Sẽ có nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để gỡ khó cho ngành du lịch.
Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia – những thị trường được hưởng lợi từ các thủ tục nhập cảnh và thị thực ít nghiêm ngặt hơn. Vì vậy, các thay đổi quan trọng liên quan đến chính sách thị thực điện tử và miễn thị thực dự kiến được đưa vào nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp tháng 5-3023.
Khách đến nhà thì lại “đóng cửa”
Tại tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” do Báo Đầu tư tổ chức tại Hà Nội ngày 22-3, ông Martin Koerner – Trưởng Tiểu ban Du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) – nhấn mạnh cải thiện chính sách visa là điều kiện quan trọng để khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.
“Chính sách hiện tại của Việt Nam quá hạn chế và phức tạp so với Singapore và Thái Lan, thời hạn lưu trú 15 ngày là quá ngắn. Bên cạnh đó, chúng tôi đã khuyến nghị Chính phủ mở rộng visa điện tử cho một số nước” – ông Martin Koerner nói. Chuyên gia này cũng chỉ ra hạn chế ở bộ phận xuất nhập cảnh, nhiều phản hồi tiêu cực từ khách du lịch về thủ tục và thời gian xuất nhập cảnh quá dài. Điều này rất khó cho khách du lịch có tuổi, phải xếp hàng lâu, ảnh hưởng đến tỉ lệ khách quay trở lại Việt Nam. Ông Martin Koerner đề xuất sớm cải thiện dịch vụ tại các sân bay, bổ sung làn di chuyển đặc biệt cho các nhóm hành khách là gia đình có trẻ em, người già, cũng như tăng số lượng nhân viên xuất nhập cảnh và máy quét.
Bà Nguyễn Thị Lê Hương – thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Vietravel – cho hay ngoài việc số lượng quốc gia được miễn thị thực còn ít, thời gian lưu trú ngắn, còn có rào cản là với những nước không có e-visa, không được miễn visa thì phải có người ở Việt Nam đón tiếp mới được nhập cảnh. Theo bà Hương, điều này chỉ phù hợp với bối cảnh trong giai đoạn dịch COVID-19.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI), nhấn mạnh Việt Nam mới miễn thị thực cho 24 quốc gia, thời hạn miễn thị thực rất ngắn so với các quốc gia trong ASEAN, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các thị trường xa, thường họ sẽ đi du lịch 3 – 4 tuần. Công tác truyền thông và quảng bá về du lịch thì rất nhiều nhưng khi du khách đến nhà lại “đóng cửa”. Ngoài ra, thủ tục xin visa không dễ dàng, khiến du khách phải mất nhiều thời gian và chi phí. Điều này sẽ làm mất hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Cần chiến lược tổng thể để cạnh tranh
Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, đề xuất Việt Nam cần xây dựng một chiến lược quốc gia tổng thể để cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực (Thái Lan, Singapore…), có quy hoạch, phân bổ nguồn lực xứng đáng.
Cùng với đó, cần tháo gỡ các điểm nghẽn, tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước xung quanh, làm sao lan tỏa thông tin về Việt Nam đến các thị trường lớn. Đặc biệt là triển khai chính sách thị thực điện tử với tất cả thị trường khách quốc tế. Thực hiện nhanh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày đối với các nước đã được áp dụng chính sách miễn thị thực, nên mở rộng đối tượng xét miễn thị thực (Thái Lan 64 nước, thời gian lưu trú 30-45 ngày). “Cần tạo cơ chế mở cửa kinh tế, mở cửa du lịch đồng bộ, phù hợp hơn nhằm thu hút nhà đầu tư và khách du lịch đi, đến Việt Nam; tạo cho Việt Nam giữ được thị trường hàng không, du lịch có mức tăng trưởng cao, cạnh tranh được trong khu vực và thế giới” – ông Bùi Doãn Nề hiến kế.
Phản hồi những kiến nghị liên quan đến chính sách visa, đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an, cho hay bộ đang hoàn thiện dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch. Bộ Công an đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các nhà quản lý và nhân dân. Trong đó, nội dung nổi bật nhất là những đột phá, cởi mở trong chính sách thị thực, trực tiếp là các chính sách về miễn thị thực đơn phương và chính sách thị thực điện tử. Ngoài ra, đề xuất nâng thời hạn tạm trú cho người được cấp thị thực điện tử từ 30 lên 90 ngày, giá trị của thị thực điện tử có thể là một lần hoặc nhiều lần, căn cứ theo nhu cầu của người nước ngoài, khách du lịch. Tạo điều kiện cho người nước ngoài, khách du lịch được xuất nhập cảnh nhiều lần. Đồng thời, kéo dài thời gian tạm trú đối với người nước ngoài được hưởng quy chế miễn thị thực đơn phương từ 15 lên 30 ngày và có thể được gia hạn tạm trú nếu đáp ứng các yêu cầu khác của pháp luật. “Bộ Công an dự kiến đề xuất Quốc hội đưa các nội dung cơ bản liên quan đến chính sách thị thực điện tử và miễn thị thực vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới. Có thể đây chưa phải quy định của luật nhưng là căn cứ quan trọng để Chính phủ chỉ đạo cho thực hiện ngay các chính sách cởi mở như tôi vừa trình bày. Đặc biệt, chúng ta tranh thủ được thời gian của cao điểm du lịch đón khách quốc tế năm 2023” – đại tá Đặng Tuấn Việt thông tin.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho hay tới đây sẽ có nghị quyết của Chính phủ về một loạt các giải pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn gỡ khó cho ngành du lịch.
Khách quốc tế chi tiêu gấp 11 lần khách nội địa
TS Nuno F. Ribeiro, giảng viên cấp cao và Trưởng nhóm nghiên cứu ngành quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT, nhấn mạnh du khách quốc tế chỉ chiếm một phần nhỏ trong số du khách tại Việt Nam nhưng chi tiêu lớn. Năm 2019, chi trung bình của mỗi du khách nội địa là 61 USD so với khách quốc tế là 673 USD. TS Nuno F. Ribeiro nhận định để khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng thị thực điện tử cho tất cả các nước, tăng số nước được miễn thị thực, tăng thời hạn lưu trú cho các thị trường trọng điểm… Đặc biệt, cần xem xét lại chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và xác định chiến lược du lịch dài hạn cho 10-20 năm tới dựa trên phát triển du lịch bền vững.
T.P