần của các nhà khoa học, những người theo đuổi sự độc đáo và chống lại phong cách nghiên cứu tiếp theo lặp đi lặp lại ở cấp độ thấp. Ông Li là chuyên gia vật lý bán dẫn và là phó chủ tịch của Viện hàn lâm, ông Luo làm việc tại bộ phận nghiên cứu chip của viện.
Cả hai nhà khoa học đã chỉ ra những thách thức thực tế đối với ngành công nghiệp chip, bao gồm tình trạng thiếu nhân tài và thiếu kinh phí cho nghiên cứu cơ bản.
Mỹ đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghệ của Trung Quốc, bao gồm cả việc đưa vào danh sách đen thương mại các công ty, được coi là nhà vô địch quốc gia như Semiconductor Manufacturing International Corp. và Huawei Technologies Co. Các quy định bổ sung được áp đặt trong năm 2022 cũng cấm các nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) chế tạo chip silicon tiên tiến cho các nhà thiết kế Trung Quốc.
Washington cũng đã đạt được thỏa thuận với Hà Lan và Nhật Bản trong ý định hạn chế xuất khẩu những máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, kìm kẹp mạnh hơn nữa khả năng phát triển công nghệ của các công ty Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc đã kiềm chế không thảo luận về những biện pháp đối phó và đáp trả, ngay cả trong các cuộc họp nội bộ không công khai.
T.P