Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Tập có vẻ lo ngại về tương lai quan hệ Trung-Mỹ

Ông Tập có vẻ lo ngại về tương lai quan hệ Trung-Mỹ

Vài ngày trước, ông Tập Cận Bình đã chỉ trích Hoa Kỳ tại Lưỡng Hội. Tờ Wall Street Journal ngày 9/3 trích dẫn nguồn tin cho biết, ông Tập Cận Bình ngày càng trở nên bi quan về quan hệ Trung – Mỹ; ông đang từng bước chuẩn bị cho cuộc đối đầu Mỹ – Trung; các quan chức Bắc Kinh cũng bị cấm thảo luận bất kỳ vấn đề lớn nào với người đồng cấp Mỹ.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể thứ ba của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 10/3/2023.

Trong buổi họp Lưỡng Hội ngày hôm qua (10/3), ông Tập Cận Bình đã được bầu lại làm Chủ tịch nước Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ông đã phá vỡ tiền lệ với nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp.

“Lưỡng Hội” là hai cuộc họp thường niên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC, tức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc) và Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội). Thông qua “Lưỡng Hội”, người dân Trung Quốc và thế giới sẽ biết được các ưu tiên cùng kế hoạch cho năm tiếp theo của chính quyền Bắc Kinh.

Lưỡng Hội năm nay cũng là lần hiếm hoi ông Tập chỉ trích đích danh Mỹ gây khủng hoảng cho Trung Quốc. Hôm 6/3, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố tại Ủy ban Toàn quốc CPPCC rằng, các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo “kiềm chế, bao vây và đàn áp Trung Quốc trên mọi phương diện”.

Chuyển áp lực trong nước ra nước ngoài
Wall Street Journal chỉ ra rằng, lời chỉ trích của ông Tập đối với Hoa Kỳ đã giúp ông chuyển hướng nhiều thách thức đang phải đối mặt ở trong nước, bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm chạp cùng các hậu quả chính trị do Zero Covid gây ra.

Một người quen thuộc với chính sách đối ngoại của Trung Quốc nói với Wall Street Journal rằng, ông Tập Cận Bình có thể sẽ tăng tốc các chuyến thăm nước ngoài trong năm nay. Ở một mức độ nhất định, đây là cách để Bắc Kinh hàn gắn mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các nước khác. Trong nhiệm kỳ thứ ba, ông Tập sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, đặc biệt là bên ngoài Trung Quốc.

Theo bài báo, Tổng bí thư ĐCSTQ cũng đang dần chuẩn bị cho cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Khi giới chức ĐCSTQ đặt ra các mục tiêu kinh tế cho năm 2022, ông Tập Cận Bình đã nói với họ, hãy đảm bảo rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ. Ông còn củng cố quân đội ĐCSTQ và đẩy nhanh việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân để ngăn chặn “sự đàn áp” của Mỹ.

Cấm quan chức Bắc Kinh thảo luận với Washington
Các quan chức và nhà ngoại giao Trung Quốc nói với Wall Street Journal rằng, nếu như không có chỉ thị rõ ràng từ ông Tập Cận Bình, họ không thể thảo luận bất kỳ vấn đề lớn nào với những người đồng cấp ở Washington.

Một cựu quan chức ngoại giao cấp cao của ĐCSTQ tiết lộ, trong môi trường hiện nay, có rất ít quan chức cấp cao của ĐCSTQ sẵn sàng mỉm cười khi chụp ảnh với người Mỹ.

Mới đây, vụ khinh khí cầu do thám Trung Quốc xâm phạm không phận Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. Vụ việc này cũng đã phơi bày tình hình hỗn loạn bên trong giới lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ.

Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc được phát hiện đi vào không phận Hoa Kỳ vào hồi cuối tháng 1 năm nay và đã bị quân đội Hoa Kỳ bắn hạ vào ngày 4/2. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố rằng, chiếc khinh khí cầu bị bắn rơi là một phần trong hoạt động giám sát rộng rãi của quân đội Trung Quốc.

Sau đó, ngày 7/2, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đã từ chối cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa về vấn đề an ninh.

Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua một nghị quyết vào ngày 9/3 với số phiếu 419 – 0 nhằm lên án việc ĐCSTQ đưa khinh khí cầu vào do thám Mỹ. Họ gọi đây là hành vi “vi phạm trắng trợn” chủ quyền của Hoa Kỳ.

Phát ngôn chiến lang nhằm che đậy sai lầm về sách lược
Hôm 7/3, ông Tần Cương (Qin Gang), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên với các phóng viên nước ngoài tại Bắc Kinh. Ông đã đưa ra một tuyên bố theo phong cách chiến lang về quan hệ Trung – Mỹ như sau: “Nếu Hoa Kỳ không đạp phanh … tất yếu sẽ rơi vào xung đột và đối đầu”.

Đáp lại ông Tần Cương, phát ngôn viên an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby trả lời: “Tôi xin nói thẳng, lập trường của Hoa Kỳ trong quan hệ song phương không thay đổi”.

Nhà bình luận thời sự Thẩm Chu (Shen Zhou) nói với The Epoch Times rằng, ông Tần Cương chỉ đang phối hợp với Lưỡng Hội của ĐCSTQ để tuyên truyền ở trong nước, chứ không hề có ý muốn nói về chính sách đối ngoại. Ông chỉ ra, giọng điệu càng cao thì càng giúp các lãnh đạo ĐCSTQ che đậy hàng loạt sai lầm trong sách lược đối ngoại, đồng thời tránh được truy cứu trách nhiệm trong nước, chuyển tiêu điểm từ nội bộ sang Hoa Kỳ.

Ông Thẩm Chu cho rằng, mối quan tâm chính của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ không phải là làm thế nào để xoa dịu quan hệ Trung – Mỹ, mà là làm thế nào để duy trì quyền lực và chính quyền trong nước. Nhưng nội bộ ĐCSTQ có quá nhiều vấn đề không cách nào hóa giải, sau khi đuổi những người có năng lực như ông Lý Khắc Cường hay ông Uông Dương đi, ông Tập không còn quan chức nào khả dụng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới