Việt Nam và Hàn Quốc thống nhất nhiều giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực ICT, năng lượng sạch, hạ tầng, đô thị thông minh…
Ngày 10/3, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó thủ tướng Đại Hàn Dân Quốc Kyungho Choo đã đồng chủ trì cuộc họp Đối thoại về hợp tác kinh tế cấp Phó thủ tướng Việt Nam – Hàn Quốc lần thứ 2.
Tham dự cuộc họp về phía Việt Nam có đại diện của Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên.
Về phía Hàn Quốc có đại diện của các Bộ: Kinh tế và Tài chính, An toàn thực phẩm và dược phẩm, Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, Đất đai – Hạ tầng và Giao thông, Nông nghiệp, thực phẩm và phát triển nông thôn; Cơ quan Hải quan quốc gia; Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc.
Thúc đẩy hợp tác giữa hai nước phát triển thực chất, hiệu quả và toàn diện
Phát biểu tại đối thoại, Phó thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Đối thoại kinh tế cấp Phó thủ tướng Việt Nam – Hàn Quốc nhằm định hướng và mở rộng, tăng cường hợp tác song phương, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Trong bối cảnh hai nước Việt Nam, Hàn Quốc chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022, cuộc họp đối thoại lần này sẽ góp phần thiết thực vào việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước phát triển thực chất, hiệu quả và toàn diện trong bối cảnh tình hình mới.
Sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (từ 22/12/1992), quan hệ hợp tác giữa hai nước đã đạt được những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Lòng tin chính trị giữa hai nước không ngừng được củng cố, hai nước đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau.
Hiện nay, Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí số một về đầu tư trực tiếp (lũy kế vốn đăng ký đầu tư đạt 81,3 tỷ USD); đứng thứ hai về hợp tác phát triển (3,75 tỷ USD), du lịch và lao động; đứng thứ ba về hợp tác thương mại (đạt 86,4 tỷ USD năm 2022).
Hai bên cũng có nhiều hoạt động hợp tác sâu sắc trong các lĩnh vực: Tài chính – ngân hàng, hạ tầng, giao thông, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, nông lâm ngư nghiệp, giáo dục đào tạo, văn hóa…
Cùng với đó, hai nước còn là những đối tác quan trọng có đóng góp tích cực trong các diễn đàn, khuôn khổ hợp tác đa phương của khu vực và quốc tế.
Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, hiện nay, tình hình quốc tế và khu vực đang diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố khó lường; cách mạng khoa học – công nghệ đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có và là xu thế tất yếu buộc các quốc gia phải nắm bắt và hành động nếu không muốn tụt hậu.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, “bối cảnh này đòi hỏi chúng ta phải sáng suốt, tỉnh táo để có những bước đi, quyết định đúng đắn, giúp hai nền kinh tế theo kịp diễn biến chung của tình hình thế giới và khu vực”.
Hàn Quốc mong muốn đồng hành cùng Việt Nam
Theo Phó thủ tướng Hàn Quốc Choo Kyungho, việc hai nước đã nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã tạo cơ sở vững chắc thúc đẩy các quan hệ hợp tác giữa hai nước, trong có có hợp tác kinh tế.
Ông khẳng định, môi trường đầu tư thuận lợi tại Việt Nam đã thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc. Các doanh nghiệp ưu tú của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam thời gian qua đều có sự đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Đồng thời, giúp Hàn Quốc giữ vững vị thế là quốc gia đầu tư số 1 vào Việt Nam.
Thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cố gắng hết sức hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam để giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực: Xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường tại Việt Nam; phát triển năng lượng sạch; tài chính; nông nghiệp; y tế; kỹ thuật số và văn hóa…
Nhận định “hợp tác chuỗi cung ứng” là từ khóa quan trọng của hợp tác kinh tế hai nước, Phó thủ tướng Choo Kyungho cho rằng: Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu với môi trường đầu tư thuận lợi và lực lượng lao động trẻ dồi dào. Nhờ đó, các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đã xây dựng được chuỗi giá trị trong khu vực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới đang có nhiều biến động hiện nay, Chính phủ hai nước Việt Nam – Hàn Quốc cần đoàn kết hơn nữa, cải tổ lại chuỗi cung ứng toàn cầu; điều chỉnh các cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn để hỗ trợ phát triển bền vững.
Phó thủ tướng Choo Kyungho một lần nữa khẳng định, Hàn Quốc mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang có những chuyển đổi lớn. Sự kết hợp giữa tiềm năng của Việt Nam và khoa học – công nghệ của Hàn Quốc sẽ giúp 2 nước phát triển bền vững.
Triển khai hiệu quả các thành quả của cuộc đối thoại
Tại cuộc họp Đối thoại lần thứ hai, hai bên đã đề xuất, trao đổi và đạt được thỏa thuận về nhiều nội dung hợp tác trong 5 lĩnh vực: (i) Thương mại; (ii) Năng lượng và xây dựng hạ tầng; (iii) Hợp tác phát triển; (iv) Công nghệ thông tin – truyền thông, khởi nghiệp và đầu tư; (v) Y tế và lao động. Các thoả thuận hợp tác đạt được là thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế mỗi bên, giúp giải quyết các khó khăn, vướng mắc và mở ra các cơ hội hợp tác kinh tế mới. Nổi bật trong số đó là:
Thứ nhất, hai bên đã thống nhất cùng phối hợp để tăng cường hợp tác thương mại giữa hai nước, trong đó có các giải pháp nhằm giảm nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc, đẩy mạnh xúc tiến hơn nữa việc xuất khẩu một số mặt hàng sang nhau trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt – Hàn, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 100 tỷ USD năm 2023 và 150 tỷ USD năm 2030.
Thứ hai, thống nhất nhiều giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Hai bên cũng đã nhất trí cùng nhau thúc đẩy đầu tư từ Hàn Quốc vào những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như ICT, năng lượng sạch, hạ tầng, đô thị thông minh… Đồng thời, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phân phối và logistic.
Thứ ba, thống nhất tăng cường hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển chính thức giữa Chính phủ Hàn Quốc và Chính phủ Việt Nam thông qua việc sử dụng hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại, tận dụng nguồn vốn vay ODA Hàn Quốc thông qua Quỹ EDCF và Quỹ EDPF.
Thứ tư, nhiều thỏa thuận quan trọng đã đạt được nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ.
Thứ năm, cùng phối hợp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực y tế, lao động. Một số vấn đề trong hợp tác lao động đã được thống nhất phối hợp nhằm xác định các giải pháp để giải quyết các vướng mắc nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của cả hai bên để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của hai dân tộc.
Đánh giá rất cao kết quả đối thoại hai bên đã đạt được, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các cơ quan hữu quan của Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Hàn Quốc để cùng nhau xây dựng kế hoạch hành động và triển khai hiệu quả các thành quả của cuộc đối thoại lần này.
Kết thúc phiên đối thoại, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó thủ tướng Hàn Quốc Choo Kyungho đã ký Biên bản cuộc họp Đối thoại kinh tế cấp Phó thủ tướng Việt Nam – Hàn Quốc lần thứ hai. Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng và Phó Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc Kim Tae Soo ký Thỏa thuận vay dự án Cải tạo khu gian Hòa Duyệt – Thanh Luyện, tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh.
T.P