Nhân dịp kỷ niệm quan hệ 10 năm, sẽ không có cách nào để “ăn mừng” tốt hơn là 52 doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết.
Hơn 50 doanh nghiệp Mỹ bao gồm các lĩnh vực từ thực phẩm, đồ uống, dịch vụ số, dịch vụ sáng tạo, hàng không quốc phòng… đã đến Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư.
Điều này đã thể hiện cho niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam nhân 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia, ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN nói.
Chiều 21/3, buổi họp báo về sự kiện này đã diễn ra tại Hà Nội.
Chủ trì cuộc họp báo là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cùng 2 người từng giữ chức Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Đó là Nguyên Đại sứ Ted Osius nay là Chủ tịch và Tổng Giám đốc USABC, cùng Nguyên Đại sứ Michael Michalak, nay là Phó Chủ tịch cấp cao và Giám đốc Điều hành khu vực USABC.
Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành khu vực kiêm Trưởng Đại diện tại Việt Nam cùng một số doanh nghiệp tham gia phái đoàn cũng tham dự.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho rằng, đây là thời điểm rất ấn tượng khi lần đầu tiên 3 đại sứ của Mỹ cùng có mặt trong một sự kiện.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược, sẽ không có cách nào để “ăn mừng” tốt hơn là 52 doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết.
“Chúng tôi thấy được đây là quan hệ nhiều tiềm năng, quan hệ giữa hai quốc gia đang được sâu sắc hơn, thương mại Mỹ Việt đã tăng trưởng hơn 360 lần. Chúng tôi rất tự hào về quan hệ giữa hai quốc gia cũng như doanh nghiệp”, ông Marc Knapper cho biết.
Về các lĩnh vực hợp tác, ông Marc Knapper cho biết, ngoài lĩnh vực hàng không, quốc phòng thì nông nghiệp cũng là một lĩnh vực để hợp tác và phía Mỹ mong muốn tiếp tục đối thoại thêm về nhiều vấn đề.
Thông tin về các vấn đề các doanh nghiệp Mỹ muốn trao đổi, ông Ted Osius cho biết, chính phủ Việt Nam rất có thiện chí khi gặp gỡ các thành viên và tìm cách giải quyết vấn đề.
“Hôm nay, chúng tôi đã có một cuộc họp, trong đó có 17 khuyến nghị được đưa ra và đã được hồi đáp. Cuộc họp tiếp theo, 14 kiến nghị khác cũng được trả lời. Điều này không phải lúc nào cũng xảy ra trong quá khứ. Tôi đang thấy là một tinh thần sẵn sàng khắc phục sự cố khi chúng tồn tại. Và sự quan tâm đến những cơ hội không chỉ là cam kết”, ông nói.
Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, thảm đỏ đã được trải ra.
Các cuộc họp đã được lên lịch với một số vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam ngày mai, điều đó cho thấy mức độ cam kết thực sự mà chính phủ Việt Nam sẽ hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, ông Marc Knapper nói.
Ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao và Giám đốc Điều hành khu vực USABC cho biết, đoàn không chỉ nhận được phản hồi cho tất cả các đề xuất, mà phần lớn các phản hồi đều tích cực.
“Chúng tôi thích cách chính phủ sẵn sàng thảo luận”, ông nói thêm
Lý giải về chuyến đi Việt Nam “lớn nhất từ trước đến nay” của đoàn doanh nghiệp Mỹ, ông Ted Osius thừa nhận, đây là dấu hiệu của làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Asean.
Nhiều nơi trên thế giới lo ngại về suy thoái kinh tế nhưng Việt Nam tăng trưởng hơn 8% trong năm qua. Các nơi đang nhìn vào Việt Nam, như một điểm đến cho sự phát triển và cơ hội, ông nói.
Còn theo ông Michael Michalak, một nguyên nhân khác nữa là đại dịch Covid-19 xảy ra đã mang lại làn sóng quan tâm ngày càng tăng từ phía các công ty Mỹ đối với ASEAN.
Nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng một lần nữa đưa nhiều người hơn đến Đông Nam Á, ông nói thêm.
Phát biểu tại họp báo, ông Rafael Frankel, Giám đốc chính sách công khu vực Nam Á và Đông Nam Á của Công ty Meta cho rằng, 30 năm qua, Việt Nam là một nền kinh tế thực sự chuyển đổi. Doanh nhân này cho biết: “Kinh tế số Việt Nam đã phát triển rất ấn tượng và chúng tôi mong muốn được góp phần vào quá trình này. Trong cuộc thi đổi mới doanh nghiệp tại Việt Nam, đã có hơn 20.000 doanh nghiệp Việt Nam tham dự. Tương lai của chúng ta cực kỳ sáng tạo. Chúng tôi mong muốn Việt Nam có thể duy trì mô hình kinh tế mở như vậy để duy trì tăng trưởng kinh tế số trong 20 – 30 năm tới.”
T.P