Nghe thông tin Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ hạn chế mổ phiên từ 1/3, chị N.M.H. gác mọi công việc, đón chuyến xe sớm nhất đưa mẹ từ Hà Nam lên Hà Nội nhập viện.
Bệnh nhân thấp thỏm chờ được mổ
“Cụ bị mòn đầu gối, đã đi lại Việt Đức mấy lần để khám nhưng gia đình vẫn còn chần chừ chưa cho cụ mổ. Tuy nhiên, vừa đọc báo thấy sắp tới bệnh viện sẽ hạn chế các trường hợp không phải mổ cấp cứu, gia đình tôi phải sắp xếp cho cụ lên viện ngay”, chị H. chia sẻ.
Cầm trên tay tập kết quả chụp chiếu của mẹ là “thành quả” của nhiều giờ đồng hồ chờ đợi, chị H. cho biết, bước tiếp theo cần phải đem các kết quả này về phòng khám ban đầu để bác sĩ chỉ định.
“Cũng không biết có còn lịch mổ không. Xui rủi 2 mẹ con lại khăn gói đi về”, chị H. lo lắng.
Tại khu vực chờ chụp X-quang của bệnh viện, hàng loạt người bệnh và thân nhân ngồi chờ đợi. Không ít người bày tỏ sự lo lắng với nguy cơ phải hoãn mổ khi không thuộc trường hợp cấp cứu.
Đang ngồi chờ nhân viên y tế đọc đến tên con để lấy kết quả chụp cộng hưởng từ, chị N.T.L. chia sẻ: “Con tôi bị mẻ sụn gối do đi đá bóng từ năm 2018. Bình thường vẫn uống thuốc nhưng dạo gần đây cháu đau nhiều nên phải đưa vào viện khám lại. Sáng giờ cháu vừa khám và chụp xong cộng hưởng từ. Nếu bác sĩ chỉ định phải mổ, tôi phải làm giấy chuyển tuyến cho cháu và thu xếp nghỉ việc mới cho cháu nhập viện được”. Người phụ nữ cũng bộc bạch nỗi lo có thể không kịp cho con mổ trước 1/3.
Ghi nhận tại Khoa Phẫu thuật cột sống, nhiều người nhà bệnh nhân chia sẻ rằng, nếu không phải là trường hợp cấp cứu, phải chờ trung bình một tuần mới được mổ.
Chị L.V.C., một người nhà bệnh nhân, chỉ dẫn khi được PV hỏi thủ tục để mổ cột sống: “Nếu có bệnh trước hết phải vào khám xem có phải mổ không. Nếu phải mổ, bác sĩ sẽ cho đi làm các thủ tục như xét nghiệm máu, chụp chiếu, rồi sau đó mới hẹn lịch mổ. Ít nhất cũng phải đi lại dăm ba lần”.
“Người nhà tôi vào khám cách đây 5 ngày, đến nay mới có lịch mổ. Giờ phải ngồi chờ bác sĩ gọi tên theo danh sách ca mổ hôm nay, đến tên ai thì người nhà vào lo các thủ tục để mổ”, chị L.V.C. chia sẻ, “Chầu chực bao ngày may mà cuối cùng cũng được mổ”.
Mẹ bị ngã chấn thương cột sống được nhập viện và mổ theo diện cấp cứu, tuy nhiên, theo bà H.K., mẹ bà cũng phải chờ từ thứ 3 đến thứ 6 mới được mổ. Nguyên nhân là vì tình trạng chưa quá khẩn cấp nên ưu tiên cho những trường hợp cấp cứu nặng hơn.
“Tôi có nghe bác sĩ chia sẻ máy móc khó khăn, thiếu thuốc nên phải ưu tiên cho những ca cấp cứu, các trường hợp khác đều phải chờ”, bà K. cho hay, khẳng định nếu là bệnh nhân mới nhập viện không phải nguy cấp chắc chắn phải chờ.
Hạn chế mổ phiên: Bác sĩ cũng “tâm tư”
Nhiều bác sĩ Bệnh viện Việt Đức “tâm tư” trước việc Bệnh viện quyết định hạn chế mổ phiên từ 1/3.
“Dù biết hạn chế mổ phiên do Bệnh viện thiếu vật tư y tế, phải dồn vật tư y tế cho các bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu nhưng vẫn thấy buồn và thương người bệnh”, một bác sĩ tâm sự.
Bác sĩ này tâm sự, nhiều bệnh nhân mổ phiên (là các phẫu thuật không mang tính cấp cứu) đã phải chờ cả tháng mới đến lượt nhập viện và mổ. Hiện còn rất nhiều bệnh nhân đang xếp hàng chờ mổ, lịch đã lên đến cuối tháng 3, tất cả đều phải hoãn lại.
Khi nghe thông báo hoãn mổ, nhiều bệnh nhân sốc, bởi người thân của họ đã quá đau đớn, đã chờ quá lâu… Các bác sĩ chỉ biết động viên người bệnh, mong họ cảm thông, chia sẻ với ngành y tế trong giai đoạn khó khăn này.
“Đến chúng tôi công tác tại viện rất lâu năm, không thể hình dung có ngày, tại bệnh viện ngoại khoa lớn nhất nước, một năm mổ hơn 79.000 ca, mổ toàn những ca nặng nhất, khó nhất lại lâm vào cảnh thiếu các loại hóa chất vật tư y tế chỉ vì vướng các loại quy định không thể đấu thầu. Việc không ai ngờ tới nó lại tới”, bác sĩ này chia sẻ.
Trên thực tế, không riêng tại Bệnh viện Việt Đức, nhiều bệnh viện đầu ngành khác như Bệnh viện Bạch Mai , Bệnh viện Chợ Rẫy… đều đối mặt với tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư trầm trọng, hoạt động trong tình trạng cầm chừng, phải chuyển ngược bệnh nhân đến các cơ sở y tế khác để chiếu chụp.
“Người bệnh thiệt, nhưng chúng tôi không thể phẫu thuật bằng… mồm”
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc người bệnh bị thiệt như thế nào khi bệnh viện hoãn mổ phiên vì thiếu vật tư, hóa chất, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức thẳng thắn nói: “Rõ ràng là người bệnh quá thiệt thòi, tuy không phải bệnh cấp cứu nhưng họ cũng phải chịu đau đớn, chờ đợi lịch mổ. Nhưng chúng tôi không thể tay không bắt giặc, không có vật tư, hóa chất, không thể phẫu thuật bằng… mồm”.
Tại buổi họp báo công bố thành công ghép đa tạng tim – thận trên cùng một bệnh nhân, PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, việc hoãn mổ phiên cũng khiến các bác sĩ rất lo lắng, đặc biệt với các bệnh nhân ghép tạng.
Tuy nhiên, với các ca hiến tạng người cho chết não rất hiếm, bằng mọi giá, Trung tâm sẽ thu xếp để bệnh nhân chờ ghép được ghép tạng.
Trước đó, Bệnh viện Việt Đức thông báo, từ 1/3 Bệnh viện sẽ hạn chế mổ phiên, dành ưu tiên cấp cứu. Lý giải vấn đề này, lãnh đạo bệnh viện cho biết vì cạn kiệt nguồn vật tư, hóa chất, bác sĩ muốn mổ cũng không thể làm được.
Để đảm bảo hoạt động của bệnh viện, đặc biệt duy trì công tác khám, chữa bệnh cấp cứu, Ban lãnh đạo bệnh viện đề nghị các khoa lâm sàng hạn chế tối đa chỉ định cận lâm sàng không cấp cứu, hạn chế tối đa các ca mổ phiên. Yêu cầu này được thực hiện từ 1/3 cho tới khi có thông báo tiếp theo.
T.P