Tổng giá trị các dự án Nhật Bản viện trợ không hoàn lại đợt này là trên 1,3 triệu USD, trong đó chiếm phần lớn là dự án rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Bình.
Ngày 10-3, tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng viện trợ không hoàn lại chín dự án cho Việt Nam.
Chia sẻ tại lễ ký kết, đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết khi nghĩ đến mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam, ta thường nghĩ đến những dự án đầu tư cỡ lớn và những dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự hợp tác còn chú trọng ở cấp địa phương, nơi có vấn đề thiết thực cần được giải quyết như: nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cấp cơ sở y tế, hay đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt an toàn cho người dân.
Ông cho biết quy mô từng dự án của chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở không lớn nhưng đã mang lại rất nhiều lợi ích, niềm vui cho người dân địa phương.
Kể từ khi chương trình này được triển khai ở Việt Nam vào năm 1992, cho đến năm 2021 đã có 724 dự án được thực hiện, với tổng số tiền viện trợ lên tới 64,5 triệu USD.
Chín dự án lần này nhằm mục đích cải thiện chất lượng sống, đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân Việt Nam cũng như khắc phục các hậu quả chiến tranh.
Tổng giá trị viện trợ cho chín dự án này là hơn 1,3 triệu USD.
Trong đó, dự án rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Bình chiếm phần lớn (hơn 648.000 USD).
Theo đánh giá của Nhật Bản, Quảng Bình là một trong những tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nghiêm trọng nhất Việt Nam. Vào năm 2018, khoảng 28% diện tích của tỉnh được cho là vẫn còn vật liệu nổ.
Điều này đã cản trở sự phát triển hạ tầng cơ bản và phát triển đất nông nghiệp của tỉnh.
Tham khảo thêm Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng thăm báo Tuổi Trẻ Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng thăm báo Tuổi Trẻ
Mục tiêu của dự án này là chuyển 320ha đất bị ô nhiễm bon mìn tại xã Vĩnh Ninh thuộc huyện Quảng Ninh và xã Cự Nẫm của huyện Bố Trạch thành đất có thể sử dụng cho kinh tế, xã hội.
Phía Nhật cũng sẽ cung cấp các thiết bị y tế phục hồi chức năng và máy móc phục vụ dạy nghề cho trung tâm bảo trợ xã hội của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thái Bình.
Các dự án khác bao gồm: xây Trường mầm non xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải, Yên Bái); cấp bảy xe chữa cháy đã qua sử dụng cho bảy tỉnh ở Việt Nam; máy theo dõi bệnh nhân cho Bệnh viện Đà Nẵng.
Nhật Bản cũng sẽ viện trợ một số dự án xây dựng cầu, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt và xử lý nước thải tại các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Nghệ An.
Cũng trong đợt này, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ cho tổ chức Save The Children Japan thực hiện dự án cải thiện dinh dưỡng và sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao đời sống của các dân tộc thiểu số tại huyện Bắc Yên và Sốp Cộp thuộc tỉnh Sơn La.
Chi phí dự án rơi vào khoảng 250 triệu yen (khoảng 1,8 triệu USD).