Sự chần chừ của người Đức đã khiến các đối tác quốc phòng của họ phải tìm kiếm giải pháp thay thế.
Đức hiện là nhà tài trợ quốc phòng lớn thứ tư của Ukraine, nhưng việc Thủ tướng Olaf Scholz lưỡng lự chuyển giao xe tăng Leopard 2, loại xe tăng chiến đấu chủ lực tiêu chuẩn ở phần lớn các nước châu Âu, vẫn đang xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo dù chính phủ của ông đã đồng ý gửi chúng đi. Hành động chần chừ và nói chuyện vòng vo chỉ khiến chính phủ Đức trở nên thiếu quyết đoán và không sẵn sàng giữ vai trò lãnh đạo ngay cả trong các vấn đề an ninh của châu Âu. Đức từ lâu đã là đối tác cung cấp vũ khí quốc phòng cho các nước láng giềng châu Âu, nhưng sự kiện lần này đã làm lung lay niềm tin của khách hàng, tạo ra ấn tượng rằng chính sách quốc phòng rối ren và khả năng lãnh đạo yếu kém của Berlin là một vấn đề chiến lược và các quốc gia khác nên khám phá những lựa chọn khác về vũ khí.
Những nước sử dụng Leopard 2, đặc biệt là những nước đang phải đối mặt với mối đe dọa từ Nga ngay tại sân nhà, đang đặt câu hỏi: Liệu có khôn ngoan khi phụ thuộc vào Berlin để có được thành phần chủ chốt trong lực lượng lục quân của mình sau những tuần trì hoãn vừa qua? Chưa kể, kế hoạch Pháp-Đức nhằm phát triển một phương tiện thay thế cho cả xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc của Pháp và Leopard 2 có lẽ cũng sẽ bị trì trệ bởi bộ máy hành chính, khiến cho Hệ thống Tác chiến Mặt đất Chủ lực (Main Ground Combat System, MGCS) của họ trở thành một triển vọng không mấy hấp dẫn cho cấu trúc quốc phòng tương lai của nhiều quốc gia. Dù vậy, hiện không có bất kỳ dây chuyền sản xuất xe tăng nào khác ở châu Âu, khiến các dòng xe Leopard trở thành lựa chọn duy nhất.
Tuy nhiên, có một dây chuyền sản xuất xe tăng khác đã được lên kế hoạch ở châu Âu. Hyundai Rotem và Hanwha Defense của Hàn Quốc vừa giành được các hợp đồng vũ khí khổng lồ với Ba Lan vào năm 2022, trong đó bao gồm thỏa thuận mua 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực K2 và 672 pháo tự hành K9. Trong tổng số xe tăng, 180 chiếc sẽ được chế tạo tại Hàn Quốc từ năm 2022 đến năm 2025, Ba Lan sẽ sở hữu khả năng sản xuất trong nước vào năm 2026 để sản xuất 820 chiếc còn lại. Những chiếc xe này sẽ được chế tạo theo thông số kỹ thuật đặc thù của Ba Lan dưới tên gọi K2PL, 180 chiếc xe tăng đầu tiên sau này sẽ được nâng cấp lên tiêu chuẩn K2PL. Đối với Warsaw, thỏa thuận với Hàn Quốc có nghĩa là họ sẽ nhận được xe tăng nhanh hơn nhiều so với khả năng cung cấp của Rheinmetall của Đức, và mức giá lại rất cạnh tranh, đồng thời đáp ứng mong muốn của Ba Lan về chuyển giao công nghệ để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.
“Bản địa hóa” cũng là điều quen thuộc với Hàn Quốc, nước đã bắt đầu chương trình XK2 vào năm 1995 như một nỗ lực nhằm tách chương trình xe tăng của mình khỏi các sản phẩm của Mỹ. Họ đã tạo ra được thiết kế mẫu vào năm 2007, và sau khi hoàn thành đợt thử nghiệm và đánh giá nghiêm ngặt, Hàn Quốc đã ký hợp đồng sản xuất xe tăng K2 đầu tiên của mình vào năm 2014. Dù một số người cho rằng K2 là bản nhái kém hơn của Leopard 2, nó vẫn là một xe tăng chiến đấu chủ lực tầm cỡ thế giới, có khả năng tương đương với các xe tăng tốt nhất do châu Âu sản xuất. Trên thực tế, nó hoạt động rất tốt trong các thử nghiệm cạnh tranh với Leopard 2.
Ba Lan không phải là nước duy nhất. Xe tăng chiến đấu chủ lực Altay của Thổ Nhĩ Kỳ là sản phẩm phái sinh của K2, và các quốc gia như Slovakia cũng đã thảo luận với Hàn Quốc về các phương án thay thế xe tăng T-72 cũ kỹ của họ. Vì nhiều xe tăng lỗi thời từ thời Liên Xô của Đông Âu đã được gửi đến Ukraine, các thiết kế dựa trên K2 có thể phù hợp với mong muốn của một số quốc gia, nhằm nâng cấp và đa dạng hóa các quan hệ quốc phòng của họ.
K2 cũng có tên trong danh sách rút gọn của Na Uy, được so sánh với Leopard 2A7, trước khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này đề xuất ngừng sử dụng xe tăng chiến đấu chủ lực trong quân đội Na Uy. Dù vấn đề này vẫn chưa được giải quyết, Na Uy, giống như Ba Lan, đặt hàng 28 khẩu pháo tự hành K9 từ Hanwha Defense như một phần trong hợp đồng trị giá 180 triệu USD, cùng với các quốc gia châu Âu khác như Phần Lan và Estonia sử dụng hệ thống pháo của Hàn Quốc.
Tất nhiên, toàn bộ châu Âu khó có khả năng ngay lập tức chuyển sang mua xe tăng từ Hàn Quốc, và còn có những hạn chế tiềm tàng. Một trong những điều quan trọng nhất là sự nhạy cảm của chính Hàn Quốc đối với Nga. Seoul đã bị chỉ trích vì họ rõ ràng đã từ chối gửi vũ khí sát thương cho Ukraine – nhưng đã linh hoạt bằng cách đồng ý xuất khẩu đạn dược sang Mỹ, số đạn mà sau đó sẽ lặng lẽ tìm đường đến Ukraine. Ngoài ra, Hàn Quốc còn cách xa châu Âu về mặt địa lý, điều này có thể là rào cản đối với các quốc gia thích mua hàng của nước láng giềng.
Nhưng xét về mua bán vũ khí, việc Hàn Quốc sẵn sàng chuyển giao công nghệ và bản địa hóa khâu sản xuất là một lợi thế đáng kể. Như đã đề cập, các thỏa thuận vũ khí của Ba Lan với Hyundai Rotem và Hanwa Defense bao gồm các dây chuyền sản xuất trong nước sẽ bắt đầu sản xuất xe tăng K2PL và pháo tự hành K9 của Ba Lan vào năm 2026. Bên cạnh đó còn có các cơ sở bảo trì K9 đủ khả năng bảo dưỡng thiết bị của Ba Lan cũng như của các lực lượng châu Âu khác. Khi sản xuất và bảo trì được bảo đảm ở trong nước, người ta sẽ ít bị tổn thương hơn trước những thay đổi chính sách tiềm năng trong tương lai đối với nguồn vốn nước ngoài cũng như nguồn vật liệu phụ tùng. Dù các thiết kế của Hàn Quốc vẫn được kiểm soát khi xuất khẩu, trong quá khứ, nước này đã cho phép khách hàng sản xuất các thiết kế của mình mà không có hạn chế nào.
Trong khi ngành công nghiệp quốc phòng của nhiều quốc gia tiên tiến, bao gồm cả Mỹ, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lực sản xuất nghiêm trọng tại các cơ sở công nghiệp quốc phòng, thì Hàn Quốc vẫn duy trì được năng lực mạnh mẽ và có thể mở rộng để sản xuất công nghiệp hàng loạt. Năng lực sản xuất này, kết hợp với việc Seoul sẵn sàng bản địa hóa sản xuất ở châu Âu, là một lợi thế đáng kể so với sự phụ thuộc vào tập đoàn quốc gia Rheinmetall của Đức, vốn không chắc sẽ có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu một cách kịp thời.
Số lượng sản phẩm lớn đáng kể trong các đơn đặt hàng của Ba Lan cũng có thể mang lại lợi ích cho Hàn Quốc. Bằng việc triển khai hiện đại hóa và mở rộng nền quốc phòng, Ba Lan có triển vọng sở hữu một trong những quân đội đáng gờm nhất ở châu Âu, với nhiều xe tăng hiện đại hơn bất kỳ thành viên nào của NATO, ngoại trừ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, lực lượng xe tăng của nước này sẽ lớn bằng lực lượng của Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ, và Ý cộng lại. Trong khi các ước tính cho rằng số xe tăng Leopard 2 đang phục vụ ở châu Âu vào khoảng 2.000 chiếc, thì trong những năm tới sẽ có gần 1.000 chiếc K2 được đưa vào sử dụng chỉ riêng ở Ba Lan. Các quốc gia hiện đang gửi Leopard 2 của họ tới Ukraine có thể coi việc mua K2 là con đường để hỗ trợ khả năng tác chiến liên hợp với một quốc gia vốn đã thể hiện sự sẵn sàng chống lại hành động xâm lược của Nga mà ít lo ngại hơn so với các quốc gia lãnh đạo truyền thống của châu Âu.
Mỹ cũng có những lợi ích gián tiếp từ việc khuyến khích Hàn Quốc tích cực tăng thị phần quốc phòng ở châu Âu. Với tư cách là một đồng minh hiệp ước, Washington có lợi ích thực sự trong việc đảm bảo một ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ và sôi động ở Hàn Quốc, với khả năng sản xuất các loại vũ khí hiện đại cần thiết để đối đầu với sự xâm lược của Triều Tiên.
Việc ràng buộc ngành công nghiệp nặng của Hàn Quốc với an ninh châu Âu sẽ phát triển một liên kết hữu ích giữa các đồng minh và lợi ích của Mỹ ở cả hai khu vực. Chẳng hạn, quân đội Ba Lan sẽ có thể huấn luyện chung với quân đội Hàn Quốc ở cả hai nước. Và, khi cường độ của cuộc chiến Nga-Ukraine buộc Mỹ và các đồng minh phải thừa nhận tốc độ cạn kiệt thiết bị và đạn dược khủng khiếp của chiến tranh ở quy mô công nghiệp, thì sẽ hợp lý nếu phát triển quan hệ thương mại quốc phòng ngay lúc từ này để giúp giải quyết sự thiếu hụt trong các lĩnh vực quan trọng.
Các bên ký kết Cam kết Tallinn hồi tuần trước, gồm Estonia, Anh, Ba Lan, Latvia, Litva, Đan Mạch, Cộng hòa Séc, Hà Lan, và Slovakia, đã cho thấy một sự thật khó chịu về các quốc gia từng được cho là lãnh đạo của châu Âu, chẳng hạn như Pháp và Đức. Họ vắng mặt. Sự khác biệt rõ rệt trong nhận thức về mối đe dọa và mức độ cấp bách giữa trung tâm châu Âu với vùng ngoại vi châu Âu nằm gần nước Nga đã được thể hiện rất rõ ràng.
Thay vì để an ninh của châu Âu phải phụ thuộc vào nỗi lo làm mất lòng Moscow của Berlin, nhiều quốc gia có thể chọn noi gương Ba Lan trong việc thiết lập các mối quan hệ quốc phòng mới ngoài khu vực với các quốc gia mang lại sự linh hoạt mà họ cần, cũng như củng cố nền kinh tế trong nước của chính họ. Với việc các đời tổng thống Hàn Quốc liên tục thể hiện rõ mong muốn biến nước này trở thành một cường quốc trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí – gồm cả tuyên bố của Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk-yeol về mục tiêu đưa Hàn Quốc trở thành nước xuất khẩu quốc phòng lớn thứ tư vào năm 2027 – Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ còn giành được thêm nhiều hợp đồng kinh doanh tại châu Âu.
T.P