Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCanh bạc liều lĩnh

Canh bạc liều lĩnh

Nhận xét này là của Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương. Ông mới ngồi ghế nóng, thay thế người tiền nhiệm là ông Vương Nghị hồi cuối năm 2022.

Tần Cương từng là người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc. Lại đã từng làm Đại sứ tại Washington, cho nên ông hiểu sâu sắc chế độ chính trị Mỹ, cũng như đường lối ngoại giao của Nhà Trắng. “Canh bạc” mà ông Tần nói tới là sự thù địch và những chính sách trừng phạt về kinh tế-quốc phòng của Mỹ đối với Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo hôm 7/3 sau khi khai mạc cuộc họp Quốc hội hai ngày, ông Tần đã có những phát ngôn gây sốc. Có cảm giác Bắc Kinh đã thay đổi đường lối ngoại giao chiến lang. Và rằng, Tần Cương dám “tung chưởng” mạnh mẽ như vậy là vì trước đó, hôm 6/3, trước các nhà lập pháp, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tỏ thái độ rất bức xúc đối với những hành động mà ông gọi là “cản đường” của Washington.

Ông Tập chỉ trích: “Các nước phương Tây do Mỹ lãnh đạo đã thực hiện sự ngăn chặn, bao vây và đàn áp toàn diện đối với Trung Quốc, điều này đã mang lại những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của đất nước chúng ta”. Ông Tập cảnh báo, Bắc Kinh và Washington đang hướng đến “xung đột và đối đầu” nếu Mỹ không thay đổi hướng đi.

Cái hướng đi ấy được Ngoại trưởng Tần Cương nói rõ hơn. Rằng, “nếu Mỹ không đạp phanh mà tiếp tục đi sai đường, thì không có hàng rào bảo vệ nào có thể ngăn chặn sự trật đường ray và chắc chắn sẽ có xung đột và đối đầu… Cạnh tranh như vậy là một canh bạc liều lĩnh, với tiền cược là lợi ích cơ bản của hai dân tộc và thậm chí là tương lai của nhân loại”.

“Tại sao Mỹ yêu cầu Trung Quốc không cung cấp vũ khí cho Nga, trong khi nước này tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan?” ông Tần nêu câu hỏi. Tại sao phương Tây “thổi bùng ngọn lửa” bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại Nga? Trong khi đó Trung Quốc có lập trường trung lập trong cuộc chiến, từ chối chỉ trích cuộc xung đột quân sự của Moscow.

Mặc dù lời kêu gọi của Trung Quốc về ngừng bắn ở Ukraine nhận được sự khen ngợi từ Nga nhưng bị Mỹ và phương Tây bác bỏ. Lời kêu gọi đó không làm giảm bớt căng thẳng khi các quan chức Mỹ liên tục cáo buộc Trung Quốc cân nhắc cung cấp vũ khí cho Moscow để sử dụng trong chiến tranh.

Trên thực tế, từ đầu năm 2023 đến nay, những lo ngại về việc Trung Quốc do thám Mỹ và các chiến dịch gây ảnh hưởng của Bắc Kinh đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân hai nước. Các quan chức trong bộ máy chính quyền hai nước đã không còn giữ được sự ôn hòa mà có những cáo buộc nặng nề.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hủy chuyến thăm dự kiến tới Bắc Kinh sau khi Washington bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua lãnh thổ Mỹ. Sau đó, các quan chức Hoa Kỳ lại nêu vấn đề liệu đại dịch Covid-19 có bắt đầu từ một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm Vũ Hán? Bắc Kinh phản đối, cho rằng Washinghton đã “chính trị hóa vấn đề”, chơi xấu Trung Quốc.

Căng thẳng nhất là vấn đề Đài Loan. Mỹ cho rằng, Trung Quốc tăng cường cô lập ngoại giao và quấy rối quân sự đối với nền dân chủ của hòn đảo tự trị mà họ tuyên bố là lãnh thổ của mình. Còn Trung Quốc thì nói, chính Mỹ mới là kẻ gây rối, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nước khác, cụ thể ở đây là chính sách “một Trung Quốc”. Về Đài Loan, Ông Tần Cương nói “vấn đề Đài Loan” là lằn ranh đỏ đầu tiên không được vượt qua.

Trước những cáo buộc nặng nề từ phía Trung Quốc, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby bình thản nói: “Không có sự thay đổi nào đối với lập trường của Mỹ khi nói đến mối quan hệ song phương này. Tổng thống Joe Biden tin rằng, những căng thẳng đó rõ ràng khó tránh khỏi, nhưng có thể giải quyết được. Mỹ tìm kiếm sự cạnh tranh chứ không phải xung đột”.

Washington giải thích về nguyên nhân dẫn đến căng thẳng là do, Trung Quốc luôn đặt ra các mục tiêu kinh tế và chính trị bành trướng. Bằng những hành động gia tăng quân sự, chính sách thù địch, Bắc Kinh luôn là kẻ châm ngòi cho cuộc chiến tranh về Đài Loan. Thế nhưng Bắc Kinh lại cho rằng, dường như có một “bàn tay vô hình” đang thúc đẩy sự kéo dài và leo thang của cuộc xung đột và sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để phục vụ một chương trình nghị sự địa chính trị nhất định.

Cuộc khẩu chiến giữa Trung Quốc và Mỹ đang và sẽ tiếp tục căng thẳng, dẫn tới nhiều hệ lụy khác, trước mắt là chạy đua vũ trang, leo thang căng thẳng, nguy cơ dẫn đến chiến tranh. Vẫn biết,“canh bạc liều lĩnh” không thể do một bên quyết định. Nó phải là nỗ lực của nhiều bên, trước hết là hai người chơi chính Mỹ và Trung Quốc.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới