Tuesday, November 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnÔng Tập thăm Nga mang loạt tin mừng, chuyên gia Mỹ khen...

Ông Tập thăm Nga mang loạt tin mừng, chuyên gia Mỹ khen bước ngoặt

Chuyên gia Mỹ gọi chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga là “nước đi có tính bước ngoặt”, phá âm mưu phương Tây.

Trung Quốc đã phá vỡ tham vọng cô lập Nga của phương Tây?

Chuyến công du nước ngoài kéo dài từ ngày 20 – 22/3 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga đang gây chú ý mạnh mẽ tới truyền thông phương Tây.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập kể từ khi tái đắc cử Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba. Không chỉ vậy, chuyến thăm còn diễn ra giữa lúc nước Nga đang chịu cô lập mạnh mẽ từ phương Tây trên mọi lĩnh vực.

Do đó, chuyến thăm Moscow lần này cũng mang lại ý nghĩa rất to lớn đối với uy tín chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Nga chúc mừng ông Tập tái đắc cử và nhắc đến tín nhiệm rất cao của đương kim Chủ tịch Trung Quốc qua các nhiệm kỳ.

Ông Vladimir Putin nhấn mạnh đến các hoạt động quan hệ song phương hiện đã ở tầm đối tác chiến lược toàn diện: “Chúng ta có rất nhiều nhiệm vụ chung, mục tiêu chung”

Trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh đến quan hệ giữa hai nước là “thân thiết” và là đối tác trong “hợp tác chiến lược toàn diện”.

“Phía Trung Quốc rất chú trọng đến sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-Nga, vì điều này có logic lịch sử của riêng nó, vì chúng ta là quốc gia láng giềng lớn nhất, chúng ta là đối tác trong hợp tác chiến lược toàn diện. Chính tình trạng này quyết định những gì nên có giữa hai nước chúng ta là mối quan hệ thân thiết” – ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Theo ông Tập Cận Bình, thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc tăng gấp đôi vào năm 2022, đạt mức 190 tỷ USD.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Hải quan Liên bang Nga cho thấy, lượng khí đốt hóa lỏng từ Nga xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 43,9% so với năm trước, xuất khẩu dầu mỏ tăng 8,3%, xuất khẩu nông sản tăng 44%.

Đặc biệt, do hai nước đã tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại, tỷ trọng của đồng nhân dân tệ và đồng ruble trong thương mại song phương cũng tăng lên 50%.

Ông Tập đánh giá, trong hơn 10 năm qua hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai bên đã có những bước phát triển vượt bậc và bước vào thời đại mới.

Đặc biệt, trong tuyên bố của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cho rằng, thế giới đang bị đe dọa bởi “các hành động bá quyền, chuyên quyền và bắt nạt”. Ông khẳng định “không có mô hình quản trị quốc gia phổ quát nào cho mọi quốc gia và không có trật tự quốc tế nào mà quyền quyết định thuộc về một quốc gia nào đó”.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Trung Quốc cũng lưu ý đến vấn đề Ukraine và nhắc lại lập trường 12 điểm là “thể hiện mẫu số chung lớn nhất của cộng đồng quốc tế về cuộc khủng hoảng Ukraine” và là giải pháp chính trị hợp lý cho vấn đề này.

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc phá đòn cô lập Nga của Mỹ
Giáo sư Tiến sĩ lịch sử Gerald Horne tại Đại học Houston, Texas (Mỹ) đánh giá rằng, chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình là một “nước đi có tính bước ngoặt”.

Theo GS. Gerald Horne, chuyến công du nước Nga của Chủ tịch Trung Quốc là một bằng chứng rõ ràng cho thấy dù Washington có tìm mọi cách cô lập Nga một cách mạnh mẽ thì các kế hoạch của họ cũng phản tác dụng.

“Chuyến thăm này nói lên một điểm rằng nỗ lực cô lập Moscow do hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine đang diễn ra không mấy suôn sẻ” – ông Gerald Horne nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Gerald Horne nhắc lại rằng, từ nửa thế kỷ trước, vì “nỗi ám ảnh điên cuồng” của Mỹ đối với Nga mà Washington đã liên tục thúc đẩy các tập đoàn lớn của Mỹ bắt tay vào đầu tư trực tiếp quy mô lớn vào Trung Quốc.

Giờ đây, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Nga đã cho thấy “thỏa thuận Mỹ – Trung từ nửa thế kỷ trước” đã phản tác dụng một cách ngoạn mục.

“Và điều thậm chí còn đáng chú ý hơn là thay vì tìm cách xoay trục, cố gắng bằng cách nào đó làm chậm lại sức mạnh kinh tế khổng lồ này ở Trung Quốc, chúng ta lại thấy chủ nghĩa đế quốc Mỹ sa lầy một lần nữa trong việc đối đầu với Moscow” – GS.TS. Gerald Horne bình luận.

Một “bằng chứng” khác cho thấy việc chính phương Tây đã thất bại trong nỗ lực cô lập Nga đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga trong năm 2022 đã vượt trội hơn cả Anh.

Từ khi Nga phát động “Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine”, phương Tây mà đi đầu là Anh đã kịch liệt lên án hành động này đồng thời áp đặt hàng loạt các lệnh trừng phạt trên mọi lĩnh vực đối với Nga. Một thực tế đã chứng minh rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga năm 2022 tăng mạnh hơn cả Anh và ngoại thương của nước này tăng hơn 8%, ước đạt mức trên 850 tỷ USD.

Mối quan hệ bền chặt giữa Nga – Trung trong ngành năng lượng trong bối cảnh mới của cuộc khủng hoảng Ukraine
Khi nước Nga đối mặt với loạt trừng phạt mạnh tay của phương Tây, Bắc Kinh là một cánh tay vững vàng của Moscow. Đặc biệt nhất là trong lĩnh vực năng lượng.

Theo nguồn tin từ tờ báo Anh, Gazprom của Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống dài 3.000 km mang tên “Power of Siberia” trong một thỏa thuận 30 năm, bắt đầu vào năm 2019.

Vào năm 2022, xuất khẩu khí hóa lỏng từ Nga đạt khoảng 15,5 tỷ mét khối (bcm). Hai bên đã có kế hoạch nâng mức xuất khẩu lên 22 bcm vào năm 2023 và đạt công suất tối đa 38 bcm vào năm 2027.

Vào tháng 2 năm 2022, Trung Quốc cũng đã đồng ý một thỏa thuận sẽ bắt đầu thực hiện vào năm 2026 bằng việc mua tới 10 bcm khí đốt hàng năm từ đảo Sakhalin ở phía đông của Nga.

Tới tháng 9/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục đề xuất việc xây dựng đường ống dẫn khí “Power of Siberia 2” cung cấp mỗi năm 50bcm từ Nga qua Mông Cổ đến Trung Quốc. Thỏa thuận này một khi được triển khai sẽ càng gia tăng sức mạnh ngành công nghiệp và năng lượng của hai quốc gia.

Trong lúc chịu áp lực trừng phạt mạnh mẽ của phương Tây, Trung Quốc vẫn là người bạn hàng trung thành với Nga. Moscow là nguồn cung cấp dầu thô lớn thứ 2 của Trung Quốc năm 2022. Đáng chú ý rằng, trong giao dịch với dầu thô Nga giá rẻ, Trung Quốc có thể đã tiết kiệm khoảng 5 tỷ USD vào năm 2022, theo Reuter.

Tờ báo Anh cho rằng, Trung Quốc hầu như phớt lờ các biện pháp trừng phạt do các quốc gia phương Tây áp đặt đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.

Hồi tháng 1 năm nay, Reuter theo dõi các kênh vận chuyển đường biển phát hiện ít nhất có 4 siêu tàu chở dầu thuộc sở hữu của Trung Quốc đang vận chuyển dầu thô Urals của Nga đến Trung Quốc.

Một giám đốc điều hành của công ty mua hàng Trung Quốc ước tính, tổng cộng 18 siêu tàu chở dầu của Trung Quốc và 16 tàu cỡ Aframax khác có thể được sử dụng để vận chuyển dầu thô của Nga vào năm 2023. Số lượng tàu đủ để vận chuyển 15 triệu tấn mỗi năm hoặc khoảng 10% tổng xuất khẩu của Urals.

Nga đã xuất khẩu khoảng 3,8 triệu tấn dầu thô ESPO Blend từ cảng Kozmino ở Viễn Đông vào tháng 1 năm 2023, mức cao kỷ lục hàng tháng đối với cảng này. Các nguồn tin thị trường cho biết xuất khẩu đã được bán trên mức giá trần của phương Tây là 60 USD/thùng.

Doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga dự kiến ​​sẽ tăng trong tháng 3 do giá cước vận tải giảm và nhu cầu mạnh ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Các tính toán của Reuter cho thấy rằng, mối quan hệ khăng khít giữa Nga và Trung Quốc đang càng khẳng định những mong muốn đơn cực từ phương Tây trong việc gây sức ép lên một cường quốc như Moscow là không hề dễ dàng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới