Thursday, January 16, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaGiả lập môi trường Tây Tạng chỉ để nuôi nấm, thu bạc...

Giả lập môi trường Tây Tạng chỉ để nuôi nấm, thu bạc tỷ

Sản xuất đông trùng hạ thảo là ngành hái ra tiền ở Trung Quốc với nhu cầu gia tăng cao trong những năm gần đây. Các công ty đã làm như thế nào?

Sản phẩm độc đáo

Loạt phim nổi tiếng của HBO “The Last of Us” – xuất phát từ một trò chơi điện tử cùng tên – đang làm mưa làm gió với hình ảnh những con zombie đáng sợ, vốn là con người nhưng bị kí sinh trùng tấn công và điều khiển tâm trí.

Trong thế giới thực, một loài nấm túi có tên là ophiocordyceps sinensis cũng có khả năng tấn công sâu bướm, sử dụng sợi nấm của nó để thay thế các mô của vật chủ và biến sâu thành thực vật. Quá trình lây nhiễm thường bắt đầu vào mùa đông tại nơi sinh sống của nấm ở vùng cao nguyên Tây Tạng, cuối cùng hoàn thành chu kỳ trong những tháng mùa hè. Đây là nguồn gốc của cái tên “đông trùng hạ thảo” (hay Dongchong Xiacao) của Trung Quốc, một sản phẩm được sử dụng rộng rãi bởi người tiêu dùng trong thời gian gần đây – theo SCMP.

Loại nấm này, được đón nhận chủ yếu trong nền y học cổ truyền Trung Quốc, hiện đang được nuôi trồng ở quy mô công nghiệp tại tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Ở Yidu, một quận có ít hơn nửa triệu dân, công ty HEC Health đã “trồng” đông trùng hạ thảo từ năm 2007, thu hoạch khoảng 50 tấn – tương đương 30% tổng số đông trùng hạ thảo được thu thập từ tự nhiên – mỗi năm cho thị trường.

“Chúng tôi đã tạo ra một môi trường tự nhiên tương tự như cao nguyên Tây Tạng về nhiệt độ, độ ẩm và tia cực tím”, Qian Zhengming, phó giám đốc bộ phận nghiên cứu đông trùng hạ thảo tại HEC Health, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với SCMP. “Máy tính của chúng tôi kiểm soát khí hậu trong các phòng khác nhau để đảm bảo đông trùng hạ thảo có thể được trồng quanh năm.”

HEC Health là một phần của Tập đoàn HEC, một nhà sản xuất dược phẩm và lá nhôm có trụ sở tại Thâm Quyến. Công ty bắt đầu nuôi đông trùng hạ thảo vào năm 2007. Công ty hiện bán loại dược liệu này với giá 1.934 nhân dân tệ (284 USD) cho 10 gam đông trùng hạ thảo tươi, hoặc 1.699 nhân dân tệ (246 USD) cho một gói 30 miếng sấy khô – theo bài đăng trên trang web thương mại điện tử JD.com.

Không giống như những gì được mô tả trong tiểu thuyết viễn tưởng, đông trùng hạ thảo không thể tồn tại ở nhiệt độ của cơ thể động vật có vú, vì vậy chúng không gây bệnh cho con người. Thay vào đó, chúng được tiêu thụ vì polysacarit có thể cải thiện hiệu quả miễn dịch, cũng như cordycepin và axit amin.

Một chủng đông trùng hạ thảo được gọi là paecilomyces hepiali CS-4 đã được các cơ quan quản lý dược phẩm của Trung Quốc phê duyệt để sản xuất hai loại dược phẩm có nguồn gốc từ sợi nấm.

Albert Leung, một chuyên gia đông y và là giáo sư thực hành lâm sàng tại Trường Nghiên cứu Sau đại học của Đại học Lĩnh Nam, cho biết đông trùng hạ thảo – được gọi là Yarchagumba trong tiếng Tây Tạng – thường được sử dụng để điều trị ho, “tăng cường sức khoẻ của phổi” và kết hợp với các loại dược liệu khác để cải thiện chức năng thận.

Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng kể từ những năm 1980 đã tạo ra vô số tỷ phú ở Trung Quốc. Sự giàu có nhanh chóng đã thúc đẩy ngành tiêu dùng đối với mọi thứ, từ những chiếc túi xa xỉ đến những loại thuốc bổ kỳ lạ. Cao Hui, giám đốc Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật quốc gia về hiện đại hóa đông y, cho biết 1 kg đông trùng hạ thảo tự nhiên – có thể đổi lấy một bao thuốc lá vào những năm 1950 – có thể có giá trị ngang với số vàng cùng trọng lượng vào cuối những năm 2000.

Vào thời kỳ đỉnh cao, đông trùng hạ thảo tự nhiên có giá 400.000 nhân dân tệ (khoảng 59.000 USD) mỗi kg. Nhu cầu cao đến mức giúp nhiều công ty hái ra tiền từ thị trường chứng khoán, giúp Jiang Zhong Pharmaceutical, Tong Ren Tang và Qizheng Tibetan Medicine huy động được hàng tỷ nhân dân tệ thông qua các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Qinghai Spring Medicinal Resources Technology đã bán bột và viên thuốc đông trùng hạ thảo với giá gần 30.000 nhân dân tệ (khoảng 103 triệu VNĐ) cho một hộp quà được đóng gói sang trọng, mang lại cho doanh nghiệp 1,12 tỷ nhân dân tệ mỗi năm với tỷ suất lợi nhuận gộp khổng lồ 55% trong năm 2015.

Sự bùng nổ này đã sụp đổ vào năm 2016 khi các cơ quan quản lý ngăn 5 công ty bao gồm Qinghai Spring bán các sản phẩm bổ sung sức khỏe dựa trên đông trùng hạ thảo, với lý do lo ngại về an toàn sức khoẻ. Qinghai Spring sau đó đành chuyển thành công ty chưng cất rượu gạo.

Giá cả đắt đỏ

Việc thu hoạch quá mức cũng làm cạn kiệt đông trùng hạ thảo tự nhiên, chỉ còn lại 5 loại nấm trên mỗi mét vuông nền rừng ở tỉnh Thanh Hải, từ con số 30 loại vài thập kỷ trước đó – Viện Sinh học Cao nguyên Tây Bắc thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cho biết.

“Sự khan hiếm do con người gây ra đã khiến nó trở thành mặt hàng nóng như vàng và kim cương”, Cao nói.

Thị trường hạ nhiệt sau khi cơ quan quản lý dược phẩm của Trung Quốc phát hiện lượng thạch tín quá mức trong dạng viên chiết xuất đông trùng hạ thảo. Các cơ quan quản lý cũng phạt nặng các quảng cáo phóng đại lợi ích sức khỏe của đông trùng hạ thảo – ví dụ như gọi chúng là “Viagra của Himalaya”.

“Có một sự khác biệt lớn giữa việc tiêu thụ đông trùng hạ thảo làm thực phẩm và sử dụng nó làm thuốc”, Li Shaoping, Giáo sư tại Viện Khoa học Y học Trung Quốc thuộc Đại học Macau cho biết. “Ăn chúng thường xuyên như thực phẩm sẽ làm tăng khả năng tiếp xúc quá nhiều với asen. Có một yêu cầu nghiêm ngặt về liều lượng đông trùng hạ thảo trong đông y.”

Một chủng nấm khác có tên là cordyceps militaris có thể được trồng trong gạo và yến mạch mà không có côn trùng hoặc sâu bướm làm vật chủ, và tạo ra chất cordycepin được đánh giá cao ở Bắc Mỹ và Trung Quốc về chất lượng chữa bệnh.

Ông Qian đã nghiên cứu về đông trùng hạ thảo trong hơn 15 năm. Ông nhớ mình đã đi du lịch đến cao nguyên Tây Tạng để tìm kiếm chúng với những người chăn gia súc trong những tháng mùa hè từ tháng 5 đến tháng 7. Thông thường, một loại nấm đông trùng hạ thảo có thể được tìm thấy trong tự nhiên khi đào nửa mét vuông đất.

Qian và nhóm của ông vẫn sử dụng sâu bướm làm vật chủ trong chu kỳ sinh trưởng hai năm của ophiocordyceps, nỗ lực giảm thiểu dư lượng asen trong nấm của HEC Health để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của chính phủ.

Qian cho biết: “Khoảng 10% đông trùng hạ thảo tự nhiên không có hàm lượng asen quá mức. Chúng tôi đã đến địa điểm nơi chúng được tìm thấy để nghiên cứu đất và nước ở đó”.

Qian cho biết: “Thành công của chúng tôi làm giảm nhu cầu về đông trùng hạ thảo tự nhiên từ Cao nguyên Tây Tạng, nơi mang đến cho đông trùng hạ thảo hoang dã cơ hội sinh sản. Điều đó không có nghĩa là loại nuôi trồng sẽ thay thế loại tự nhiên. Nó sẽ trở nên ít được ưa chuộng hơn về mặt thương mại để tránh thu hoạch quá mức. Thiên nhiên chúng ta đã cạn kiệt. Hãy để thiên nhiên được nghỉ ngơi”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới