Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaSản xuất chất bán dẫn ở TQ gặp khó

Sản xuất chất bán dẫn ở TQ gặp khó

Mới đây, Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý cùng Hoa Kỳ hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn cho Trung Quốc. Cả ba quốc gia này chiếm tới 90% thị trường thiết bị bán dẫn toàn cầu. Đây được cho là đòn mạnh giáng vào ngành công nghiệp vi mạch của Trung Quốc.

Công nhân lắp ráp mạch cho điện thoại thông minh tại một nhà máy ở Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 08/05/2017.

Nhật Bản và Hà Lan tuyên bố rằng những hạn chế mới về xuất khẩu sang Trung Quốc là vì để đảm bảo an ninh quốc gia. Global Times, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đưa tin Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy sản xuất vi mạch với tốc độ 100 dây chuyền sản xuất mỗi năm, nhưng dưới lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, việc xây dựng các nhà máy này có thể sẽ bị trì hoãn hoặc gác lại. Global Times cho rằng, ở giai đoạn hiện tại, các nhà sản xuất Trung Quốc phải chuẩn bị để đối mặt với điều tồi tệ nhất.

Dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) của Mỹ cho thấy, năm 2019, trong tổng giá trị sản lượng của ngành sản xuất thiết bị bán dẫn toàn cầu, Hoa Kỳ chiếm 41% thị phần; Nhật Bản chiếm 32%; châu Âu (chủ yếu là ASML của Hà Lan) chiếm 18%. Ba quốc gia cùng nhau chiếm 90% thị trường; do vậy, các hạn chế xuất khẩu được thực hiện cùng lúc sẽ mang đến tác động sâu rộng.

Chủ tịch của một công ty công nghệ Nhật Bản, người đã nói chuyện với The Epoch Times hôm 06/02 dưới hóa danh Desen Li, cho biết nỗ lực chung của ba quốc gia có thể được coi là đòn mạnh giáng vào ngành sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc.

Ông Li nói: “Trong lĩnh vực quang khắc, đòn chí mạng xảy ra sau khi ba nước bắt tay nhau”.

Vì máy quang khắc siêu tia cực tím (EUV) và máy quang khắc cực tím sâu (DUV) sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc, nên trong một khoảng thời gian dài, các công ty vi mạch Trung Quốc sẽ khó mà tăng công suất sản xuất. Ông Li cho biết, máy quang khắc hiện có của Trung Quốc có thể không sử dụng được nữa, do nhiều thành phần quan trọng của máy là hàng nhập khẩu, khiến việc bảo trì thường xuyên là không thể làm được.

Lệnh kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn của Mỹ được ban hành vào tháng 10 năm ngoái, chủ yếu nhắm vào các công nghệ và thiết bị tiên tiến dưới 14 nanomet. Tuy nhiên, sau khi hợp lực với Nhật Bản và Hà Lan, các biện pháp trừng phạt có thể sẽ được mở rộng sang nhiều khía cạnh khác, bao gồm cả quang khắc tầm thấp và tầm trung.

Quá trình sản xuất vi mạch không thể tách rời khỏi máy móc và công nghệ quang khắc. Cần biết rằng, thị trường quang khắc toàn cầu hiện bị độc quyền bởi 3 công ty: ASML của Hà Lan và Nikon cùng Canon của Nhật Bản. Dữ liệu cho thấy vào năm 2020, theo số lượng máy quang khắc xuất xưởng, ASML chiếm 63% thị phần, Canon chiếm 30% và Nikon chiếm 7%. Một nửa trong số 17 nhà cung cấp chính của ASML là các nhà sản xuất Hoa Kỳ.

Tại thị trường thiết bị bán dẫn, các nhà sản xuất Mỹ đang giữ vị trí đầu tiên, đặc biệt trong 5 lĩnh vực thiết bị bán dẫn chính gồm: thiết bị làm lắng đọng, hệ thống khắc, làm sạch, kiểm soát quy trình và kiểm tra (chiếm hơn một nửa thị trường toàn cầu). Hàn Quốc chiếm 4% sản lượng thiết bị bán dẫn toàn cầu nhưng nước này vẫn chưa quyết định tham gia lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, về lâu dài, Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ tham gia với Mỹ để có thể duy trì quyền tiếp cận công nghệ và thiết bị của Mỹ.

Các nhà sản xuất Nhật Bản tin rằng điều quan trọng là phải liên minh với Mỹ về chính sách vi mạch. Tờ Kyodo News của Nhật Bản đưa tin hôm 05/02, Chủ tịch của Rapidus, một nhà sản xuất chất bán dẫn lớn của Nhật, cho biết năng lực sản xuất và phát triển chất bán dẫn của nước này tụt hậu so với nước tiên tiến nhất từ ​​​​10 đến 20 năm. Vị Chủ tịch này cũng nói rằng hợp tác với IBM và các công ty khác của Hoa Kỳ là chìa khóa để có được công nghệ mới nhất.

Các nhà sản xuất Trung Quốc đua nhau mua sắm thiết bị
Mỹ công bố lệnh hạn chế xuất khẩu trong lĩnh vực bán dẫn (chủ yếu là các công nghệ và thiết bị tiên tiến) vào tháng 10 năm ngoái, vì vậy, hầu hết các nhà sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc, ngoại trừ SMIC và Yangtze Memory Technologies, tạm thời không nằm trong danh sách chịu hạn chế xuất khẩu của Mỹ, do họ không tham gia lĩnh vực công nghệ và thiết bị tiên tiến. Tuy nhiên, khi Nhật Bản và Hà Lan gia nhập nỗ lực của Hoa Kỳ, các nhà sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc có thể phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt hơn. Điều này khiến các nhà sản xuất chip Trung Quốc phải tăng tốc mua sắm thiết bị sản xuất.

Theo tin hôm 03/02 từ DigiTimes, một số nhà sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc đang thu mua thiết bị sản xuất đã qua sử dụng; những nhà sản xuất khác đã chọn các thiết bị bị cấm để lách lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

SMIC công bố vào tháng 11 năm ngoái rằng họ sẽ nâng chi tiêu thêm 1,6 tỷ USD và tăng các khoản thanh toán trả trước cho các đơn đặt hàng thiết bị để đảm bảo có đủ thiết bị cho các dự án lớn của công ty, bao gồm 3 nhà máy sản xuất lớn mới ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu các biện pháp trừng phạt được mở rộng, việc xây dựng và phát triển trong tương lai của cả 3 nhà máy của SMIC sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Yangtze Memory Technologies, gã khổng lồ chip lưu trữ của Trung Quốc, đã phát hành ít nhất 20 hồ sơ mời thầu sau lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp mới. Sau khi Hoa Kỳ công bố lệnh trừng phạt, các nhà cung cấp thiết bị bán dẫn của nước này đã ngay lập tức ngừng lắp đặt thiết bị mới tại nhà máy sản xuất của Yangtze, đồng thời di dời hàng chục nhân viên đang làm việc tại đó. Yangtze Memory Technologies không còn nhận được hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ bảo trì cho các thiết bị đã lắp đặt.

Trung Quốc có thể mất nhiều thập kỷ để đuổi kịp
Sau khi Mỹ ban hành các lệnh trừng phạt về chất bán dẫn, Global Times, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, thừa nhận trong một bài báo vào cuối tháng 1 rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn về chính trị quốc tế và kỹ thuật.

Bài báo của Global Times chỉ ra tỷ lệ tự chủ hiện tại của Trung Quốc trong thiết bị bán dẫn là dưới 20%; việc thiếu công nghệ sẽ trở thành trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc.

Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang phải đối mặt với 2 thách thức lớn về công nghệ và chính trị. Về công nghệ, các sản phẩm bán dẫn của Trung Quốc chủ yếu tập trung ở khu vực cấp thấp. Do có khoảng cách lớn với các công nghệ tiên tiến, hàng năm, Trung Quốc phải nhập khẩu một lượng lớn các sản phẩm bán dẫn từ trung cấp đến cao cấp; đặc biệt, CPU, GPU, bộ nhớ, v.v., gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

Trên mặt trận chính trị, ĐCSTQ phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ từ phía Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ. Chính phủ Mỹ đang cố gắng chuyển nhà máy sản xuất vi mạch sang Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc, hoặc chuyển về Mỹ; đồng thời đang hợp tác với các đồng minh để ngăn chặn Trung Quốc phát triển ngành bán dẫn.

Ông Li nói với The Epoch Times rằng dưới các biện pháp trừng phạt này, thậm chí bằng mọi giá và trong nhiều thập kỷ, ĐCSTQ vẫn không thể bắt kịp trình độ công nghệ bán dẫn tiên tiến. Nguyên nhân là Đảng này không tôn trọng sở hữu trí tuệ và luôn tìm cách đạt được tiến bộ công nghiệp thông qua các biện pháp bất minh.

Chính sách “Zero-COVID” kéo dài 3 năm của Trung Quốc đã khiến người dân của họ phải trả cái giá quá đắt, và cuối cùng, các đợt phong tỏa hà khắc đã phải chấm dứt. Nếu không có công nghệ và trí óc của phương Tây, khoảng cách giữa ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc và thế giới sẽ ngày càng lớn. Ông Li nói, ĐCSTQ về cơ bản là bất lực trước các biện pháp trừng phạt; chế độ này đang tăng cường đe dọa quân sự để chống lại phương Tây.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới