Wednesday, January 1, 2025
Trang chủBiển ĐôngĐảo Ba Bình – Đảo tự nhiên lớn nhất ở Trường Sa

Đảo Ba Bình – Đảo tự nhiên lớn nhất ở Trường Sa

Đảo Ba Bình theo cách gọi của Việt Nam, là một đảo san hô thuộc cụm Nam Yết của Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hiện hòn đảo này đang bị Đài Loan chiếm đóng và kiểm soát trái phép dưới tên gọi là đảo Thái Bình theo cách gọi của Đài Loan.

Đảo Ba Bình.

Nằm ở phía Bắc của quần đảo Trường Sa cách đảo Sơn Ca khoảng 12 km về phía Tây, cách đảo Nam Yết hơn 20 km về phía Đông Bắc, cách thành phố Cam Ranh gần 590 km về phía Đông Nam, cách Đài Loan đến 1.450km theo hướng Tây Nam tương đương với khoảng cách từ cực bắc ở Hà Giang cho đến thành phố Cần Thơ, Ba Bình có bề mặt khá bằng phẳng, là thực thể có diện tích tự nhiên lớn nhất tại quần đảo Trường Sa khoảng 49 hecta, trải dài theo hướng Tây Bắc- Đông Nam; chiều dài khoảng 1.280 m chiều rộng khoảng 370 m, độ cao trung bình đảo Ba Bình là khoảng 3,8m so với mực nước biển, nằm trên một thềm san hô ngập nước hình bầu dục có diện tích lên đến 1,7 km vuông tức khoảng 170 hecta. Khi thủy triều xuống, một vành đai cát san hô trắng có chiều rộng khoảng từ 10 đến 50m sẽ lộ ra xung quanh đảo. Đảo Ba Bình có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình dao động từ 21 đến 35 độ C. Đảo có lượng mưa dồi dào mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau còn mùa khô kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5. Hàng năm, hòn đảo này cũng phải hứng chịu những cơn bão nhiệt đới. Ba Bình là một trong những hòn đảo hiếm hoi trên quần đảo Trường Sa hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên lý tưởng để con người có thể sinh sống, cụ thể là có giếng nước ngọt dồi dào, đất đai màu mỡ, cây cối có thể sinh trưởng và phát triển tốt, che phủ cao. Tuy nhiên Đài Loan từ khi xây dựng sân bay quân sự mở rộng thêm, diện tích rừng nguyên sinh trên đảo Ba Bình đã giảm đi rất nhiều, còn lại chủ yếu là bụi rậm. Đảo có nhiều loài chim di cư, rùa biển sinh sản và trú ngụ. Vùng biển Ba Bình còn là nơi sinh sống của nhiều loại cá nhiệt đới, cá rạn san hô, tôm, mực… Trước kia đảo còn có một số mỏ phốt phát nhỏ, đã bị phát xít Nhật khai thác hết vào thời kỳ nước này xâm lược Việt Nam.

Vậy tại sao dù nằm rất xa với Đài Loan nhưng đảo Ba Bình vẫn bị chiếm đóng trái phép?

Trả lời cho câu hỏi này thì chúng ta cùng quay lại lịch sử của đảo Ba Bình cũng như là quá trình hòn đảo này bị chiếm đóng.

Từ lâu các ngư dân Việt Nam đã phát hiện ra đảo Ba Bình. Các triều đại phong kiến của Việt Nam qua nhiều thời kỳ cũng đã thực hiện chủ quyền của mình đối với hòn đảo này. Nhiều thư tịch, sách địa lý và bản đồ cũ của Việt Nam có ghi chép lại và chứng minh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là của Việt Nam. Trong thời kỳ Pháp thuộc, vào ngày 21 tháng 12 năm 1933, thống đốc nam kỳ là J.Krautheimer đã ký Nghị định sáp nhập các đảo ở quần đảo Trường Sa trong đó có đảo Ba Bình vào địa phận tỉnh Bà Rịa. Với danh nghĩa là bảo hộ Việt Nam, Pháp đã cho quân chiếm đóng thiết lập đài Quan Trắc mang số hiệu 48919 do tổ chức khí tượng quốc tế cấp phát.

Trong thời chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Nhật Bản bắt đầu chiếm đóng đảo Ba Bình từ tay Pháp và làm căn cứ tàu ngầm đặt dưới sự kiểm soát của bộ chỉ huy đóng tại Cao Hùng – Đài Loan là thuộc địa của Nhật Bản, chính quyền của Pháp tại Đông Dương lúc đó là chủ thể đại diện của triều Nguyễn trong quản lý toàn bộ lãnh thổ lãnh hải đã phản ứng quyết liệt. Sau khi Nhật Bản đầu hàng phe đồng minh, tháng 10 năm 1946, Pháp đã cho tàu chiến Chevreud đến đảo Trường Sa và Ba Bình dựng một cột mốc đánh dấu bằng đá tại đây. Thời gian này, vào lúc Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đang bận đối phó với cuộc chiến tranh toàn diện sắp diễn ra, lợi dụng việc quân Tưởng Giới Thạch được phe đồng minh giao phó giải pháp quân nhật từ vĩ tuyến thứ 16 trở ra Bắc theo hiệp định Postdam, Trung Hoa Dân Quốc đã đưa hạm đội của mình gồm 4 chiến hạm xuất phát cảng Ngô Tùng tới quần đảo Hoàng Sa. tới ngày 29 tháng 11 năm 1946, các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên đã tới quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ lên đây, còn tàu Thái Bình và tàu Trung Nghiệp thì đến quần đảo Trường Sa và đổ bộ lên đảo Ba Bình.

Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Hoa Dân Quốc. Ngày 17 tháng 10 năm 1947, Pháp thông báo cho hạm đội Tontinois của quốc gia này đến Hoàng Sa yêu cầu Trung Hoa Dân Quốc rút quân nhưng không được đáp ứng. Sau đó, Pháp đã gửi một phần lính trong đó có cả quân lính quốc gia Việt Nam để đóng quân tại đảo Pattle (tức là đảo Hoàng Sa) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1950, sau khi thất bại trong cuộc nội chiến, quân Tưởng Giới Thạch mới rút khỏi quần đảo Hoàng Sa trong đó có cả đảo Ba Bình. Ngày 14 tháng 10 năm 1950, chính phủ Pháp đã chính thức chuyển giao cho Chính phủ Bảo Đại quyền quản lý các quần đảo ở Hoàng Sa. Sau đó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại đã tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam.

Sau năm 1950, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không còn quân nước ngoài chiếm đóng mà chỉ có lực lượng trú phòng của Việt Nam và chính quyền Bảo Đại. Hiệp định Genève ký kết vào năm 1954 nhằm chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương công nhận độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của nhà nước Việt Nam, vĩ tuyến 17 được ấn định là đường ranh giới tạm thời với quân sự, được kéo dài ra ngoài khơi, dưới vĩ tuyến 17 nên được đặt dưới sự quản lý hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 22/8/1956 lưu lượng hải quân của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đổ bộ lên các hòn đảo chính của nhóm Trường Sa dựng các cột đá và trương cờ. Tuy nhiên, tháng 10 năm 1956 hải quân Đài Loan đã đưa lực lượng đến đóng giữ và chiếm đảo Ba Bình. Thời điểm quân Đài Loan thực sự chiếm đảo Ba Bình vẫn chưa rõ ràng. Có nguồn tài liệu cho rằng, từ năm 1971 thì Đài Loan mới thực sự đồn trú lâu dài trên đảo, tuy nhiên điều rõ ràng là Đài Loan chiếm giữ trái phép Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, triển khai lực lượng thủy quân lục chiến đến đồn trú tại đây.

Vào năm 2000, cục cảnh sát biển Đài Loan đã được giao nhiệm vụ bảo vệ đảo thay cho lực lượng thủy quân lục chiến, Đài Loan đã khảo sát và xây dựng nhiều công trình dân sự lẫn quân sự trên đảo Ba Bình nhằm biến nơi đây trở thành một pháo đài kiên cố ở trên Biển Đông. Kể từ năm 2006, chính quyền Đài Loan đã cho nâng cấp kéo dài đường sân bay trên đảo Ba Bình bất chấp sự phản đối của Việt Nam, hiện nay đường băng phi pháp này dài khoảng 1,2 km, có khả năng tiếp nhận máy bay chiến đấu F16 và cả máy bay trinh sát chống tàu ngầm P3C; Người phát ngôn bộ quốc phòng Đài Loan lại phủ nhận, cho rằng đường băng mới được cải tạo chỉ sử dụng cho máy bay vận tải C130 phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn nhân đạo. Nhiều công trình khác cũng được xây dựng ở khu vực đường băng như là hệ thống chiếu sáng, hệ thống thoát nước, bồn nhiên liệu và đường ống dẫn dầu.

Năm 2011, Đài Loan đã cho xây dựng trái phép hệ thống điện năng lượng mặt trời trên đảo Ba Bình công suất khoảng 120kw điện. Các loại vũ khí phòng thủ cũng được lắp đặt như xe tăng M41, pháo phòng không 40mm, các hệ thống pháo hỏa lực tầm xa, pháo tự động, súng cối 120mm. Năm 2015, một ngọn hải đăng sử dụng năng lượng mặt trời trên đảo Ba Bình đã được xây dựng hoàn tất, cao khoảng 13,7 m và có thể soi sáng tới cự ly 18,5 km. Đài Loan đã ngang ngược ngụy biện mục đích của công trình này là củng cố chủ quyền và đảm bảo an toàn hàng hải. Ngoài ra, các công trình như là bệnh viện, trạm thời tiết, trạm cung cấp nước ngọt, thông tin liên lạc vệ tinh, giám sát radar, hệ thống quang điện và các phương tiện liên quan khác cũng đã được Đài Loan liên tục xây dựng trái phép trên đảo Ba Bình. Đài Loan còn thách thức luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam xây dựng ở bờ phía Tây của đảo Ba Bình, trong đó 4 cấu trúc hình chữ Y đã được xây xong và bao quanh một cấu trúc hình tròn ở giữa các công trình kiên cố có thể, đó là những công trình công sự chống máy bay hoặc bệ phóng tên lửa chống hạm. Đài Loan cũng đã xây dựng xong một cầu cảng trái phép nằm ở phía Tây Nam ở đảo Ba Bình với tổng kinh phí tương đương với khoảng 110 triệu USD để phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa và vật liệu, theo tính toán cầu cảng này có thể cho phép chiến hạm trong tải 2.000 tấn cập thẳng vào đảo song song với đó là bồi đắp thêm phần phía Tây của hòn đảo, tăng chiều dài của hòn đảo lên khoảng 100m. Ngày 27 tháng 10 năm 2020, Đài Loan tuyên bố tiếp tục mở rộng cầu cảng nhằm mục đích quân sự hóa hoàn toàn Ba Bình và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 4 năm 2023.

Lập trường của Việt Nam

Nhiều đời tổng thống Đài Loan như là Trần Thủy Biển, Mã Anh Cửu… đã tổ chức nhiều chuyến đi trái phép đến đảo Ba Bình. Việt Nam đã rất nhiều lần liên tiếng yêu cầu Đài Loan ngừng tổ chức diễn tập tại đảo Ba Bình và vùng biển xung quanh, chấm dứt hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đối với hòn đảo này. Khẳng định đảo Ba Bình nói riêng và hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nói chung đều thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới