Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKinh tế Nga “không chết”, còn các nước cấm vận Nga lại...

Kinh tế Nga “không chết”, còn các nước cấm vận Nga lại “ngắc ngoải”

Đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo GDP của Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm 2023 và tăng 2,1% trong năm 2024, trong khi nền kinh tế của Đức và Anh có thể co lại với mức tăng trưởng lần lượt là +0,1% và -0,6%.

Người dân Nga đi chợ.

Theo tờ Grid News (Mỹ), dự đoán này gây ngạc nhiên đối với nhiều người. Bởi khi xung đột Ukraine bắt đầu, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga khiến thị trường chứng khoán Nga, đồng rúp rơi tự do và hàng trăm công ty quốc tế – từ McDonald’s đến Boeing – rút khỏi Nga.

Nga hiện là quốc gia bị cấm vận nhiều nhất thế giới. Hàng chục nghìn lệnh trừng phạt đã được phương tây ban hành nhằm vào các tổ chức và cá nhân Nga.

Hồi tháng 3/2022, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thậm chí dự đoán rằng “nền kinh tế Nga sẽ bị tàn phá”.

Ngay cả người Nga cũng thấp thỏm lo lắng về một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc hơn.

Bộ Tài chính Nga được cho đã chuẩn bị cho sự sụt giảm GDP hơn 10%. Hay hồi tháng 12/2022, trong một cuộc thăm dò của Reuters, 15 nhà kinh tế từng dự báo GDP của Nga sẽ 2,5% trong năm 2023.

” Nền kinh tế Nga chắc chắn đang ở trong một cục diện rất phức tạp “, ông Sergey Aleksashenko, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga kiêm Thứ trưởng Tài chính Nga, cho biết vào tháng trước. ” Nhưng đối với ý kiến ​​cho rằng có một sự ‘sụp đổ’ hoàn toàn thì điều đó không đúng “.

Vậy chuyện gì đã diễn ra với nền kinh tế Nga?

Tin tốt trên sân nhà…

Câu trả lời bắt đầu bằng hai câu chuyện kinh tế riêng biệt: Câu chuyện thứ nhất, về những gì đang xảy ra bên trong nước Nga; và thứ hai, về mối liên hệ của Nga với thế giới bên ngoài.

Phương Tây thực hiện các biện pháp trừng phạt vốn nhằm gây áp lực lên Moscow cả trong nước và quốc tế. Như Thủ tướng Anh lúc bấy giờ, ông Boris Johnson, đã tuyên bố vào cuối tháng 2/2022, ý tưởng này nhằm “cản trở” nền kinh tế trong nước và các mối quan hệ thương mại của Nga.

Các hạn chế bao gồm loại Ngân hàng trung ương Nga và nhiều ngân hàng tư nhân của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Hậu quả gần như xuất hiện ngay lập tức. Người dân Nga, lo lắng về khoản tiết kiệm của họ khi tin tức về các biện pháp trừng phạt lan rộng, đã xếp hàng bên ngoài các máy ATM vào đầu tháng 3, vội vã rút bất kỳ khoản tiền mặt nào có thể trong bối cảnh lo ngại các ngân hàng có thể sụp đổ.

Nhưng bằng chứng hiện nay cho thấy, Nga đã trải qua một sự phục hồi trong nước vào nửa cuối năm 2022.

Trong khi chi tiêu cho nhiều lĩnh vực trong nước khác giảm khoảng 1/4 và một số ngành công nghiệp chịu tổn thất lớn – ước tính doanh số bán ô tô của Nga giảm mạnh tới 60% vào cuối năm 2022 – thì nền công nghiệp quốc phòng lại phát triển mạnh.

Theo ấn phẩm kinh doanh RBC, chi tiêu quân sự của Nga dự kiến ​​sẽ tăng gần 5 nghìn tỷ rúp (khoảng 71 tỷ USD) vào năm 2023, trong đó chi tiêu cho an ninh nội địa và thực thi pháp luật dự kiến ​​cũng tăng gần tương đương.

Việc sản xuất quốc phòng tăng đột biến có nghĩa là tăng trưởng của ngành công nghiệp Nga không quá ảm đạm như nhiều người dự đoán.

Bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế, sản xuất công nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2022 của Nga chỉ giảm 0,1%. Và bây giờ lĩnh vực này dự kiến ​​​​sẽ phát triển.

Ông Aleksashenko chỉ ra: “Chúng ta phải hiểu rằng khi thứ bạn sản xuất không phải bơ mà là súng, GDP có thể tăng lên và chắc chắn đó là tác động trong nửa cuối năm 2022”.

… Và tin tích cực từ đối tác bên ngoài

Nếu bức tranh trong nước tạm ổn nhờ nền công nghiệp quốc phòng thì bên ngoài biên giới, Nga vẫn tiếp tục giao dịch tương đối tự do với các hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD – bất chấp các lệnh trừng phạt khiến các công ty Nga khó khăn trong giao dịch với các đối tác nước ngoài.

Có hai lý do chính giải thích cho điều này: Khả năng của Nga trong việc tìm kiếm các đối tác quốc tế và nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn, đa dạng của Nga.

Nga tiếp tục giữ vị trí thống lĩnh trên thị trường dầu mỏ và khí đốt thế giới. Đây cũng là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới.

Đối với nhiều quốc gia, việc thay thế đột ngột nguồn cung của Nga đã tỏ ra quá tốn kém nên bất chấp những nỗ lực của các nước phương Tây, một số quốc gia vẫn tiếp tục giao dịch khối lượng lớn với Moscow.

Ấn Độ là một ví dụ điển hình: Trong khi các quốc gia phương Tây đã chuyển sang cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, Ấn Độ đã tăng mạnh mức tiêu thụ dầu của Nga.

Theo dữ liệu của Bloomberg, ước tính, Ấn Độ đang nhập khẩu 1,2 triệu thùng dầu của Nga mỗi tháng – gấp 33 lần so với mức được thấy một năm trước đó.

Thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiếp tục giao dịch với Moscow. Ví dụ, vào tháng 12/2022, nước này đã nhập khẩu 213.000 thùng dầu diesel của Nga mỗi ngày, mức cao nhất kể từ năm 2016.

Bức tranh nhập khẩu vào Nga cũng khá xán lạn. Chẳng hạn, nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga trong tháng 12/2022 đạt 1,3 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với mức một năm trước đó.

Và ở chính châu Âu, ngay cả khi lục địa này gấp rút chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga thì các nhà lãnh đạo vẫn xác định rằng họ không thể đơn giản “khóa van” hoàn toàn.

Tổ chức Europe Beyond Coal (Đức) ước tính, các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu đã chi hơn 150 tỷ USD cho nhiên liệu hóa thạch của Nga kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ.

Lạm phát ở Đức và Anh

Xung đột Ukraine đã gây ra sự gia tăng đột ngột về giá lương thực và năng lượng toàn cầu. Điều này đã gây áp lực lên các nền kinh tế đối thủ của Nga, bao gồm cả Anh và Đức.

Cuộc chiến đã tạo ra một “chấn thương” kinh tế đặc biệt đối với Đức, quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga.

Ban đầu, giá năng lượng tăng vọt, gây ra lạm phát và ảnh hưởng đến túi tiền của hàng chục triệu người dân châu Âu. Tác động tiếp tục khi doanh số bán lẻ ở Đức trong tháng 12/2022 đã giảm mạnh so với số liệu của tháng 11.

Theo Reuters, tỷ lệ lạm phát của Đức không có dấu hiệu giảm bớt vào đầu năm do áp lực giá năng lượng và lương thực vẫn ở mức cao.

Dữ liệu từ văn phòng thống kê liên bang Đức ngày 22/2/2023 cho thấy, giá tiêu dùng của Đức đã tăng 9,2% so với cùng kỳ tháng 1.

Lạm phát lương thực và nhiên liệu cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến nước Anh.

Theo The Guardian (Anh), mặc dù tỷ lệ lạm phát hàng năm của Vương quốc Anh đã giảm từ 11,1% (10/2022) xuống 10,1% (tháng 1/20230) nhưng người dân Anh vẫn chịu áp lực khi giá cả tiếp tục tăng đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ như sữa (45,2%), khí đốt (129,4%) v.v…

Cuối cùng, theo báo Mỹ, Nga đang làm tốt hơn nhiều so với dự đoán của hầu hết các chuyên gia – thậm chí còn tốt hơn một số nền kinh tế lớn muốn trừng phạt Điện Kremlin vì xung đột Ukraine.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới