Các lãnh đạo Tây Ban Nha, Pháp và EU sẽ đến Bắc Kinh, có thể nhằm đánh giá Trung Quốc cam kết đến đâu trong đề xuất hòa bình của mình cho Ukraine.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này. Tuần tới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng sẽ có các cuộc hội đàm quan trọng với lãnh đạo Trung Quốc.
Nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell sẽ tới Bắc Kinh, có thể nhân chuyến công tác tới Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh các ngoại trưởng G7 vào ngày 16/4, để “đối thoại chiến lược” với Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương.
Động thái diễn ra khi phương Tây đang lo ngại về kịch bản Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga trong xung đột ở Ukraine, dù Bắc Kinh đã phủ nhận. Nhiều lãnh đạo châu Âu tin rằng kịch bản có thể khiến cán cân sức mạnh nghiêng hẳn về phía Moskva, từ đó dẫn tới một cuộc xung đột lớn hơn liên quan đến cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ.
Các lãnh đạo châu Âu được cho là sẽ đề cập vấn đề này khi tới Trung Quốc, thuyết phục Bắc Kinh đảm bảo rằng họ sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga.
Theo giới chuyên gia, các lãnh đạo châu Âu cũng sẽ cố gắng tìm hiểu Trung Quốc cam kết đến mức nào trong nỗ lực kiến tạo hòa bình tại Ukraine.
Bắc Kinh hồi cuối tháng trước công bố tài liệu 12 điểm về xung đột Nga – Ukraine, trong đó kêu gọi các bên hỗ trợ Moskva và Kiev nối lại đối thoại giải quyết khủng hoảng. Tài liệu này phản đối sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ người dân vô tội, đồng thời phản đối những lệnh cấm vận đơn phương không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua.
Các lãnh đạo EU, NATO khi đó bày tỏ hoài nghi, cho rằng kế hoạch hòa bình Trung Quốc nêu ra phản ánh không đầy đủ về cuộc chiến và Bắc Kinh không đủ trung lập để dàn xếp xung đột.
“Tất nhiên, chúng tôi sẽ đánh giá kỹ các đề xuất, nhưng chúng tôi sẽ xem xét chúng với quan điểm rằng Trung Quốc đã chọn phe”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen nói.
Tuy nhiên, thái độ hoài nghi dường như đã giảm đi phần nào ở châu Âu trong những tuần gầy đây. Các nhà ngoại giao khu vực hiện tại nói rằng đề xuất của Trung Quốc còn “thiếu sót” thay vì là một kế hoạch hoàn toàn “lãng phí thời gian”.
Advertisement
Họ chỉ ra thực tế rằng Ukraine đã không hoàn toàn bác bỏ kế hoạch và nó có một số quan điểm trùng với tầm nhìn của Kiev. Sau khi ông Tập tới Moskva hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước, một số người đang chờ xem liệu sắp tới, Chủ tịch Trung Quốc có đối thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hay không.
Một số quan chức châu Âu lo ngại việc tiếp tục chỉ trích kế hoạch này sẽ càng đẩy Bắc Kinh và Moskva đến gần nhau hơn và làm nản lòng những người đang nỗ lực xây dựng lộ trình hòa bình.
“Nhiều người ở EU có lẽ đang suy nghĩ rằng châu Âu sẽ không được lợi gì nếu kiên quyết bác bỏ lập trường của Trung Quốc”, Grzegorz Stec, nhà phân tích về quan hệ châu Âu – Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, Bỉ, bình luận.
Theo Stec, tính toán này có thể xuất phát từ mong muốn tạo bối cảnh tích cực cho nỗ lực kết nối lại với Trung Quốc hoặc nhằm thể hiện rằng EU vẫn cố gắng thực hiện nghiêm túc tất cả đề xuất hòa bình, ngay cả khi trên thực tế, họ không hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng hòa giải của Trung Quốc.
Mặt khác, việc Trung Quốc thành công trong nỗ lực làm trung gian cho Iran và Arab Saudi nối lại quan hệ trong tháng qua đã khiến nhiều quan chức EU ngạc nhiên, từ đó khiến không ít người muốn đặt cược vào khả năng hòa giải của Bắc Kinh.
Thương mại cũng là vấn đề lãnh đạo Tây Ban Nha và Pháp sẽ thúc đẩy trong chuyến thăm. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Tây Ban Nha bên ngoài EU và đứng thứ tư trong danh sách tổng thể, sau Pháp, Đức và Italy. Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương và Du lịch Tây Ban Nha, kim ngạch thương mại song phương năm 2022 là 62,4 tỷ USD.
Kim ngạch thương mại giữa Pháp và Trung Quốc năm 2022 đạt hơn 81 tỷ USD. Pháp là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc trong EU.
Với Thủ tướng Tây Ban Nha và Tổng thống Pháp, ngoài thúc đẩy lợi ích kinh tế, họ cũng được cho là sẽ nỗ lực cân bằng lại lập trường của châu Âu giữa Mỹ và Trung Quốc. Cả hai lãnh đạo đều đang lo lắng theo dõi cuộc bầu cử vào năm tới tại Mỹ.
“Cảm nhận chung hiện nay tại Tây Ban Nha là ‘chúng ta không thể bị ảnh hưởng bởi chương trình nghị sự của Mỹ đối với Trung Quốc”, Miguel Otero, nhà phân tích cao cấp chuyên về Trung Quốc tại Viện Hoàng gia Elcano ở Madrid, cho hay. “Họ đang bàn đến viễn cảnh một Donald Trump khác xuất hiện, một kiểu tổng thống mới tại Nhà Trắng, sau đó mọi thứ lại thay đổi”.
Nhưng các chuyến thăm không được hưởng ứng trên toàn bộ châu Âu. Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins tuần trước đã chỉ trích quan điểm ủng hộ Nga của Trung Quốc.
“Trung Quốc không đóng vai trò như một trung gian hòa giải mà đang công khai đứng về phía Nga và đây là khó khăn cho tất cả chúng ta”, ông nói.
Các khu vực khác ở Trung và Đông Âu cũng chia sẻ hoài nghi của Thủ tướng Latvia về việc Bắc Kinh có thể đóng góp cho nỗ lực hòa bình ở mức độ nào.
“Tây Ban Nha và Pháp cảm thấy có nghĩa vụ phải tăng cường quan hệ với Trung Quốc, thông qua các chuyến thăm, nhằm đạt được lợi thế kinh tế, đổi lại họ phải ủng hộ câu chuyện hòa bình của Trung Quốc”, Marcin Przychodniak, nhà phân tích về Trung Quốc tại Viện Ba Lan về Quan hệ Quốc tế, nhận xét.
Các lãnh đạo Trung và Đông Âu “không cảm thấy thuyết phục rằng những cuộc trao đổi như vậy có giá trị trong việc tìm giải pháp khả thi cho cuộc xung đột Nga – Ukraine”, ông nói.