Căng thẳng ở Ukraine được châm ngòi từ tháng 2/2014, sau cuộc đảo chính Euromaidan, khi Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ và các quan chức có lập trường chống Nga, ủng hộ EU lên nắm quyền.
Tháng 3/2014, để đáp trả cuộc nổi dậy tại Kiev, bán đảo Crimea và thành phố Sevastopol đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, đồng ý sáp nhập và trở thành một phần lãnh thổ thuộc nước Nga. Mâu thuẫn ngày càng dâng cao trong lòng Ukraine. Tháng 4/2014, hai khu vực ly khai ở Donbass tuyên bố độc lập khỏi Kiev, Chính phủ Ukraine đưa quân tới đàn áp. Giao tranh nổ ra liên tiếp cho tới khi có Thoả thuận Minsk giữa Nga – Ukraine, Pháp, Đức. Tuy nhiên, cuộc chiến này vẫn chưa đi đến hồi kết khi hai bên tiếp tục giao tranh, cáo buộc nhau về tội ác chiến tranh trong suốt 8 năm liên tiếp. Sau này, một số nguồn tin tiết lộ rằng Đức và Pháp đã cố ý trì hoãn việc tuân thủ Thoả thuận Minsk để NATO, Mỹ và EU có thời gian tăng cường, củng cố quyền lực cho Ukraine.
Năm 2021, Tổng thống thứ 6 của Ukraine ông Zelensky lên nắm quyền. Cũng vào thời điểm này, Tổng thống Biden thế chỗ Tổng thống Trump tại Nhà Trắng, thay đổi nhiều chính sách của Mỹ, đặt trọng tâm hướng về châu Âu. Nhiều cố vấn quân sự của Mỹ đã đến Ukraine huấn luyện và viện trợ vũ khí cho Ukraine, theo đó là cuộc tấn công vào người Nga ở Donbass, gây căng thẳng tại khu vực biên giới Nga – Ukraine. Sau nhiều vòng đàm phán thất bại, Nga cho rằng Ukraine đã bị phát xít hoá dưới bàn tay can thiệp của Mỹ, châu Âu và NATO, đe doạ nước Nga. Ngày 24/2/2022, Nga mở cuộc tấn công quân sự quy mô lớn vào lãnh thổ Ukraine, châm ngòi cuộc đối đầu quân Nga với Mỹ, Liên minh châu Âu và khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điểm lại sau một năm, cuộc chiến vẫn diễn ra quyết liệt nhưng đã hé lộ nhiều vấn đề xung quanh cuộc chiến này.
I. Hậu quả của cuộc chiến tranh
- Đối với nước Nga
Là bên khởi xướng “hành động quân sự đặc biệt”, Nga tấn công Ukraine nhằm giải quyết ba mục đích: Phi quân sự hoá, phi phát xít hoá và bảo vệ công dân Nga tại Ukraine. Nga đặt ra và tuyên bố thực hiện ba nhiệm vụ này từ đầu cuộc chiến. Tuy nhiên, sau một năm nhìn lại, Nga chỉ đạt được một phần, mà chưa giải quyết được toàn bộ mục đích quân sự của mình.
Nga đã chiếm được 1/5 diện tích Ukraine và tiếp tục tập trung vào vùng phía Đông và phía Nam, kể cả bán đảo Krym đã chiếm đóng từ năm 2014. Không những thế, Nga còn tuyên bố sát nhập 4 tỉnh miền Đông Ukraine vào lãnh thổ của mình. Tuyên bố chủ quyền này đã được hợp thức hoá bằng văn bản luật pháp, được Quốc hội Nga thông qua. Nga đã huỷ diệt trên 50% cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội, gây tổn thất toàn diện cho Ukraine, khiến đất nước Ukraine tê liệt, nền kinh tế bị huỷ hoại nghiêm trọng. Khoảng 4 đến 7 triệu người đã phải di tản khỏi Ukraine, để lại một đất nước bị tàn phá nghiêm trọng, đứng trước những nguy cơ đe doạ về thảm hoạ hạt nhân.
Song trên thực tế, ở giai đoạn đầu, từ tháng 2 – tháng 3/2022, mục tiêu chính của Nga là đánh vào Kiev, bắt Zelensky, thành lập một chính phủ mới phi phát xít, song Nga đã không đạt được mục tiêu này. Nga phải điều chỉnh chiến lược quân sự, huy động quân mở màn trận chiến các tỉnh phía Đông và Nam Ukraine, chuyển trạng thái đánh lâu dài. Khó khăn Nga phải đối mặt là Nga bị Mỹ và phương Tây cô lập về ngoại giao. Một phần của thế giới đã lên án Nga xâm lược Ukarina, kể cả Liên hợp quốc. Kinh tế Nga cũng phải hứng chịu những đòn trừng phạt gắt gao từ phương Tây. Tình hình nội bộ nước Nga cũng có những vấn đề xung đột. Ngoài ra, Nga cũng chịu nhiều thiệt hại từ cuộc chiến, bị Ukraine tấn công quân sự và phá huỷ nhiều cơ sở hạ tầng, từ cầu Krym cho đến kho đạn sân bay. Người dân Nga cũng bị thiệt mạng trong cuộc chiến này.
Tuy nhiên, Nga vẫn giữ vững ý chí chính trị, quân sự và tiềm lực kinh tế, quyết tâm thực hiện mục tiêu xoá sổ chính phủ thân phương Tây ở Ukraine. Mặc dù nền kinh tế có suy yếu song về cơ bản, Nga vẫn tránh được những đòn trừng phạt từ Mỹ, châu Âu và không sụp đổ như các nước phương Tây tính toán. Bên cạnh đó, những nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Mỹ Latin, châu Phi và Trung Đông vẫn có quan hệ tốt và làm chỗ dựa cho Nga về kinh tế, chính trị, ngoại giao, đặc biệt là khối OPEC+ vẫn đang có động thái gây khó khăn cho phương Tây.
- Đối với Ukraine
Thành công lớn nhất của Ukraine chính là đã đoàn kết, tranh thủ được dư luận thế giới ủng hộ và công nhận tính chính nghĩa của cuộc tấn công đáp trả Nga. Ngoài Mỹ và phương Tây, rất nhiều quốc gia đã lên tiếng bênh vực Ukraine. Ở trong nước, Tổng thống Zensinsky đã khích lệ tinh thần yêu nước chống Nga của người dân. Hơn thế nữa, Ukraine còn chiếm được ưu thế về truyền thông. Ngoài ra, Ukraine cũng giữ thế quân bình với Nga chủ yếu nhờ vào nguồn viện trợ lớn về kinh tế, quân sự từ Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, việc này cũng khiến Ukraine ở vào thế bị động trước sự thao túng của Mỹ, EU và NATO. Ukraine cũng thể hiện rõ vai trò quân uỷ nhiệm của Mỹ, bị NATO kích động, lôi kéo. Sự đứng vững tồn tại của Ukraine hiện nay không phải nhờ sức mạnh tự thân mà đến từ nguồn viện trợ khổng lồ của Mỹ và phương Tây. Trong cuộc chiến này, Ukraine còn chịu tổn thất lớn về mọi mặt, đặc biệt là về lãnh thổ. Không những bị Nga chiếm mất 4 tỉnh và tuyên bố chủ quyền, nền kinh tế, quân sự, quốc phòng của Ukraine cũng chịu thiệt hại nặng nề về nhân lực, đất nước lún sâu vào lạm phát, khủng hoảng kinh tế rất nghiêm trọng.
- Đối với EU, NATO
Khi Nga tấn công Ukraine, EU và NATO đã ngay lập tức coi Nga là mối đe doạ trước mắt và lâu dài của châu Âu, nhanh chóng đoàn kết với Mỹ để chống Nga. Các “đòn” tấn công Nga của EU bao gồm: Trừng phạt về kinh tế, phong toả tài sản, tiền gửi ngân hàng, áp thuế nặng với tất cả các mặt hàng từ Nga…; tăng cường viện trợ quân sự, viện trợ tài chính cho Ukraine với con số lên đến hàng trăm tỉ đô la. Ngoài ra, EU còn thực hiện chính sách bao vây, cấm vận, cô lập về ngoại giao, cắt đứt mọi quan hệ giữa Nga và châu Âu, trục xuất các nhà ngoại giao Nga, truy lùng điệp viên Nga, tác động Liên Hợp Quốc bỏ phiếu lên án, bao vây, cô lập Nga đối với các tổ chức quốc tế.
Có thể thấy, qua cuộc chiến này, EU đã thực sự phụ thuộc nhiều vào Mỹ, đặc biệt là về chính trị, quân sự, kinh tế. Tuy nhiên, bản thân EU cũng chịu thiệt hại nặng nề từ lệnh cấm vận, trừng phạt về kinh tế, tài chính đối với Nga, đặc biệt là về năng lượng. Châu Âu cũng rơi vào tình trạng lạm phát cao, khan hiếm hàng hoá, lương thực, bất ổn về chính trị, an ninh, trật tự, xã hội. Nhiều nhân vật đứng đầu ở các nước châu Âu sụp đổ, nhiều cuộc biểu tình của nhân dân nổ ra đòi quyền lợi về kinh tế, chính trị… khiến nội bộ của nhiều thành viên EU điêu đứng.
Tuy nhiên, nhờ chiến dịch quân sự của Nga đối với Ukraine, Thụy Điển và Phần Lan trên 40 năm theo đuổi chính sách trung lập đã nhanh chóng gia nhập khối NATO, điều đó làm đảo lộn trật tự châu Âu, khiến nhiều nước Bắc Âu cùng ngả về Mỹ, chống nước Nga.
- Đối với Mỹ
Thứ nhất, về tổng thể, Mỹ rất thành công từ cuộc chiến Nga – Ukraine. Việc Mỹ chống Nga giờ đây đã được bộc lộ công khai, coi Nga là kẻ thù. Mỹ ra sức đề cao tinh thần dân chủ phương Tây như một sự đối lập với các giá trị của Nga.
Thành công lớn nhất mà Mỹ đạt được trong cuộc chiến này chính là tập hợp lại được các nước châu Âu và các đồng minh truyền thống của mình là Nhật Bản, Hàn Quốc để chống Nga. Trước đây, liên minh này ít nhiều bị chia rẽ do các bất đồng về kinh tế, chính trị, thời Tổng thống Donald Trump, song nay Tổng thống Biden đã tập hợp được các thành viên EU, thậm chí lôi kéo thêm các nước ngoài châu Âu về phe mình trong cuộc chiến chống Nga.
Thứ hai, Mỹ hoàn toàn giữ thế chủ động, điều khiển “cuộc chơi” và đứng đầu trên mặt trận chống Nga về mọi mặt; từ ngoại giao, quân sự, tình báo đến kinh tế, thông tin truyền thông… Mỹ là cái ô cho châu Âu và Ukraine.
Thứ ba, Mỹ đã thành công trong việc kéo châu Âu tách khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng của Nga về năng lượng, khoáng sản, phân bón, lương thực… và chuyển đổi sang nền kinh tế châu Âu phụ thuộc vào Mỹ, nhất là năng lượng và vũ khí.
Thứ tư, Mỹ bán được một lượng lớn vũ khí cho châu Âu trong cuộc chiến này, đồng thời giải phóng các kho vũ khí cũ, phát triển được các loại vũ khí mới. Điều đó góp phần phát triển và mở rộng nền công nghiệp quốc phòng của Mỹ.
Thứ năm, Mỹ đã thành công biến Ukraine thành quân uỷ nhiệm của mình. Cụ thể, là Mỹ kích hoạt luật cho vay từ Thế chiến II, mở cửa cung cấp cho Ukraine về tài chính. Mỹ không đưa quân đội tham chiến trực tiếp tại Ukraine mà chỉ đứng sau điều khiển, vạch phương án tác chiến, cung cấp thông tin tình báo, viện trợ tài chính quân sự… Điều này giúp Mỹ tránh xung đột trực tiếp với Nga, kiềm chế leo thang chiến tranh. Mỹ không bị thiệt hại về nhân mạng và được lợi về mặt kinh tế.
II. Những tác động đến từ cuộc chiến
Cuộc chiến ở Ukraine do Nga phát động đã xô đẩy gây biến động toàn cầu. Thế giới theo xu hướng phân cực, phân tuyến nhanh chóng, trong đó xuất hiện rõ là:
Thứ nhất, thế giới bị phân mảng. Các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu đã được hàn gắn, thống nhất khi cùng Mỹ coi Nga là đối tượng đe dọa an ninh khối này, thống nhất ủng hộ Ukraine chống Nga, thống nhất trừng phạt kinh tế, cô lập ngoại giao nhằm mục tiêu làm Nga suy yếu và sụp đổ. Thụy Điển, Phần Lan đã nửa thế kỷ trung lập, nay nhanh chóng gia nhập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO do lo sợ xuất phát từ Nga. Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo dẫn dắt các nước phương Tây duy trì trật tự của khối này và đối phó với các điểm nóng toàn cầu.
Nga ở vào tình thế bị suy yếu tương đối, song cuộc xung đột của Nga ở Ukraine cho thấy nhóm các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và các nước nam bán cầu đã đoàn kết hơn, nhận rõ mục tiêu chiến lược của Mỹ và phương Tây, coi Mỹ là đối tượng đe dọa an ninh và trật tự thế giới, phản đối Mỹ và EU chống Nga và hỗ trợ Nga tránh được các đòn trừng phạt của Mỹ và EU. Đặc biệt, cuộc chiến Ukraine đã thúc đẩy gắn kết quan hệ Nga – Trung, thúc đẩy “hợp tác không giới hạn” và thống nhất mục tiêu và nhận thức rằng vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ được thiết lập sau Chiến tranh Lạnh đã không còn phù hợp với quan hệ thế giới hiện nay.
Các nhóm nước nằm ngoài châu Âu và các nước nhỏ ủng hộ độc lập chủ quyền của các nước, lên án Nga vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, song không ủng hộ lời kêu gọi trừng phạt Nga của Mỹ và phương Tây. Họ vẫn coi Nga là đối tác tin cậy, là nguồn cung ứng năng lượng, lương thực và nguồn cung ứng sản xuất quan trọng, giúp họ khôi phục nền kinh tế. Nga còn là đối tác quan trọng đảm bảo an ninh cho họ bởi bị đe dọa từ bên ngoài. Các nhà quan sát tình hình cho rằng: sự đoàn kết với Ukraine cũng có giới hạn, các cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chỉ rõ không phải tất cả các quốc gia đều sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine, họ đã không làm gì hơn những gì họ đã từng làm. Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục giữ quan điểm trung lập bề ngoài, cũng như hàng chục quốc gia khác đại diện cho gần một nửa dân số thế giới. Các nhà quan sát thế giới cũng chỉ ra rằng với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, hầu hết thế giới không liên kết vẫn không liên kết, trong một số trường hợp vẫn nghiêng về phía Nga; không có đồng thuận quốc tế chống lại Nga, chỉ có đồng thuận của phương Tây chống lại Nga.
Sự thực thế giới đã phân tuyến rõ rệt, một bên là Mỹ và các nước phương Tây, một bên là Nga, Trung Quốc và các nước nằm ngoài châu Âu.
Thứ hai, các nước lớn điều chỉnh chính sách an ninh, tăng cường tiềm lực quân sự, chạy đua vũ trang. Trước khi Nga tấn công quân sự Ukraine, thế giới chứng kiến cuộc chạy đua vũ trang chủ yếu là giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga – thực hiện mục tiêu giành ảnh hưởng địa chính trị toàn cầu. Cuộc xung đột quân sự của Nga ở Ukraine đã làm nền hòa bình thế giới bị phá vỡ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, ra đời chủ nghĩa xét lại của Nga và Trung Quốc với mục tiêu nỗ lực khôi phục lãnh thổ lịch sử, thay đổi hiện trạng biên giới bằng vũ lực, đã gây lo sợ nghiêm trọng cho các nước láng giềng và an ninh toàn cầu.
Trước cuộc chiến tranh Ukraine, các nước châu Âu đã có lúc nhận thức được rằng Mỹ là đối tác không tin cậy. Nhà lãnh đạo Đức Merkel từng nói “đã đến lúc châu Âu phải thoát khỏi chiếc ô của Mỹ”. Nhà lãnh đạo Pháp Macron cũng có nhận xét “NATO đã chết não”. Nhưng khi Nga tấn công quân sự Ukraine, các thành viên Liên minh châu Âu thấy rằng mối đe dọa an ninh châu Âu đến từ Nga không còn ở sự đánh giá, nhận định mà đã trở thành hiện thực ngay trong năm 2022. Chiến tranh thực tế đã xảy ra ở châu Âu. Việc các nước châu Âu nhanh chóng quay trở lại chiếc ô quân sự của Mỹ để chống Nga là điều dễ hiểu. Song sau một năm chiến sự ở Ukraine, những gì các nước châu Âu đạt được là con số 0: kinh tế suy giảm, lạm phát gia tăng, quân sự yếu kém, phải nhờ vũ khí Mỹ. Các nước như Đức, Pháp, Anh – trụ cột của NATO – đã phải công khai thừa nhận không còn đủ vũ khí để viện trợ cho Ukraine. Sự đứng vững của Nga và sự lệ thuộc vào Mỹ của châu Âu đã đánh thức nhiều nước châu Âu phải lo an ninh của riêng mình và cho châu Âu, mà mục tiêu là tăng cường quốc phòng. Các nước như Pháp, Đức đã thảo luận tới việc cần có khối quân sự riêng cho châu Âu. Không chỉ các thành viên EU điều chỉnh chiến lược về quốc phòng, an ninh, trong đó tăng ngân sách quốc phòng lên mức từ 2% GDP trở lên. Riêng Đức đã quyết định tăng chi phí quân sự cho năm 2022-2023 lên tới hơn 100 tỉ euro. Nhật Bản đã điều chỉnh chiến lược quốc phòng và an ninh với ngân sách chi tiêu lên mức 2% GDP, chi hơn 320 tỉ USD để hiện đại hóa quân đội. Mỹ tăng ngân sách quốc phòng lên tới hơn 800 tỉ USD, Trung Quốc ngân sách quốc phòng năm 2023 lên gần 225 tỉ USD. Các nước như Ấn Độ, Canada, Úc đều tăng cao cho chi phí quốc phòng. Các chuyên gia quân sự cảnh báo chi phí quốc phòng của các nước nói trên đều hướng tới sản xuất, mua sắm các loại vũ khí chiến lược cả tấn công và phòng thủ, các loại máy bay thế hệ mới hiện đại, các loại vũ khí hóa học và vũ khí mạng, đặc biệt là các loại vũ khí hủy diệt, trong đó có vũ khí hạt nhân. Thế giới xung quanh chiến sự Ukraine đang có biến động lớn về quân sự, cuộc chạy đua vũ trang mang tính toàn cầu đang đưa thế giới tới cuộc đối đầu quân sự giữa các cường quốc, thảm khốc hơn nhiều so với cuộc chiến tranh nổ ra ở Ukraine.
Vấn đề thứ ba là một châu Âu chia rẽ và bất ổn. Cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy châu Âu tới chính sách coi Nga là thù địch, cùng với Mỹ và nỗ lực cao nhất làm suy yếu hoặc sụp đổ nước Nga. Một cựu lãnh đạo Phần Lan đã nói rằng châu Âu đối mặt với một nước Nga bị cô lập vĩnh viễn và đây sẽ là một vấn đề mang tính thế hệ, ngay cả khi chiến tranh kết thúc vào ngày mai, có thể sẽ mất nhiều thập kỷ, nếu không nói là nhiều thế hệ, để niềm tin giữa Nga và phương Tây được khôi phục. Đối với người Ukraine, ngày đó có thể sẽ không bao giờ đến. Vị Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc phòng Royal United Services Institute ở London, ông Malcolm Chalmers thì nói rằng: Chúng tôi sẽ không thể ráp một quả trứng vỡ lại như cũ được nữa. Bất cứ điều gì xuất hiện từ điều này sẽ rất khác so với năm 2021, bởi vì sự ngờ vực đối với Nga sâu sắc hơn rất nhiều. Điều này cho thấy hình ảnh nước Nga đã giảm sút rất nhiều, nhất là đối với các nước châu Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nước thành viên EU đồng thuận với những phát biểu nói trên. Vẫn còn nhiều nước như Hungary, kể cả Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ… thể hiện quan điểm vẫn cần quan hệ với Nga. Các nhà quan sát tình hình ở châu Âu, kể cả ở Mỹ, thì cho rằng hòa bình và an ninh của châu Âu không thể thiếu vai trò của Nga. Một thực tế là EU cấm vận năng lượng và trừng phạt Nga về kinh tế, Nga vẫn đứng vững đối đầu với Mỹ và EU. Ngược lại, châu Âu rơi vào lạm phát. Thiếu năng lượng của Nga, nền công nghiệp của nhiều nước châu Âu phải giảm hoặc ngừng sản xuất, trong đó Đức là nước phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng của Nga. Tuy EU đã vượt qua được thử thách nguồn năng lượng của Nga bị cắt giảm, song EU lại phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Mỹ với giá tăng gấp 4 lần dầu của Nga. Với sự thua thiệt của châu Âu và phụ thuộc vào Mỹ kể cả về quân sự, nhiều thành viên EU đã có những phản ứng đối với việc thu lợi của Mỹ từ cuộc xung đột quân sự ở Ukraine. Một số thành viên EU đã không tuân theo các quyết định của Mỹ chống Nga và các lệnh trừng phạt kinh tế (như Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ…) hoặc không ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, trong đó có cả Ukraine.
Sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều chính phủ châu Âu và sự khó khăn về kinh tế, đời sống do hậu quả của các lệnh trừng phạt kinh tế Nga đã gây ra sự phản ứng của cử tri, nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở các nước nòng cốt của châu Âu như Đức, Pháp, Ý, Bulgaria, Anh, Séc… để phản đối chính sách chống Nga một cách cực đoan và đòi chấm dứt viện trợ vũ khí cho Ukraine. Hậu quả là nhiều nguyên thủ quốc gia bị thay thế trong năm 2022, như thủ tướng Anh, Ý, Bulgaria, Séc, Tây Ban Nha… Trong những tháng đầu năm 2023, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra, đòi chính phủ các nước này và NATO cắt viện trợ vũ khí cho Ukraine, đòi Nga và Ukraine đàm phán kết thúc chiến tranh. Nhiều cuộc biểu tình kêu gọi cần giải tán khối quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án Tổng thống Biden và Liên minh châu Âu đã châm ngòi cuộc chiến ở Ukraine.
Những sự kiện trên đây cho thấy nội bộ các thành viên EU và NATO sau một năm chiến sự Ukraine đã hé lộ sự phân hóa, chia rẽ, thậm chí mâu thuẫn trong việc chống Nga; nhiều thành viên EU đang toan tính hướng đi riêng cho mình. Tương lai nước nào sẽ là trung tâm của EU và NATO – Đức, Pháp hay Ba Lan – vẫn còn là ẩn số.
Vấn đề thứ tư: Việc trừng phạt kinh tế đối với quốc gia được coi là thù địch với Mỹ và phương Tây được sử dụng ở mức độ mang tính hủy diệt chưa từng thấy trong năm 2022. Các nước Nga, Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên là nạn nhân của các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu. Đồng thời, Mỹ cũng đưa ra cảnh báo sẽ trừng phạt các quốc gia, tổ chức kinh tế nào tiếp tay cho Nga tránh lệnh trừng phạt của Mỹ. Đây là lời cảnh báo răn đe những quốc gia không ủng hộ lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu đối với Nga. Việc áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga và một số nước đã có tác dụng nhất định làm suy yếu những nước này, thể hiện sức mạnh và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Không một quốc gia nào, kể cả Liên hợp quốc, cũng không đủ khả năng đối đầu với Mỹ trên lĩnh vực này. Vì vậy Mỹ và phương Tây sẽ tiếp tục áp dụng các lệnh trừng phạt để chống các quốc gia đối đầu với Mỹ. Với biện pháp này, Mỹ và Liên minh châu Âu đã phá vỡ trật tự kinh tế thế giới, khiến kinh tế ngày càng phụ thuộc vào chính trị, bằng chứng là trên 1.000 doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đã chấm dứt hoạt động ở Nga, chấp hành lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu.
III. Chiến sự ở Ukraine sẽ đi tới đâu
Sau một năm giao tranh giữa Nga và Ukraine, kể từ ngày 24/2/2023, Nga thừa nhận chưa đạt được những mục tiêu của “Chiến dịch quân sự đặc biệt”. Phía Ukraine cũng không giành lại được những phần đất mà Nga đã chiếm. Cả hai phía đều bị tổn thất nặng nề về người và của. Cho đến tháng 3/2023, chiến sự vẫn ở thế giằng co do tương quan lực lượng nhưng đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Ukraine, thực chất là cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ, EU, NATO. Đây là cuộc chiến tranh tổng hợp về chính trị, kinh tế và quân sự để triệt hạ nhau. Mỹ và phương Tây quyết tâm làm cho Nga thất bại ở Ukraine, chia sẻ nước Nga ra nhiều mảng, xóa bỏ hình ảnh nước Nga trên thế giới. Ngược lại, Nga quyết đạt được mục tiêu chiến lược ở Ukraine, làm sụp đổ vai trò một siêu cường của Mỹ vốn được thiết lập sau Chiến tranh Lạnh. Để đạt được mục tiêu của mình, cả Nga và Mỹ đều lao vào tiếp sức cho cuộc chiến.
Tổng thống Mỹ Biden đòi Nga phải rút quân, tuyên bố không để Nga thắng ở Ukraine và sẽ hỗ trợ Ukraine lấy lại phần đất mà Nga đã chiếm. Ông Biden đã bất ngờ đến Kiev (ngày 20/2/2023) gặp Tổng thống Ukraine Zelensky, sau đó đến Ba Lan gặp các nhà lãnh đạo 8 nước vùng Baltic. Ở hai quốc gia này, ông khẳng định ủng hộ Ukraine tới cùng để chiến thắng Nga, khích lệ tinh thần chống Nga của ông Zelensky. Tổng thống Biden quyết định viện trợ 400 triệu USD cho Kiev để mua vũ khí. Ông cũng kêu gọi các nước đồng minh viện trợ xe tăng, các loại vũ khí phòng thủ và tấn công cho Ukraine bao gồm các loại pháo và tên lửa tầm xa… Tổng thư ký NATO cũng nhắc lại những mục tiêu chống Nga và thúc đẩy các nước thành viên viện trợ xe tăng và pháo cho Ukraine. Nhiều nguyên thủ và chính trị gia các nước châu Âu đến thăm Kiev khích lệ tinh thần ông Zelensky quyết tâm chống Nga. Ông Zelensky cũng lên tiếng kêu gọi các nước phương Tây gửi vũ khí để Ukraine giành lại các vùng đất mà Nga đã chiếm. Đến nay, nhiều nước như Mỹ đã gửi xe tăng và tên lửa cho Ukraine, Anh, Ba Lan, Pháp, đặc biệt là Đức đã quyết định cung cấp cho Ukraine loại xe tăng hạng nặng Leopard 2 và hối thúc các nước thành viên cung cấp loại xe tăng này cho Ukraine. Bên cạnh đó, các nước G7, EU và Mỹ đã áp dụng lệnh trừng phạt thứ 10 đối với Nga, chặn mọi nguồn cung cấp các loại hàng hóa mà Nga phục vụ cho quốc phòng.
Trước sự chuẩn bị ráo riết của Mỹ và NATO về quân sự, các nhà quan sát tình hình cho rằng Ukraine sẽ mở đợt tấn công lớn vào quân Nga khi mùa đông kết thúc và khi đã nhận được xe tăng và các loại vũ khí hiện đại của Mỹ và NATO.
Về phía Nga liên tiếp đưa ra cảnh báo Mỹ và NATO chấm dứt viện trợ vũ khí cho Ukraine, coi đó là hành động châm ngòi, leo thang chiến tranh. Mặt khác, Nga cũng nhanh chóng tăng cường chỉ huy, quân tiếp viện, các loại vũ khí hiện đại bao gồm bộ binh, không quân, hải quân vào các mặt trận phía Đông và Nam Ukraine. Nga đang mở các cuộc tấn công phá vỡ phòng tuyến Bakhmut và tấn công tên lửa với cường độ lớn vào nhiều thành phố và các căn cứ quân sự, kho đạn của Ukraine, trong đó có vũ khí viện trợ của Mỹ và NATO.
Cuộc chiến ở Ukraine đã lộ rõ sự đối đầu giữa Nga với Mỹ – NATO, Ukraine là đội quân ủy nhiệm. Cả hai phía đều thể hiện quyết tâm giành thắng lợi bằng quân sự. Vì vậy, cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài và phụ thuộc vào các quyết định của các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga. Song điều có thể thấy trước là không bên nào giành được thắng lợi hoàn toàn và lịch sử cho thấy tất cả các cuộc chiến tranh đều kết thúc từ các cuộc đàm phán, trong đó các cường quốc đóng vai trò mang tính quyết định.
T.P