Những ngày gần đây việc đăng kiểm xe cơ giới đang là vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm. Thứ nhất là tệ nạn nhận tiền hối lộ của các trung tâm đăng kiểm. Thứ hai là việc hàng loạt các trung tâm đăng kiểm bị đóng cửa làm cho hàng vạn xe cơ giới đến thời gian đăng kiểm nhưng không đăng kiểm được hoặc phải xếp hàng nhiều ngày làm cho chủ phương tiện xe cơ giới không thể cho xe lưu hành, đặc biệt là các xe kinh doanh dịch vụ, xe tải, xe chở khách không được sử dụng, gây ách tắc giao thông và thiệt hại kinh tế cho chủ xe.
Về vấn đề thứ nhất: hối lộ và nhận tiền hối lộ. Hàng chục năm qua, khi đất nước phát triển thì phương tiện giao thông có sự thay đổi. Số lượng xe cơ giới gia tăng từng ngày. Không chỉ doanh nghiệp mà xe ô tô cá nhân phục vụ cho việc đi làm, đi về quê, đi du lịch tăng chóng mặt. Số lượng xe tăng nhưng các trung tâm đăng kiểm lại tăng không tương xứng, dù nhà nước đã cho phép tư nhân làm đăng kiểm. Nhưng nhà nước lại quá dễ vè trình độ của người đăng kiểm. Vì vậy nhiều người dù kkhông đủ, thậm chí không có trình độ về đăng kiểm cũng có thể bằng cách nào đó lại được thành lập trung tâm đăng kiểm, nên có thể do trình độ mà dễ bỏ qua các lỗi của xe hoặc do lợi nhuận mà kiểm định nhanh và ẩu. Chủ phương tiện, kể cả xe còn tốt, không có lỗi nhưng không muốn mất thời gian nên sẵn sàng chi “tiền bồi dưỡng” để được kiểm định nhanh. Chủ xe không dám đưa tiền trực tiếp mà phổ biến là thường để tiền ngay trong xe và người kiểm định cầm tiền đó khi vào trong xe kiểm tra.
Khi người kiểm định, trung tâm kiểm định đã nhận “tiền bồi dưỡng” thì mặc nhiên cũng phải bồi dưỡng cho người có thẩm quyền trong lĩnh vực kiểm định để không bị gây khó dễ.
Trường hợp đặc biệt là những xe kinh doanh, vì chạy nhiều, vì quá khổ, quá tải nên phải móc ngoặc với các trung tâm kiểm định để được bỏ qua lỗi, giảm chi phí khắc phục lỗi của xe, tăng lợi nhuận. Đây mới là vấn đề nhức nhối nhất và là thủ phạm gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Thứ hai là đăng kiểm. Các cơ quan báo chí và nhiều chuyên gia về giao thông, mấy ngày qua đã lên tiếng và có sự so sánh vấn đề đăng kiểm ở Việt Nam và các nước phát triển, cho thấy trong giao thông, vận tải nước ta luôn tụt hậu quá xa so với các nước.
Thời bao cấp, phương tiện giao thông của người dân chủ yếu là xe đạp. Xe ô tô con chỉ có quan chức mới được đi. Xe đạp là tài sản lớn nên xe đạp cũng phải đăng ký.
Sau năm 1975, xe máy bắt đầu được người dân sử dụng ngày một nhiều. Dân các tỉnh miền Nam thì đã dùng nhiều năm, còn dân miền Bắc lúc đó mới mang xe từ miền Nam ra sử dụng và dần dân xe máy được nhập khẩu ngày càng nhiều. Có thời kỳ xe máy có giá trị bằng một ngôi nhà. Xe đạp được bỏ đăng ký còn xe máy thì phải đăng ký, phải mua các loại phí bảo hiểm, phí bảo vệ môi trường.
Đất nước đổi mới, tư nhân làm kinh tế, xe ô tô dần dần được cá nhân sử dụng ngày một nhiều. Thời kỳ dân ta còn đi xe đạp thì ở các nước dân đã đi ô tô. Người nông dân vận chuyển hàng hóa bằng các loại xe tải to, nhỏ. Ở nước ta hiện nay người nông dân vẫn phải đi từ 3 hoặc 4 giờ sáng vận chuyển nông sản bằng xe máy. Người dân đi làm, số đông vẫn phải đi xe máy chịu gió rét, mưa nắng, giá xe ô tô Việt Nam đắt gấp đôi các nước láng giềng.
Ô tô ở Việt Nam không chỉ là phương tiện mà còn là tài sản lớn. Vì vậy chính sách, cách đối xử với ô tô không giống các nước. Về kiểm định: một đời xe ô tô từ mới tinh đến khi hết hạn sử dụng là 20 năm. Trong 20 năm ấy, ở các nước xe chỉ phải kiểm định 9 lần còn ở Việt Nam là 36 lần. Thời hạn tối thiểu ở các nước là 9 tháng hoặc một năm thì ở ta là 6 tháng.
Có 2 loại phương tiện cơ giới: xe cá nhân (phổ biến từ 4 đến 7 chỗ) là để đi làm, hoặc chỉ để đi đây đó (về quê, du lịch), bản thân chủ xe thường rất chú ý đến an toàn dù có khi cả tháng mới đi một lần vì an toàn cho họ và người thân. Xe để kinh doanh, làm dịch vụ vận tải người và vận tải hàng hóa, tần suất sử dụng nhiều liên tục, dễ hỏng hóc, xuống cấp nhưng vì lợi nhuận vẫn phải lưu hành. Đây mới là loại phương tiện cần kiểm định kỳ.
Để giải quyết ách tắc trong kiểm định hiện nay, thiết nghĩ cũng cần phân loại xe theo hai tiêu chí trên. Pháp luật cần phải nghiêm, an toàn là trên hết, nhưng cũng cần phải phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc điểm của Việt Nam.
Trước mắt, có thể cho gia hạn thời gian đăng kiểm đối với xe cá nhân không nhằm mục đích kinh doanh từ 3 đến 6 tháng để tránh tình trạng người dân có xe mà do không đăng kiểm được nên không được sử dụng.
Còn đối với xe vận tải người, hàng hóa, xe chuyên dụng thì phải thực hiện đúng quy định và phải kiểm định nghiêm chỉnh theo các yêu cầu kỹ thuật an toàn giao thông, nhưng cũng cần nghiên cứu về thời hạn kiểm định cho phù hợp.
Giải pháp trước mắt và lâu dài cần được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu và thực hiện ngay.
H.L