Các thương hiệu xe Nhật Bản như Honda, Toyota hay Nissan dẫn đầu về doanh số xe xăng trong 3 năm liên tiếp. Nhưng ở trong lĩnh vực xe điện, các hãng Trung Quốc mới là ứng viên sáng giá.
Theo Bloomberg, ở lĩnh vực xe xăng, ngôi đầu thuộc về các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản. Toyota giữ danh hiệu hãng xe hơi số 1 thế giới trong 3 năm gần nhất. Trong khi đó, Honda và Nissan cũng là những nhà sản xuất có doanh số bán xe tốt nhất thế giới.
Tuy nhiên, cục diện trong lĩnh vực xe điện lại khác. Những gã khổng lồ Nhật Bản tỏ ra thất thế trước sự cạnh tranh từ những cái tên mới nổi như Tesla hay BYD.
Tại Trung Quốc – thị trường ô tô lớn nhất thế giới, cứ 4 ô tô bán ra năm ngoái thì có 1 ô tô chạy bằng điện. Doanh số bán xe điện được dự báo sẽ tăng lên 9 triệu vào năm 2023, đạt mức thâm nhập thị trường là 35%.
Doanh số bán hàng của Honda và Nissan tại Trung Quốc đã giảm ít nhất trong hai năm qua, trong khi doanh số bán hàng của Toyota vào năm ngoái đã giảm lần đầu tiên sau một thập kỷ.
Mặc dù tình trạng thiếu chip, đóng cửa vì ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 và những khó khăn trong chuỗi cung ứng liên quan là những nguyên nhân chính.
Tuy nhiên, việc thiếu các dịch vụ xe điện cũng khiến ngành ô tô Nhật Bản trở nên kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác.
Ngôi vương cho xe điện Trung Quốc?
Trung Quốc có khả năng sẽ thay đổi cục diện sản xuất ô tô toàn cầu. Tesla là nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới về lượng xe bán ra, tiếp theo là các công ty bao gồm BYD của Trung Quốc và Volkswagen AG, theo Bloomberg Intelligence.
Trong khi đó, không có nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nào lọt vào top 20. Họ trở thành những người đứng bên lề lĩnh vực phát triển nhanh nhất của ngành công nghiệp ô tô.
“Nếu các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tiếp tục tiếp cận một cách thận trọng và thiếu quyết đoán đối với chiến lược xe điện, thì việc họ thất bại trên thị trường toàn cầu chỉ còn là vấn đề thời gian”, ông Yale Zhang, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Automotive Foresight có trụ sở tại Thượng Hải, nói.
Tại Trung Quốc, ô tô Nhật Bản chủ yếu được sản xuất và bán thông qua liên doanh với các đối tác địa phương. Tập đoàn ô tô Quảng Châu có quan hệ đối tác với Toyota và Honda, trong khi Tập đoàn ô tô Dongfeng do nhà nước hậu thuẫn có liên doanh với Honda và Nissan.
Các liên doanh từ lâu đã trở nên nổi bật với giá trị thương hiệu tốt, cung cấp các loại hình xe xăng tốt trong phân khúc tầm trung với những chiếc xe có giá từ 100.000 NDT đến 300.000 NDT (14.000 USD đến 43.000 USD).
Mẫu sedan nhỏ gọn Sylphy của Nissan, Toyota Corolla và Honda Civic được biết đến ở Trung Quốc với tên gọi “ba chàng lính ngự lâm” của những chiếc xe hơi phổ biến mang thương hiệu Nhật Bản. Sylphy là mẫu xe bán chạy thứ hai tại Trung Quốc vào năm ngoái, với số lượng giao hàng là 393.500 chiếc. Coralla đứng thứ 10 với 191.610.
Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2020, sự gia nhập của Tesla đã thúc đẩy thị trường EV (xe điện) của Trung Quốc, các hãng xe Nhật Bản bắt đầu trở nên “lép vế” ở cả hai mảng xe xăng và EV.
Tesla và các công ty EV địa phương như Nio Inc. và Xpeng Inc. bắt đầu xâm nhập vào phân khúc cao cấp nhất, trong khi những chiếc xe bình dân như Hongguang Mini EV của General Motors.
Các hãng xe Trung Quốc trở nên phổ biến với những người mua lần đầu và sở hữu những mẫu bán chạy nhất năm 2022.
Giờ đây, BYD đang khẳng định vị thế của mình đối với thị trường tầm trung, vốn là “địa hạt” của các công ty Nhật Bản với một loạt các mẫu xe điện như SUV Song PLUS, có giá khởi điểm từ 140.000 NDT. Mẫu xe này và các mẫu xe phổ biến khác đã đưa BYD trở thành thương hiệu nội địa bán chạy nhất vào năm 2022, xuất xưởng hơn 1,85 triệu xe.
“Các liên doanh của Nhật Bản nên cảm thấy lo lắng. Một số nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã công bố những cải tổ quan trọng trong chiến lược của họ. Một lý do là quá trình điện khí hóa của thị trường Trung Quốc diễn ra nhanh hơn họ nghĩ”, ông Yang Jing, Giám đốc Nghiên cứu Doanh nghiệp Trung Quốc tại Fitch Ratings, cho hay.
Trong khi đó Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc, gợi ý các công ty Nhật Bản nên quảng bá tốt hơn các dịch vụ hybrid của mình để đạt được lợi thế ở Trung Quốc.
“Chúng tôi nghĩ rằng vẫn còn cơ hội phát triển cho các thương hiệu xe hơi Nhật Bản tại Trung Quốc,” Cui nói.
Tuy nhiên, Nissan vào tháng trước đã hạ mục tiêu xe EV tại Trung Quốc xuống 35% doanh số bán hàng từ 40% trong năm tài chính 2026, ngay cả khi hãng cho biết 98% doanh số bán hàng ở châu Âu sẽ là xe hybrid hoặc điện hoàn toàn vào thời điểm đó.
Theo Giám đốc điều hành Ashwani Gupta, nguyên nhân là vì các thương hiệu địa phương đang “dẫn đầu” ở Trung Quốc. Chỉ với hai dòng xe EV được bán ra tại Trung Quốc – Ariya và một phiên bản điện của Sylphy – danh mục này chỉ chiếm 1% doanh số bán hàng của Nissan trong quý 3 năm ngoái ở đất nước tỷ dân. Vào năm 2030, công ty có kế hoạch ra mắt 19 mẫu xe chạy bằng pin và 35 mẫu xe hybrid. Tuy nhiên, đến trước năm 2024 sẽ không có bất kì mẫu xe điện SUV mới nào được xuất xưởng.
Người phát ngôn của Honda cho biết, các công ty Trung Quốc có lợi thế hơn các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản trong việc mua sắm chip và các bộ phận khác, đồng thời cho rằng doanh số bán hàng giảm là “vấn đề sản xuất” chứ không phải ô tô của họ không hấp dẫn người tiêu dùng Trung Quốc.
Trong khi đó, dòng xe điện mới nhất của Toyota dành cho thị trường Trung Quốc, bZ3, được sản xuất với sự hợp tác của BYD, công ty cung cấp pin. Chiếc xe được ra mắt vào ngày 6 tháng 3 với giá khởi điểm 169.800 nhân dân tệ (24.500 USD). Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có khoảng 10 chiếc hybrid và 4 chiếc BEV được cung cấp tại quốc gia này.
Người phát ngôn của Toyota cho biết, trong khi có lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhà sản xuất ô tô này kỳ vọng sẽ “đạt được sự tăng trưởng ổn định” ở Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn là một trong những nhà đóng góp lợi nhuận lớn nhất cho nhiều nhà sản xuất ô tô quốc tế, khiến họ đặc biệt bị ảnh hưởng nếu không thể giành lại vị thế đã mất vào tay các thương hiệu nội địa khi thị trường nhanh chóng chuyển sang xe điện.
Chiến lược xe điện của Trung Quốc
Theo Financial Times, ở Trung Quốc, đầu tư vào công nghệ và tài nguyên ngành ô tô cũng là một điểm sáng quan trọng trong nền kinh tế.
Tờ này trích dẫn dữ liệu của Dealogic cho hay, bất chấp lệnh phong toả do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 năm ngoái, hoạt động M&A liên quan đến lĩnh vực xe điện vẫn ổn định so với năm trước ở mức trên 10 tỉ USD với gần 50 giao dịch. Đầu tư ra nước ngoài từ các nhóm liên quan đến EV của Trung Quốc cũng vẫn ổn định.
Theo Raymond Tsang, chuyên gia về ô tô Trung Quốc của công ty tư vấn Bain, các công ty Trung Quốc vẫn sản xuất ô tô tốt hơn và có giá cạnh tranh hơn, đồng thời tận dụng lợi ích từ lĩnh vực pin và tài nguyên của quốc gia.
Jing Daily, chuyên gia về thị trường xa xỉ Trung Quốc, lưu ý ngay cả sau khi Tesla của Elon Musk giảm giá ở Trung Quốc, đưa giá Model 3 xuống còn khoảng 33.515 USD, đối thủ của BYD là Seal sedan vẫn rẻ hơn ở mức 31.000 USD.
“Các công ty xe điện nội địa của Trung Quốc đang thực sự trở nên tốt hơn về hiệu suất và danh mục sản phẩm của họ [ . . . ] Bạn không chỉ thấy các sản phẩm Trung Quốc rẻ hơn mà còn thực sự tốt hơn trong mắt nhiều khách hàng,” Tsang nói.
Thị phần của các thương hiệu Trung Quốc trong phân khúc xe điện nội địa tăng cao ở mức đáng kinh ngạc, từ 78% lên 81% vào năm ngoái 2022 khi nhu cầu xe điện tăng đột biến và doanh số bán ô tô ở Trung Quốc vượt qua Mỹ. Trong khi đó, 10 năm trước, các thương hiệu nước ngoài chiếm 70% thị phần.
Tốc độ tăng trưởng có nghĩa là Trung Quốc đang trên đà đạt 50% doanh số bán ô tô là xe điện vào cuối năm 2025, trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên làm được điều này, theo dự báo của Bernstein.
Ở một diễn biến khác, tờ SCMP đưa tin, Trung Quốc đã cam kết lượng khí thải sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon 30 năm sau – lượng khí thải carbon của ngành công nghiệp ô tô sẽ đạt đỉnh vào năm 2028 và giảm xuống 20% mức cao nhất vào năm 2035, đạt mức 0% vào năm 2060, theo báo cáo Chính phủ Trung Quốc.
Chính sách hiệu quả nhất để giảm lượng khí thải là tăng cường thay thế các phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong (ICE) bằng ô tô điện, bao gồm cả ô tô chạy bằng pin và phương tiện chạy bằng pin nhiên liệu hydro (FCV).
Một kế hoạch phát triển được nước này thông qua vào năm 2020 đó là đến năm 2025, các phương tiện xanh bao gồm ô tô điện thuần túy, xe hybrid xăng-điện và phương tiện chạy bằng pin nhiên liệu sẽ chiếm 20% tổng số ô tô được bán ở Trung Quốc.
T.P