Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nói rằng môi trường tài chính của các doanh nghiệp bất động sản đã được cải thiện đáng kể.
Một trong những quan chức tài chính hàng đầu của Trung Quốc đã tìm cách xây dựng lại niềm tin trong lĩnh vực bất động sản bằng một bài phát biểu đáng chú ý, trong bối cảnh chính quyền nước này đang tìm cách phục hồi động lực tăng trưởng kinh tế, theo Financial Times.
Cụ thể, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Pan Gongsheng nói rằng, ngân hàng trung ương sẽ “rút kinh nghiệm”, nhắc tới cuộc khủng hoảng bất động sản gây nên do vụ phá sản của hãng phát triển bất động sản Evergrande vào cuối năm 2021 cùng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực này.
“Môi trường rót vốn trong ngành bất động sản, đặc biệt là đối với các hãng phát triển bất động sản chất lượng cao, đã được cải thiện đáng kể,” ông Pan nói trong một cuộc họp báo tổ chức tại Bắc Kinh hôm 3/3.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc hiện đang còn tình trạng doanh nghiệp khát vốn vay, trong khi nhiều dự án nhà ở vẫn chưa được hoàn thiện, đây là một trong số những thách thức lớn nhất đối với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc trong lúc họ đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế vốn bị suy yếu do các lệnh hạn chế ngăn sự lây lan của COVID-19. GDP của Trung Quốc trong năm ngoái chỉ đạt 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5%.
Việc Trung Quốc gỡ bỏ chính sách zero-COVID trong tháng 12/2022 đã làm dấy lên nhiều hy vọng về đà phục hồi. Các chuyên gia phân tích trước đó kỳ vọng rằng giới chức nước này sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng trên 5% – theo báo cáo mới nhất, nước này đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%. Theo nghiên cứu mới nhất được công bố trong tuần qua, hoạt động trong ngành sản xuất đã tăng trưởng theo tháng với tốc độ nhanh nhất trong vòng một thập kỷ.
Tuy nhiên, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chiếm hơn ¼ hoạt động kinh tế của Trung Quốc, lấy lại được đà tăng trưởng cũng là điều quan trọng.
Ning Zhang, nhà kinh tế học đến từ UBS, cho rằng mọi tín hiệu hỗ trợ dù là cơ bản nhất từ phía chính quyền đối với việc tăng nhu cầu nhà ở cũng có thể làm tăng động lực cho lĩnh vực bất động sản, và các điều kiện tài chính của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã được cải thiện đáng kể.
Ngân hàng Thuỵ sĩ này cho rằng, việc nới lỏng thêm cho lĩnh vực bất động sản thông qua các biện pháp như giảm lãi suất vay thế chấp, giảm tiền thanh toán trước, nới lỏng hạn chế mua nhà và sự hỗ trợ tài chính nhiều hơn từ phía ngân hàng…có thể giúp khởi động lại các dự án nhà ở đang bị đình trệ.
Ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý tài chính khác trong tháng 11 năm ngoái đã đưa ra gói biện pháp gồm 16 điểm để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản, bao gồm gói hỗ trợ tài chính và chương trình cho vay lại đối với những ngôi nhà chưa hoàn thiện. Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc trong tháng này cũng công bố gói tín dụng 256 tỉ USD dành cho các doanh nghiệp được chọn lựa.
Ông Pan nói rằng các biện pháp này “đã hỗ trợ cho hoạt động suôn sẻ của thị trường bất động sản.”
Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn ở trạng thái suy yếu trong 2 tháng đầu năm 2023. Doanh số bán tại các thành phố lớn giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, theo ước tính của Financial Times, mặc dù con số này đại diện cho mức giảm thấp nhất kể từ tháng 6 năm ngoái, và chưa là gì nếu so với mức giảm 21% trong tháng 12/2022.
“Tại thời điểm này, lĩnh vực bất động sản đang dần cải thiện, nhưng hoạt động xây dựng vẫn rất, rất yếu…có khả năng lĩnh vực này vẫn sẽ khá suy yếu trong năm nay,” Larry Hu, trưởng kinh tế gia Trung Quốc tại Macquirie, nhận định.
Ông Hu nhấn mạnh rằng các khoản vay ngân hàng mới đạt 6 nghìn tỉ NDT (725 tỉ USD) trong tháng 1 năm nay, con số cao nhất từng ghi nhận, nhưng khoản cho vay này chủ yếu được chuyển tới khu vực nhà nước. Các khoản vay hộ gia đình dài hạn mới, chủ yếu là vay thế chấp, hiện ở mức 223 tỉ NDT, chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái.
T.P