Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiHơn 10.000 cán bộ dôi dư sau sáp nhập

Hơn 10.000 cán bộ dôi dư sau sáp nhập

Trong tổng số 706 cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư sau sáp nhập, đến nay đã giải quyết được 361 người; 9.705 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư đã giải quyết được 6.657 người.

Bộ Nội vụ.


Giải quyết chính sách đối với cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập trở thành vấn đề “đau đầu” cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ gửi tới Bộ Tư pháp, nhiều địa phương khi trình Đề án sắp xếp đã đề ra kế hoạch phấn đấu đến năm 2022 giải quyết xong số dôi dư (Nghị quyết số 653/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thời hạn này là 5 năm kể từ ngày nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực).

Tuy nhiên, các địa phương phải thực hiện đồng thời nhiều quy định của pháp luật có liên quan đến công tác tinh giản biên chế, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức như thực hiện chủ trương bố trí công an chính quy về công tác tại địa bàn cấp xã và giảm số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Nghị định 34/2019 của Chính phủ (mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm 2 cán bộ, công chức cấp xã và giảm từ 8-9 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã).

Điều đó dẫn tới số lượng cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã dôi dư sau sắp xếp các đơn vị hành chính rất lớn, thời gian cam kết của nhiều địa phương đến năm 2022 giải quyết xong số dôi dư rất khó khăn.

“Trong tổng số 706 cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư, đến nay đã giải quyết được 361 người, còn phải tiếp tục giải quyết đối với 345 người. Trong tổng số 9.705 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư, đến nay đã giải quyết được 6.657 người, còn phải tiếp tục giải quyết đối với 3.048 người”, Bộ Nội vụ thông tin.

Cơ quan này đánh giá, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã giảm được chi ngân sách nhà nước, góp phần tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị làm việc của các cơ quan, tổ chức. Người dân có cơ hội tiếp cận các công nghệ hiện đại, tiên tiến, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo báo cáo của các địa phương, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 – 2021 đạt khoảng trên 2.008 tỷ đồng, trong đó giảm chi của chính quyền cấp huyện, cấp xã trên 1.132 tỷ đồng (gồm giảm chi tiền lương và phụ cấp 787 tỷ đồng; giảm chi hoạt động 345 tỷ đồng) và giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng…

Báo cáo của TAND tối cao và VKSND tối cao cũng cho thấy, cơ quan tòa án, viện kiểm sát ở các địa phương được sáp nhập đã tiết giảm được các khoản kinh phí chi lương, chi thường xuyên, chi bảo trì trụ sở, mua sắm phương tiện,… Qua đó, đã có thêm nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị, góp phần thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

“Tuy nhiên, cũng có địa phương do nguồn kinh phí tiết kiệm được chưa bảo đảm đủ nguồn chi cho các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp nên tỉnh không có kinh phí tiết kiệm do thực hiện sắp xếp, sáp nhập. Ví dụ như tỉnh Cao Bằng”, Bộ Nội vụ cho hay.

Bộ Nội vụ khẳng định, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, các địa phương phải thảo luận nhiều lần và cân nhắc kỹ nhiều mặt khi xây dựng các phương án.

Đối với các địa phương tiến hành nhập các đơn vị hành chính, nhất là nhập từ 3- 4 đơn vị hành chính để hình thành 1 đơn vị hành chính mới thì số lượng cán bộ, công chức dôi dư rất lớn. Trong khi số lượng những người nghỉ hưu đúng tuổi, giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế chưa nhiều, dẫn đến gặp khó khăn khi sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách.

Việc thực hiện sắp xếp cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 chủ yếu tập trung vào việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới nhằm mục đích giảm số lượng đơn vị hành chính; chưa thực sự tính đến chất lượng đơn vị hành chính, nhất là đối với các đơn vị hành chính đô thị sau sắp xếp và khả năng sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư ở địa phương.

Đề xuất các trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp

Đến nay đã giảm được 8 đơn vị cấp huyện và 561 đơn vị cấp xã.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023- 2030 được gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Nội vụ đề xuất các trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 gồm:

  • Có vị trí biệt lập với các đơn vị hành chính khác (có toàn bộ đường địa giới đơn vị hành chính đi qua núi, sông, suối, hồ, biển và khó tổ chức giao thông thuận lợi kết nối với đơn vị hành chính liền kề);
  • Có đường địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định từ trước năm 1945 và đến nay chưa có sự thay đổi, điều chỉnh lần nào;
  • Đơn vị hành chính cấp xã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng công nhận là xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc được Bộ trưởng Bộ Công an công nhận là xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.
  • Đơn vị hành chính cấp huyện có từ 50% đơn vị hành chính cấp xã trở lên được công nhận là xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự;
  • Đơn vị hành chính nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023-2030 (bao gồm cả đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch nhập vào đơn vị hành chính đô thị).

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới