Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiSự mong manh trong một thế giới kết nối

Sự mong manh trong một thế giới kết nối

Hôm nay 24/2, tròn một năm ngày Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, một nước láng giềng thân thiết từng một thời là anh em trong Liên bang Xô-viết vĩ đại.

Mặc dù không hi vọng gì ở Thông điệp Liên bang do Tổng thống Nga Putin đọc hôm 21/2, nhưng dẫu sao nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới nói chung và người dân Nga nói riêng vẫn hi vọng vào những điều tốt đẹp vào thời điểm này. Mọi người chờ đợi một thông điệp với kỳ vọng được nghe đánh giá khách quan về những gì đang xảy ra, về chiến dịch cuộc chiến tại Ukraine trong một năm qua.

Thế nhưng hi vọng ấy đã bị dập tắt. Thậm chí nỗi lo về một cuộc chiến tranh thế giới không phải không có cơ sở.

Nếu như Chiến tranh lạnh bắt đầu từ năm 1947, với sự ra đời của thuyết Truman và kết thúc khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã vào năm 1991, thì giờ đây nguy cơ một cuộc chiến tranh nóng cũng bắt đầu từ hai cường quốc Mỹ và Nga. Trong khi Tổng thống Nga Putin đọc Thông điệp liên bang thì Tổng thống Mỹ bất ngờ thăm Ukraine và Ba Lan. Ngụ ý của chuyến thăm ai cũng hiểu rằng, ông Joe Biden muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Nga: Mỹ và phương Tây sẽ không bỏ rơi Ukraine!

Thế giới ngày nay đang trở thành một cái “Làng toàn cầu” với mục tiêu hướng tới là tăng cường đoàn kết, tập hợp các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ để đấu tranh vì hòa bình, công lý, dân chủ, công bằng xã hội và phát triển bền vững, chống lại chiến tranh, chống lại áp bức, bóc lột, bất công.

Thế nhưng, thế giới lại đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ chiến tranh, xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, cùng các thách thức an ninh phi truyền thống và cả những vấn đề rất nghiêm trọng như suy thoái môi trường.

Cuộc chiến Nga-Ukraine – cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” là một minh chứng cho nguy cơ đó. Cái gọi là “cuộc xung đột”đã không chấm dứt như dự kiến ban đầu của Moscow, trong một vài tuần là có thể đè bẹp Kiev. Cuộc chiến ngày càng phức tạp, quy mô ngày càng lớn, trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu, với những tác động tiêu cực không chỉ tới Nga, Ukraine, mà toàn thế giới.

Cuộc chiến ngày càng căng thẳng, dữ đội sau khi mọi nỗ lực đàm phán giữa Nga và Ukraine, cũng như giữa Nga và phương Tây đi vào ngõ cụt. Một năm trước, khi phát động chiến tranh, trong phát biểu trực tiếp ngày 24/2/2022, Tổng thống V.Putin tuyên bố, chiến dịch quân sự của Nga là hành động tự vệ và nhằm “phi quân sự hóa” quốc gia láng giềng Đông Âu.
Thế rồi, sau một năm, Putin tuyên bố, thỏa hiệp không phải là một lựa chọn vào thời điểm hiện nay: “Chúng ta kiên quyết bảo vệ không chỉ lợi ích của riêng mình. Chúng ta tin rằng, trong thế giới hiện đại không nên có sự phân chia thành các quốc gia văn minh hay không văn minh. Châu Âu và toàn thế giới cần một hệ thống an ninh bình đẳng và không thể chia cắt”.

Xin nêu một vài con số đau xót: Cuộc chiến Nga – Ukraine đã trở thành cuộc chiến tàn khốc nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh, với gần 19 nghìn dân thường đã thiệt mạng và bị thương. Hơn 1/3 số số Ukraine (khoảng 13 triệu người) phải di tản.

Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 5 trên thế giới, nằm trong top 3 về ngô, lúa mạch và hạt hướng dương. Đất nước xinh đẹp này từng nuôi sống cả thế giới, vậy mà lúc này họ đang thiếu lương thực trầm trọng. Nền kinh tế hầu như bị tê liệt. Theo tính toán của Ngân hàng thế giới, quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine bị thu hẹp 1/3, thiệt hại lên tới 350 tỷ USD.

Là nước gây chiến tranh, Nga cũng thiệt hại không kém. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm giảm doanh thu từ năng lượng và các mặt hàng xuất khẩu khác của nước này. 300 tỷ USD dự trữ ngoài tệ ở nước ngoài của Nga chỉ trong vài ngày đã bị đóng băng. Phương Tây sau đó chuyển sang chặn tất cả đầu tư nước ngoài.

Không dừng ở đó, chính phủ các nước phương Tây còn ngắt kết nối 3/4 lĩnh vực tài chính của Nga và cấm vận năng lượng của nước này. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ chứng kiến mức giảm GDP trong năm 2023 khoảng 3,4%.

Chiến tranh được cảm nhận rõ rệt từ những ngôi nhà lạnh giá ở châu Âu cho đến các thị trường thực phẩm ở châu Phi xa xôi, làm gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu đang đà phục hồi sau đại dịch. Giá lương thực tăng vọt bởi lý do chủ yếu – Nga và Ukraine là những nhà cung cấp lúa mì, dầu hướng dương và phân bón hàng đầu thế giới.

Giáo sư Tracey German (Đại học Hoàng gia Anh, chiến tranh) nhận định: “Chiến tranh đã thật sự làm nổi bật sự mong manh của một thế giới kết nối”. Điều này giống như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến kinh tế, mà đến lúc này chúng ta vẫn chưa được cảm nhận hết.

Sự mong manh ấy có nguyên do từ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tấn công nước láng giềng Đông Âu. Nó đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, tương tự như giai đoạn những năm 1930 dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ II.

Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Putin nói, Nga sẵn sàng đối thoại với phương Tây và cởi mở với một hệ thống an ninh bình đẳn. Thế nhưng Nga đã “nhận được những câu trả lời không trung thực” và những động thái cụ thể như mở rộng NATO về phía đông và triển khai hệ thống chống tên lửa mới ở châu Âu (!).

Vậy là mâu thuẫn cơ bản giữa Nga-Mỹ và đồng minh vẫn chưa thể giải quyết.
Đó là một thách thức lớn, đòi hỏi sự đoàn kết, nỗ lực chung của mọi quốc gia, dân tộc, vì hòa bình, tiến bộ của cả loài người.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới