Thursday, December 26, 2024
Trang chủQuân sựSự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine ngày càng...

Sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine ngày càng bấp bênh

Có những dấu hiệu cho thấy việc phương Tây cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine gặp nhiều hạn chế và tệ hơn là có thể kết thúc bất cứ lúc nào.

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị khai hỏa lựu pháo M777 do Mỹ cấp ở khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine.

“Hạ cấp” các vũ khí tiên tiến hỗ trợ Ukraine

Dù là các xe tăng chiến đấu Leopard 2 từ Na Uy hay tiêm kích MiG-29 từ Slovakia, Ukraine nhận được các cam kết cung cấp vũ khí hạng nặng từ các đối tác quốc tế gần như hàng ngày. Ngày 20/3, Mỹ thông báo gói hỗ trợ quân sự mới cho Kiev trị giá 350 triệu USD nhưng các xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams được cam kết trước đó không nằm trong đợt vận chuyển này.

Các quan chức Mỹ nói rằng họ đang tìm cách rút ngắn thời gian cung cấp và sẽ vận chuyển các xe tăng trên vào mùa thu. Tháng 1/2023, Politico đưa tin, do các quy định xuất khẩu, Mỹ dự kiến sẽ bỏ đi lớp giáp bí mật của xe tăng Abrams, trong đó có chứa urani nghèo trước khi cung cấp chúng cho Ukraine.

Các quy định về xuất khẩu là một trong những lý do tại sao Mỹ chỉ đang cung cấp cho Ukraine những vũ khí nhất định với những phiên bản đã được điều chỉnh. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất.

“Tại Ukraine, họ đang tự đặt câu hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra nếu một chiếc xe tăng bị bỏ lại rồi bị Nga thu giữ và phân tích”, Gustav Gressel, học giả cấp cao chuyên nghiên cứu về quân sự và các cuộc xung đột vũ trang thuộc Hội đồng Đối ngoại châu Âu cho hay.

Điều này cũng diễn ra với các vũ khí mà trước đó Mỹ hỗ trợ cho Ukraine, chẳng hạn như lựu pháo M777. Loại pháo được cung cấp cho Kiev từ tháng 4/2022 này không có hệ thống GPS và các vũ khí không có GPS thường ít chính xác hơn.

Quân đội Ukraine đã nhanh chóng tìm ra giải pháp và tự lắp đặt thêm các hệ thống của mình trong đó có phần mềm quân sự GIS Arta được phát triển ở Ukraine để phối hợp trong các cuộc pháo kích. Tháng 5/2022, một số hãng truyền thông đưa tin Ukraine đã triển khai lựu pháo M777 sử dụng phần mềm GIS Arta để ngăn chặn cuộc tiến công của quân đội Nga qua sông Siverskyi Donets ở khu vực Lugansk.

Tình huống tương tự cũng diễn ra với hệ thống pháo phản lực HIMARS mà Mỹ từng hỗ trợ Ukraine.

Wall Street Journal đưa tin Washington đã điều chỉnh các hệ thống này trước khi vận chuyển để chúng không thể phóng các tên lửa tầm xa, trong đó có Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân với tầm bắn lên tới 300km, thậm chí trong trường hợp Ukraine có thể có được chúng trên thị trường toàn cầu.

Tờ Wall Street Journal cũng dẫn một nguồn tin giấu tên của chính phủ Mỹ cho hay quyết định trên được tiến hành nhằm làm giảm rủi ro leo thang giữa Mỹ và Nga. Vào tháng 9 năm ngoái, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết các tên lửa tầm xa sẽ là “lằn ranh đỏ” khiến Mỹ trở thành một bên của cuộc xung đột.

Stephen Blank, một học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại đánh giá những giới hạn trên các hệ thống vũ khí xuất phát từ “sự dè chừng Nga và mối lo ngại Moscow leo thang xung đột”. Tuy nhiên, ông Blank cho rằng những lo ngại này dường như đang bị làm quá.

“Tôi nghĩ chúng ta đang quá lo sợ việc Nga leo thang căng thẳng. Tôi không hiểu tại sao lãnh thổ Nga nên được loại khỏi các cuộc tấn công của Ukraine. Moscow đã bắt đầu cuộc xung đột này”, ông Blank nói.

Theo ông Blank, trên chiến trường, ông nhìn thấy “sự khác biệt đáng kể” khi Nga có thể tập trung các phương tiện quân sự ở biên giới với Ukraine và “sẵn sàng khai hỏa” mà không lo sợ bị phản công.

“Nếu họ không thể làm điều đó nữa, đây sẽ là lợi thế lớn cho Ukraine”.

Vào đầu năm 2023, các nước phương Tây cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine tên lửa có tầm bắn 150km. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết, Kiev cam kết sẽ không sử dụng chúng để tấn công vào lãnh thổ Nga nhưng cam kết này không bao gồm các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát ở Ukraine.

Ukraine không thể phản công vì thiếu đạn pháo

Giữa bối cảnh Ukraine sắp cạn kiệt đạn dược để tiếp tục chiến đấu với Nga, một số nước ủng hộ Kiev, trong đó có Mỹ, đang gây sức ép để các đồng minh châu Âu nhanh chóng tăng cường sản xuất.

Một kế hoạch tham vọng được Estonia đề xuất hướng tới việc châu Âu tăng sản xuất đạn pháo cỡ nòng 155mm lên 7 lần và tăng khả năng sản xuất từ 240.000 – 300.000 quả pháo mỗi năm lên 2,1 triệu quả pháo. Chi phí ước tính sẽ là gần 4,25 tỷ USD. Nếu hoàn thành, châu Âu sẽ đáp ứng nhu cầu đạn dược của Ukraine trong 6 tháng thay vì 4 năm với tốc độ sản xuất hiện tại.

Theo ông Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, hiện là cố vấn cho chính phủ Ukraine về việc thu mua vũ khí: “Nếu sản xuất duy trì ở mức độ hiện nay hoặc cao hơn một chút, chúng tôi sẽ cạn kiệt đạn pháo vào năm nay”.

Việc thu mua và sản xuất vũ khí là một nội dung chủ chốt trong chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Biden, đặc biệt là những tháng gần đây khi có một thực tế rõ ràng là kho đạn dược của Mỹ đang ở mức thấp. Những mối lo ngại ngày càng gia tăng khi Mỹ có lẽ không thể duy trì nguồn cung vũ khí ổn định cho Ukraine.

Ngày 25/3, Tổng thống Ukraine Zelensky đã thẳng thắn tuyên bố Kiev chưa thể tiến hành phản công cho đến khi phương Tây cung cấp thêm vũ khí. Ông Zelensky cho biết ông cần thêm xe tăng và các hệ thống phóng tên lửa trước khi điều động quân đội tới tiền tuyến. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, ông Zelensky cho biết tình hình ở phía Đông Ukraine “không tốt” do thiếu đạn dược.

“Chúng tôi đang chờ đạn dược từ các đối tác”, ông Zelensky nói. Khi được hỏi liệu khi nào cuộc phản công có thể bắt đầu, nhà lãnh đạo Ukraine đã trả lời rằng: “Chúng tôi chưa thể bắt đầu. Chúng tôi không thể cử các binh lính dũng cảm của mình tới tiền tuyến mà không có xe tăng, pháo và tên lửa tầm xa”.

Mỹ và châu Âu đã cung cấp cho Ukraine các gói hỗ trợ vũ khí trị giá hàng tỷ USD nhưng vẫn từ chối đề nghị cung cấp máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa của Kiev. Thậm chí, nếu Tổng thống Biden thông qua việc cung cấp máy bay chiến đấu ngay hôm nay thì các phương tiện chiến đấu này sẽ phải mất một vài tháng mới đến tay Ukraine.

Các xe tăng phương Tây đang được vận chuyển cho Kiev nhưng chỉ một vài xe tăng có thể sử dụng trên chiến trường. Trong khi đó, quân đội Ukraine đang sử dụng đạn dược nhanh hơn tốc độ sản xuất của phương Tây.

Theo Tổng thống Putin: “Nga biết về các kế hoạch của NATO nhằm tăng cường sản xuất đạn pháo lên 42.000 quả pháo mỗi tháng vào năm nay và khoảng 75.000 quả pháo vào năm 2025. Chúng tôi không biết điều đó có xảy ra vào năm 2025 hay không nhưng hiện nay, chỉ 14.000 – 15.000 đạn pháo được sản xuất, bất chấp thực tế rằng quân đội Ukraine đang sử dụng 5.000 quả pháo mỗi ngày”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới