Sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), ngoại trưởng Ukraine và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gợi ý rằng Trung Quốc, một cường quốc trung lập thân thiết với Nga, có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Mátxcơva và Kiev.
Bản thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nói không rõ ràng về vai trò của Bắc Kinh trong cuộc xung đột, trong những phát biểu vào tháng 3 và 12/2022.
Trên bề mặt, việc Trung Quốc đóng vai trò trung gian có vẻ phù hợp với Bắc Kinh. Việc này sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu, giúp Bắc Kinh xây dựng hình ảnh một cường quốc nỗ lực vì hòa bình và giúp kết thúc cuộc xung đột gây bất ổn cho kinh tế toàn cầu và làm suy yếu sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc lưỡng lự với vai trò này. Câu hỏi đặt ra là vì sao?
Trong bài đăng trên Diễn đàn Đông Á, Ivan Lidarev, một chuyên gia về an ninh châu Á và quan hệ quốc tế, cho rằng một lý do là cả Nga và Ukraine đều không thực sự muốn cuộc xung đột kết thúc vào lúc này. Cuộc xung đột khiến Bắc Kinh được nhiều hơn mất, được cơ hội quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, mua dầu mỏ với giá rẻ hơn và Mỹ giảm tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ là một nhân tố nữa khiến Bắc Kinh khó đóng vai trò trung gian giữa một bên là Ukraine được Mỹ hậu thuẫn với một bên là Nga đang thân thiết với Trung Quốc.
Quan điểm ủng hộ Nga của Trung Quốc gây hoài nghi về khả năng Bắc Kinh có thể đóng vai trò trung gian, nhất là nếu Trung Quốc đưa ra những đề xuất gây tranh cãi trong quá trình các bên thương lượng.
Trung Quốc có thể thấy rằng việc điều phối có thể dễ dàng khiến Bắc Kinh bị Washington ép phải trừng phạt Nga. Phương Tây, đi đầu là Mỹ, có thể gây áp lực lớn để buộc Bắc Kinh chứng minh cam kết của mình trong chấm dứt xung đột, bằng cách trừng phạt Nga.
Nếu Mátxcơva không muốn kết thúc cuộc xung đột hay chấp nhận nhượng bộ đáng kể để đàm phán dưới sự điều phối của Trung Quốc, phương Tây có thể cáo buộc rằng sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc khiến Mátxcơva vẫn muốn tiếp tục chiến sự.
Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ đối mặt với tình huống “đều thua”. Nếu trừng phạt Nga, Trung Quốc sẽ đẩy đối tác lớn duy nhất ra xa. Nếu không, quan hệ giữa Trung Quốc với phương Tây sẽ càng căng thẳng. Những hợp tác sau này giữa Trung Quốc với phương Tây có thể gắn kèm điều kiện Bắc Kinh phải trừng phạt Mátxcơva. Cả hai cách đều sẽ gây ra những thiệt hại kinh tế và chính trị với Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đối diện với nguy cơ thất bại khi làm trung gian. Thỏa hiệp trong những vấn đề phía sau cuộc chiến cực kỳ khó đạt được, vì thế có rất ít cơ hội để có thể dàn xếp thành công. Cái được duy nhất với Trung Quốc khi dàn xếp thất bại là cải thiện đôi chút hình ảnh với phương Tây và được nhìn nhận như một cường quốc nỗ lực vì hòa bình quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Lidarev, việc dàn xếp thất bại cũng sẽ khiến Bắc Kinh trông yếu ớt, bất lực về ngoại giao và không thể đóng vai trò lãnh đạo quốc tế như mong muốn của nước này.
Những nguyên nhân này không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ từ chối đứng ra làm trung gian trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trung Quốc có thể làm điều này vào giai đoạn sau, khi hai bên sẵn sàng chấm dứt giao tranh và tình hình quốc tế xung quanh cuộc chiến đã thay đổi.
Bắc Kinh cũng có thể sẵn sàng tham gia nỗ lực ngoại giao đa phương để dàn xếp hoặc tạo điều kiện cho đối thoại giữa Nga và Ukraine. Tính toán của Trung Quốc có thể thay đổi nếu được Nga đề nghị làm trung gian hoặc cuộc xung đột leo thang thảm khốc.