Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiY tế Việt đã được “cởi trói”

Y tế Việt đã được “cởi trói”

Nghị quyết 30 và Nghị định 07 đã “cởi trói” đến đâu cho các bệnh viện và tình trạng mổ cầm chừng khi nào được khắc phục?

Việc kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất y tế… giúp ổn định công tác khám chữa bệnh cho người dân

Các bệnh viện được “cởi trói” đến đâu?

Theo ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), thành viên soạn thảo Nghị quyết 30/NQ-CP, nghị quyết này có nhiều điểm mới, tháo gỡ cơ bản những vướng mắc của các cơ sở y tế hiện nay.

Thứ nhất, quy định với các hợp đồng được ký trước ngày 5/11/2022 sẽ tiếp tục thực hiện theo thời hạn của hợp đồng. Còn với các hợp đồng được ký từ ngày 5/11/2022 được tiếp tục thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này (không còn thời hạn đến 5/11/2023), bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp.

Điểm mới thứ 2, cho phép thay đổi xác định giá các gói thầu trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; trường hợp chỉ có 1 hoặc 2 nhà phân phối hoặc doanh nghiệp cung cấp báo giá thì được sử dụng các báo giá đã nhận để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.

Điểm mới thứ 3, với những trang thiết bị, vật tư y tế cùng chủng loại nhưng có nhiều nhà phân phối, cho phép chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao Hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị. Trên cơ sở tính năng, cấu hình kỹ thuật do Hội đồng Khoa học xây dựng, đơn vị tổ chức lấy báo giá.

Điểm mới thứ 4, cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được quỹ BHYT thanh toán.

Điểm mới thứ 5, sau khi trúng thầu hóa chất theo máy đóng (hóa chất chỉ sử dụng được với máy đó, không sử dụng được với máy khác) thì nhà sản xuất sẽ đưa máy vào cơ sở khám chữa bệnh thực hiện theo hóa chất đó. Nếu cơ sở khám chữa bệnh đã có máy mà trúng thầu hóa chất của máy đó thì được tiếp tục sử dụng, còn nếu không trúng thầu thì đưa máy về.

Được biết, ở hầu hết các bệnh viện lớn trực thuộc Bộ Y tế, tỉ lệ sử dụng các máy liên doanh, liên kết, máy xã hội hóa tại bệnh viện đó chiếm rất cao khoảng 70-80. Chính vì vậy, những vướng mắc về vấn đề này này khiến các bệnh viện đắp chiếu nhiều thiết bị y tế, ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh.

Tình trạng mổ cầm chừng khi nào được khắc phục?

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ, Chính phủ và Bộ Y tế lắng nghe và ghi nhận ý kiến từ các bệnh viện, chính vì vậy, Nghị quyết được ban hành rất sát với những khó khăn mà các bệnh viện đang gặp phải, giải quyết được những vấn đề cấp bách.

Theo ông Cơ, Nghị định 07 cho phép tự động gia hạn giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành thiết bị và sinh phẩm chẩn đoán, đẩy nhanh cấp số đăng ký trang thiết bị, như vậy các doanh nghiệp sẽ nhập được hàng vào và bệnh viện mua sắm được, tránh được tình trạng hàng đã trúng thầu nhưng kẹt ở sân bay, ở cảng.

Nghị quyết 30 với việc cho phép kéo dài thời gian và thí điểm máy đặt máy mượn khi các cơ sở y tế trúng thầu hóa chất vật tư để phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh; cho phép tháo gỡ trong đấu thầu vật tư, khi đồng ý các gói thầu báo giá dưới ba nhà thầu… đã gỡ “nút thắt” cho bệnh viện Bạch Mai.

Ông Cơ cho hay vừa qua BV Bạch Mai gọi thầu 2.000 mặt hàng nhưng chỉ 1/3 đủ 3 báo giá, có nguy cơ gây đình trệ công tác khám chữa bệnh, nhưng nay Nghị quyết 30 đã gỡ vướng.

Còn với các thiết bị đã hết thời hạn liên doanh liên kết phải đắp chiếu trong thời gian qua do vướng việc phải thực hiện thủ tục để “sở hữu toàn dân” (tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn đảm bảo song không đủ điều kiện về hồ sơ), nay sẽ được vận hành trở lại.

Còn theo lãnh đạo BV Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), đơn vị này mới chỉ đấu thầu được 50-60% vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế. Số còn lại chưa thực hiện thành công chủ yếu do không có đủ 3 báo giá cho các hạng mục. Như vậy, Nghị quyết 30 được ban hành chấp nhận những hạng mục không đủ 3 báo giá vẫn được đấu thầu sẽ tháo gỡ được 70-80% vướng mắc cho bệnh viện.

Ông Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, Nghị quyết 30 đã cơ bản tháo gỡ vướng mắc về thiếu trang thiết bị, vật tư tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có BV Hữu nghị Việt Đức.

Theo ông Giang, ngay trong tuần này, bệnh viện sẽ nhanh chóng thực hiện theo hướng dẫn để tháo gỡ những vấn đề đang gặp phải để tiếp tục khám, chữa bệnh cho người dân. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng xem xét để việc phẫu thuật cho các bệnh nhân thuộc diện mổ phiên sẽ sớm trở lại bình thường. “Đủ vật tư, bệnh viện sẽ không còn phải mổ cầm chừng”, ông Giang nhấn mạnh.

Về lâu dài, Nghị quyết 30/NQ-CP giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định. Các cơ sở khám chữa bệnh đặt rất nhiều kỳ vọng vào các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới