Monday, November 25, 2024
Trang chủQuân sựQuân đội TQ “lột xác” sau 30 năm

Quân đội TQ “lột xác” sau 30 năm

Trung Quốc đang sở hữu lục quân và hải quân thường trực lớn nhất thế giới, sau gần 30 năm liên tục tăng ngân sách quốc phòng, nhưng vẫn đối mặt một số thách thức.

Tàu chiến Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông năm 2018.

Báo cáo tài chính được công bố trong phiên khai mạc kỳ họp quốc hội Trung Quốc hôm 5/3 cho thấy nước này sẽ chi hơn 1.500 tỷ tệ (gần 225 tỷ USD) cho các hoạt động quân sự trong năm 2023, tăng 7,2% so với năm ngoái.

Đây là năm thứ 29 liên tiếp Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng, bắt đầu từ mức 9,87 tỷ USD năm 1994, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB). Số tiền Trung Quốc chi cho quốc phòng năm nay cao hơn gấp đôi so với ngân sách năm 2013.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết nền quốc phòng Trung Quốc đã đạt được nhiều thành quả trong 5 năm qua, đánh giá quân đội đã triển khai các kế hoạch hiện đại hóa “cứng rắn và linh hoạt”.

Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh đánh giá sau gần ba thập kỷ liên tục tăng ngân sách quốc phòng, quân đội Trung Quốc hiện có hơn hai triệu quân nhân thường trực, trở thành lực lượng vũ trang đông đảo nhất thế giới.

Lục quân chiếm đa số trong quân đội Trung Quốc, với khoảng 965.000 binh sĩ, còn quân số của hải quân và không quân lần lượt là 260.000 và 395.000. Lực lượng tên lửa chiến lược được biên chế khoảng 120.000 quân nhân, trong khi các đơn vị bán vũ trang như vũ cảnh có tổng cộng 500.000 người.

Trung Quốc đã tìm cách thu gọn quy mô quân đội, cắt giảm gần 300.000 lính lục quân hồi năm 2019 và đổ hàng tỷ USD cho nỗ lực cải thiện sức chiến đấu. Bắc Kinh dự kiến hoàn tất quá trình hiện đại hóa quân đội vào năm 2035, đặt mục tiêu xây dựng lực lượng vũ trang “đẳng cấp thế giới”, đủ sức cạnh tranh với Mỹ và các cường quốc phương Tây trước năm 2050.

“Trung Quốc đang hiện đại hóa toàn quân, sở hữu một số đơn vị nằm trong nhóm tinh nhuệ và trang bị tốt nhất thế giới, nhưng không ít lực lượng vẫn tụt hậu hàng chục năm”, Niklas Swanstrom, giám đốc Viện Chính sách An ninh và Phát triển (ISDP) tại Thụy Điển, nhận xét.

Hải quân Trung Quốc sở hữu đội tàu đông đảo nhất thế giới với hơn 500 chiếc, nhưng phần lớn là các tàu chiến cỡ nhỏ, trong đó có ba tàu sân bay trực thăng, 8 tàu vận tải đổ bộ, hơn 60 tàu đổ bộ hạng trung, 51 khu trục hạm, 49 tàu hộ vệ, 70 tàu hộ vệ hạng nhẹ, 109 tàu tên lửa và 79 tàu ngầm.

Lực lượng chủ lực của hải quân Trung Quốc gồm ba tàu sân bay, trong đó hai chiếc đã biên chế và một đang hoàn thiện.

“Hải quân Trung Quốc là lực lượng ngày càng hiện đại và linh hoạt, họ đang tập trung thay thế các khí tài thế hệ trước, vốn có năng lực hạn chế, bằng những khí tài lớn hơn, đa năng và hiện đại hơn”, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định trong báo cáo thường niên được công bố tháng 11/2022.

Báo cáo của Lầu Năm Góc còn đánh giá Bắc Kinh sở hữu lực lượng không quân lớn nhất châu Á và thứ ba thế giới. Không quân và hải quân Trung Quốc có khoảng 2.800 phi cơ các loại, không tính máy bay không người lái (UAV) và máy bay huấn luyện. Khoảng 2.250 chiếc trong số này là chiến đấu cơ, với 1.800 chiếc là tiêm kích.

Giới quan sát đánh giá với lực lượng tiêm kích hùng hậu này, không quân Trung Quốc đang chuyển dần hình thái tác chiến từ bảo vệ không phận sang “phòng thủ kết hợp tiến công”, xây dựng lực lượng có khả năng triển khai sức mạnh tầm xa để thu hẹp khoảng cách với phương Tây.

Bộ Quốc phòng Mỹ năm ngoái thừa nhận không quân Trung Quốc đang “nhanh chóng bắt kịp” với phương Tây. IISS đánh giá tốc độ xuất xưởng tiêm kích đa năng J-16 và chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong vòng ba năm qua.

Quân đội Trung Quốc chỉ có một căn cứ ở nước ngoài, đặt tại Djibouti. Bắc Kinh cho biết cơ sở này có nhiệm vụ duy trì lực lượng, bảo vệ tàu hàng khỏi cướp biển ở khu vực Sừng châu Phi. Nước này cũng tham gia hiện đại hóa căn cứ hải quân Ream ở Campuchia, nhưng chưa rõ có triển khai đơn vị đồn trú tại đây trong tương lai hay không.

Trung Quốc là một trong 4 nước sở hữu bộ ba răn đe hạt nhân hoàn thiện, gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay mang vũ khí hạt nhân. Ba nước còn lại là Mỹ, Nga và Ấn Độ.

Việc duy trì bộ ba hạt nhân giúp hạn chế nguy cơ lực lượng chiến lược bị xóa sổ trong đòn phủ đầu, bảo đảm khả năng tấn công trả đũa và năng lực răn đe hạt nhân đáng tin cậy.

Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI) ước tính Trung Quốc sở hữu khoảng 350 đầu đạn hạt nhân, so với 160 của Ấn Độ, 5.428 của Mỹ và 5.977 của Nga. Lầu Năm Góc hồi năm ngoái cảnh báo Trung Quốc có thể mở rộng kho dự trữ vũ khí hạt nhân lên khoảng 1.500 đầu đạn trước năm 2035.

Bắc Kinh áp dụng học thuyết “răn đe tối thiểu”, nghĩa là chỉ duy trì số đầu đạn ít nhất để đảm bảo khả năng đáp trả một cuộc tấn công, cũng là cường quốc hạt nhân duy nhất áp dụng chính sách “không khai hỏa trước” với vũ khí hạt nhân.

Về công nghệ vũ khí mới, quân đội Trung Quốc dường như đã hai lần phóng thử đầu đạn siêu vượt âm hồi tháng 7-8/2021, khiến quân đội và tình báo Mỹ sửng sốt. Tổng thống Joe Biden và nhiều quan chức chính phủ Mỹ khi đó từng bày tỏ lo ngại với tiến độ phát triển vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc.

Giới quan sát đánh giá với việc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2023, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy nỗ lực hiện đại hóa lực lượng quân đội của mình, chú trọng vào không quân, hải quân và các đơn vị công nghệ cao.

Luật quốc phòng Trung Quốc sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, trong đó tăng quyền lực của Quân ủy Trung ương do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu, cho phép nước này huy động các nguồn lực quân sự lẫn dân sự trong và ngoài nước để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Vai trò của Quốc vụ viện Trung Quốc trong hoạch định chính sách quân sự được giảm bớt, trong khi quyền quyết định được trao cho Quân ủy Trung ương. Động thái này giúp củng cố vai trò lãnh đạo quân đội dưới thời ông Tập, cung cấp cơ sở pháp lý để đối phó với những thách thức trong bối cảnh đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng.

Dù vậy, các chuyên gia phân tích của IISS cho rằng quân đội Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều thách thức về tác chiến do học thuyết và quá trình huấn luyện chưa theo kịp tốc độ cải cách. Phần lớn các công nghệ vũ khí mới của Trung Quốc chưa được kiểm nghiệm trong thực chiến, làm dấy lên hoài nghi về mức độ hiệu quả trong tiến trình hiện đại hóa quá nhanh của quân đội nước này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới