Saturday, January 18, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLuật rừng chọi luật nhà

Luật rừng chọi luật nhà

Vậy là sau khi hết vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Campuchia đã đẩy “trái bóng COC” sang chân Chủ tịch mới là Indonesia.

Thật ra, nước nào làm chủ tịch cũng thế thôi, mọi khúc mắc vẫn do Trung Quốc. Bắc Kinh luôn cậy thế nước lớn, đóng vai trò trọng tài điều hành trận đấu không cân sức này. Một trọng tài khác muốn tham gia trận đấu là Mỹ nhưng lại chả liên quan gì đến khu vực ASEAN. Nắm được cái tử huyệt này, Bắc Kinh khăng khăng không được cho “nước ngoài” can dự vào vấn đề quan thiết này.

Năm 2022 khi đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng nêu tham vọng hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong năm, trước khi bàn giao cái ghế nóng này. Tờ The Phnom Penh Post đưa tin rành rành như thế.

Trung Quốc cũng cùng quan điểm Campuchia vì không gì thuận lợi hơn khi một nước “chư hầu” giữ vai trò điều hành thảo luận Bộ quy tắc vốn hại nhiều lợi ít cho Bắc Kinh. Trong các tuyên bố, nhà cầm quyền Trung Nam Hải thường nói chữ, rằng: chúng tôi muốn thúc đẩy đối thoại COC tiến triển bằng một cách nào đó.

Mục đích trước sau như một của Trung Quốc là, cố gắng lôi kéo các nước ASEAN, nhất là các nước có quan hệ ngày càng thân thiện với Bắc Kinh, vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình. Nhưng đó không phải là một quyết định dễ dàng, bởi ASEAN ngày càng đoàn kết thành một khối vững chắc, giữ vai trò trung tâm của khu vực. Và thế là năm 2022 trôi vèo. Chức Chủ tịch luân phiên chuyển qua Indonesia.

Vốn là nước có kinh nghiệm trong việc thúc đẩy UNCLOS, Indonesia có thể vận dụng để đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Jakarta cũng mau mắn tuyên bố, sẽ tăng cường các cuộc đối thoại để sớm hoàn tất Bộ quy tắc. Chủ nhà đang chuẩn bị tổ chức một vòng đàm phán về COC trong năm nay, dự kiến các cuộc thảo luận đầu tiên sẽ diễn ra trong tháng 3/2023. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói chắc như cua gạch: ASEAN cần xây dựng Bộ quy tắc hiệu quả, thực chất và khả thi!

Các cuộc đàm phán sẽ là một phần trong ưu tiên của Indonesia nhằm thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tất cả các quốc gia thành viên đều cam kết thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Với vai trò Chủ tịch, Jakarta tuyên bố, “các cách tiếp cận mới” sẽ được các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc khai thác, thúc đẩy, để COC không bị “kéo dài vô thời hạn”.

Đáng chú ý, Trung Quốc cũng hăng hái cam kết hợp tác với các quốc gia ASEAN để thúc đẩy các cuộc đàm phán COC. Bắc Kinh hoan nghênh lập trường tích cực của Indonesia về đàm phán COC. Ngoại trưởng Tần Cương nhấn mạnh: “Trung Quốc và Indonesia sẽ hợp tác với các nước ASEAN khác để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và đẩy nhanh tham vấn về COC. Chúng ta cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Ngoại trưởng Tần Cương nhận định, một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và sự cạnh tranh giữa các cường quốc không nên xảy ra tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Các nước trong khu vực cũng không nên bị buộc phải chọn bên, mà cần đưa ra những đánh giá và lựa chọn độc lập, dựa trên lợi ích cơ bản là ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực.

Mặc cho ông bạn vàng nói ngon nói ngọt, các nước trong khu vực đều hiểu rõ tâm địa của họ và có đối sách của mình.

Không thể tin vào sự thông đồng bén giọt trong việc hoàn tất COC, bởi mấy lý do sau đây: Một là, bản dự thảo đang có trong tay Indonesia vẫn không đưa ra khái niệm rõ ràng về mặt địa lý liên quan phạm vi áp dụng COC, nhất là cái “lưỡi bò” (đường chín đoạn” đã bị Tòa án quốc tế cắt phăng, nhưng Trung Quốc vẫn không tuân thủ. Hai là, các bên vẫn chưa thống nhất được COC sẽ là một văn kiện có tính ràng buộc pháp lý, hay mang màu sắc  một “tuyên bố chính trị”. Ba là, dự thảo không nêu ra các quy tắc, cơ chế giải quyết tranh chấp hoặc chế tài rõ ràng.

Và điều khó nhất, mắc mứu nhất, Trung Quốc và các nước ASEAN không thống nhất quy định liên quan tới các quốc gia bên ngoài khu vực. Bắc Kinh nhiều lần nhấn mạnh, cần loại bỏ sự tham gia của các cường quốc không giáp Biển Đông (ám chỉ Mỹ). Trong khi đó các nước ASEAN coi sự “tham gia” đó sẽ bảo đảm tính khách quan, là nhân tố dung hòa tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Một mối lo khác, kể cả COC được thông qua lần này, liệu có kiềm chế được các hành động gây căng thẳng, âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc? Mối lo này không phải không có cơ sở vì từ lâu Trung Nam Hải vốn rất ma quái trong việc đem luật rừng chọi luật nhà.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới