Thursday, December 26, 2024
Trang chủQuân sựGiới nghiên cứu TQ lo ngại vũ khí nào của Mỹ trong...

Giới nghiên cứu TQ lo ngại vũ khí nào của Mỹ trong xung đột Nga-Ukraine?

Những nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đang nghiên cứu cuộc xung đột Nga-Ukraine đã nêu ra một số điều Bắc Kinh cần làm để đối phó một cuộc chiến tiềm tàng do Mỹ dẫn đầu ở châu Á.

Một quân nhân Ukraine vác tên lửa phòng không Stinger khi tham gia cuộc tập trận ngày 11.2

Toàn bộ tổ hợp công nghiệp-quân sự của Trung Quốc đang nỗ lực xem xét kỹ lưỡng tác động của vũ khí và công nghệ Mỹ có thể được triển khai chống lại lực lượng Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh tiềm tàng liên quan Đài Loan. Diễn biến này được phát hiện sau một cuộc đánh giá của Reuters trên gần 100 bài báo của hơn 20 chuyên san quốc phòng Trung Quốc.

Các bài viết trên những chuyên san tiếng Trung này cho thấy công việc của hàng trăm nhà nghiên cứu trong mạng lưới các trường đại học liên kết với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA, quân đội Trung Quốc), các nhà sản xuất vũ khí thuộc sở hữu nhà nước và các tổ chức nghiên cứu tình báo quân sự.

“Mối quan tâm của Trung Quốc”
Nhiều bài báo của các nhà nghiên cứu PLA nhấn mạnh mối quan tâm của Trung Quốc về vai trò của Starlink trong việc đảm bảo thông tin liên lạc của quân đội Ukraine. Starlink là một mạng lưới vệ tinh được phát triển bởi công ty SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk.

“Hiệu quả tuyệt vời của các vệ tinh ‘Starlink’ trong cuộc xung đột Nga-Ukraine chắc chắn sẽ khiến Mỹ và các nước phương Tây sử dụng ‘Starlink’ rộng rãi” trong những hành động thù địch có thể xảy ra ở châu Á, theo một bài báo do các nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật quân sự thuộc PLA được đăng trong tháng 9.2022.

Các tác giả cho rằng Trung Quốc, vốn có mục tiêu phát triển mạng lưới vệ tinh tương tự của riêng mình, cần “khẩn cấp” tìm cách bắn hạ hoặc vô hiệu hóa Starlink. SpaceX đã không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này từ Reuters.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng đã tạo ra sự nhất trí rõ ràng giữa các nhà nghiên cứu Trung Quốc rằng tác chiến bằng máy bay không người lái (UAV) đáng được đầu tư nhiều hơn. Theo Reuters, Trung Quốc đã thử nghiệm UAV trên bầu trời xung quanh Đài Loan.

“Những máy bay không người lái sẽ đóng vai trò là ‘chiến binh phá cửa’ cho các cuộc chiến tranh trong tương lai”, bài báo của một chuyên san về chiến tranh xe tăng, do nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc NORINCO xuất bản, lưu ý. Bài báo còn mô tả khả năng của UAV vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ của đối phương.

Ngoài ra, một bài báo trên một tạp chí chính thức của chính phủ Trung Quốc được đăng vào tháng 10.2022 đã lưu ý rằng Trung Quốc nên cải thiện khả năng bảo vệ thiết bị quân sự sau “thiệt hại nghiêm trọng đối với xe tăng, xe bọc thép và tàu chiến của Nga” do tên lửa Stinger và Javelin được binh sĩ Ukraine sử dụng.

Tiến sĩ Collin Koh, nhà nghiên cứu an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhận định cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tạo động lực cho những nỗ lực lâu dài của các nhà khoa học quân sự Trung Quốc phát triển các mô hình chiến tranh mạng và tìm cách bảo vệ các phương tiện thiết giáp tốt hơn trước vũ khí hiện đại của phương Tây. “Starlink thực sự là một điều gì đó mới mẻ khiến họ phải lo lắng, ứng dụng quân sự của công nghệ dân sự tiên tiến mà họ không thể dễ dàng sao chép”, ông Koh bình luận, theo Reuters.

Ngoài công nghệ, vị chuyên gia cho hay ông không ngạc nhiên khi Trung Quốc nghiên cứu các hoạt động của lực lượng đặc nhiệm Ukraine bên trong nước Nga. Vì cũng giống như Nga, Trung Quốc di chuyển binh lính và vũ khí bằng đường sắt nên lo sợ nguy cơ bị phá hoại, theo Reuters.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận về những bài báo như trên của các nhà nghiên cứu nước này.

Đài Loan và hơn thế nữa

Một số bài báo tiếng Trung cũng nhấn mạnh nguy cơ xảy ra xung đột trong khu vực khi Trung Quốc chống lại Mỹ và các đồng minh của Mỹ, có thể về vấn đề Đài Loan. Mỹ có chính sách “mơ hồ chiến lược” về khả năng can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan, nhưng bị ràng buộc bởi luật quy định cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ.

Trong đó có một bài báo của hai nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng thuộc PLA, được xuất bản vào tháng 10.2022, phân tích tác động của việc Mỹ chuyển giao những Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine, và liệu PLA có nên lo ngại hay không.

“Nếu HIMARS dám can thiệp vào Đài Loan trong tương lai, thứ từng được biết đến như một ‘công cụ gây nổ’ này sẽ chịu một số phận khác trước các đối thủ khác nhau”, bài báo kết luận.

Bài báo nhấn mạnh hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Trung Quốc, được hỗ trợ bởi UAV trinh sát, và lưu ý thành công của Ukraine với HIMARS đã dựa vào việc Mỹ chia sẻ thông tin mục tiêu và thông tin tình báo qua Starlink.

Hồi tháng 2, Trưởng Cơ quan Phòng vệ Đài Loan Khâu Quốc Chính cho rằng PLA đang rút ra bài học từ cuộc xung đột Nga-Ukraine rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào Đài Loan sẽ phải được tiến hành nhanh chóng mới có thể thành công. Đài Loan cũng đang nghiên cứu cuộc xung đột Nga-Ukraine để cập nhật các chiến lược chiến đấu của riêng mình, theo Reuters.

Một số bài báo trên các chuyên san Trung Quốc cũng phân tích sức mạnh của cuộc kháng chiến ở Ukraine, bao gồm các hoạt động phá hoại của lực lượng đặc biệt bên trong nước Nga, việc sử dụng ứng dụng nhắn tin Telegram để khai thác thông tin tình báo dân sự và việc bảo vệ nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol thuộc miền nam Ukraine, theo Reuters.

Những thành công của Nga cũng được ghi nhận, chẳng hạn như các cuộc tấn công chiến thuật sử dụng tên lửa đạn đạo Iskander. Nhiều bài báo khác thì tập trung vào những sai lầm của lực lượng Nga ở Ukraine. Trong đó có một bài trên chuyên san về chiến tranh xe tăng chỉ ra các chiến thuật lỗi thời và thiếu sự chỉ huy thống nhất.

Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga cũng như Ukraine đối với các bài báo của chuyên san Trung Quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới