Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển ĐôngBiển Đông trong quan hệ Malaysia - TQ

Biển Đông trong quan hệ Malaysia – TQ

Bốn tháng sau khi nhậm chức (tháng 11/2022), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thăm Trung Quốc từ 28/3 đến 01/4/2023 nhằm thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc bằng cách tận dụng dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Malaysia trong năm nay, và kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm sau. Ông Anwar đã tham dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao hôm 28/3, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 4 ngày ở Trung Quốc.

Tại Bắc Kinh, Thủ tướng Anwar Ibrahim đã có cuộc hôị đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhằm tranh thủ thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Thủ tướng Anwar đã bày tỏ sự ủng hộ với các sáng kiến mà Trung Quốc nêu ra thời gian gần đây như: Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI), Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu (GCI); đạt được sự đồng thuận cùng nhau xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-Malaysia.

Với những kết quả kể trên, nhiều chuyên gia cho rằng quan hệ Malaysia- Trung Quốc nồng ấm, đặc biệt là hợp tác kinh tế phát triển mạnh, có thể được chứng kiến trong thời kỳ Anwar. Tuy nhiên, quan hệ Malaysia- Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều thách thức như: một là, “tâm lý bài Trung” do những người theo chủ nghĩa dân tộc Mã Lai dẫn dắt. Quan điểm của những người này lo ngại rằng đầu tư của Trung Quốc và Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) có thể làm suy yếu quyền lực chính trị của người Mã Lai. Thậm chí, các ý kiến còn lo sợ rằng đầu tư quá nhiều từ Trung Quốc sẽ củng cố địa vị chính trị của cộng đồng người Hoa ở Malaysia khiến Kuala Lumpur phải chịu sự chi phối của Trung Quốc; hai là, vấn đề Biển Đông luôn âm ỉ trong quan hệ 2 nước. Việc Trung Quốc hành động ngày càng độc đoán ở Biển Đông, xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích trên biển của Malaysia khiến phe đối lập ở nước này gây áp lực buộc chính quyền Kuala Lumpur phải có lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề hàng hải.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc nhiều lần cho các tàu hải cảnh, tàu dân quân biển, tàu khảo sát xâm nhập vùng biển của Malaysia; uy hiếp, ngăn cản các hoạt động dầu khí của Malaysia. Công ty dầu mỏ nhà nước Malaysia (Petronas) đang vận hành các mỏ dầu khí ở Biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Malaysia và đã có một số cuộc chạm trán với các tàu Trung Quốc. Tuy nhiên, Malaysia thường không công khai phản đối các tàu của Trung Quốc mà âm thầm kiên trì triển khai các hoạt động dầu khí của mình theo kế hoạch nhằm tránh đối đầu với Bắc Kinh.

Mỏ khí đốt Kasawari nằm ở ngoài khơi bang Sarawak, có trữ lượng ước tính 3 nghìn tỷ mét khối và dự kiến sẽ bắt đầu được đưa vào sản xuất trong năm 2023 này. Kasawari là 1 trong 19 dự án năng lượng mới được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao vị thế của Malaysia trong các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên. Theo một báo cáo của Fitch Solutions về ngành dầu khí của nước này, “việc triển khai thành công đường ống ngoài khơi theo kế hoạch sẽ đưa Malaysia trở thành một trong những quốc gia vượt trội ở châu Á về tăng trưởng sản xuất khí đốt trong vòng 3 đến 4 năm tới”.

Với tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế, mỏ khí đốt Kasawari được cho là mục tiêu của một số chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần cho tàu hải cảnh, tàu dân quân biển áp sát, đe dọa giàn khoan của Petronas hoạt động ở khu vực này, thậm chí điều cả máy bay tới hù dọa, gây căng thẳng trong quan hệ Malaysia-Trung Quốc. Ngày 1/6/2021, thời điểm giàn khoan vẫn đang được lắp ráp, người ta đã phát hiện 16 máy bay Trung Quốc “bay theo đội hình” ngoài khơi bờ biển Sarawak. Malaysia điều máy bay chiến đấu để theo sát các diễn biến, đồng thời Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein gửi thư phản đối Bắc Kinh về việc “xâm phạm không phận và chủ quyền của Malaysia”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận tính nghiêm trọng của vụ việc, gọi đây là “hoạt động huấn luyện thông thường”. Ông Hussein sau đó đã trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và nhấn mạnh “sự cần thiết của việc tự kiềm chế” ở Biển Đông.

Tháng 8/2022, Proofpoint, một công ty an ninh mạng hàng đầu có trụ sở tại California, đã công bố báo cáo về một hoạt động tin tặc bất thường ở Biển Đông. Theo báo cáo, chiến dịch này diễn ra từ tháng 3/2021-6/2022, nhằm vào các công ty năng lượng đang hoạt động tại mỏ khí đốt Kasawari. Các công ty liên quan đã nhận được thư điện tử chứa liên kết dẫn đến một trang web tin tức hợp pháp của Australia. Tuy nhiên, việc nhấn vào các liên kết đã kích hoạt phần mềm độc hại có tên ScanBox, giúp tin tặc kiểm soát một phần máy tính của nạn nhân, với khả năng theo dõi các lần gõ phím và hoạt động của trình duyệt. Có nguồn tin cho rằng vụ việc liên quan tới nhóm gián điệp mạng được gọi là TA423/Red Ladon hoặc APT40, có trụ sở tại Hải Nam, và có liên hệ với Bộ An ninh Quốc gia (MSS) Trung Quốc. Địa chỉ IP của Red Ladon có thể cung cấp manh mối nhất định.

Petronas từ chối bình luận về vụ việc, chỉ khẳng định công ty được bảo vệ trước các cuộc tấn công trực tuyến. Truyền thông Malaysia dường như cũng không để tâm tới sự kiện này. Giới quan sát cho rằng sự im lặng của Malaysia có thể phản ánh lập trường chính sách không đối đầu của nước này trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Emirza Adi Syailendra, nhà nghiên cứu về các vấn đề chiến lược, làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, cho rằng: “Lằn ranh đỏ của Malaysia là những can thiệp mang tính vật lý đối với các hoạt động khai thác của nước này. Hơn nữa, các cường quốc phương Tây như Mỹ và Australia không được khuyến khích tham gia các tranh cãi này”.

Vụ tin tặc tấn công kể trên diễn ra cùng với các hoạt động quấy rối của tàu hải cảnh và tàu dân quân biển của Trung Quốc. Proofpoint dự đoán các hành vi tương tự sẽ tiếp diễn chừng nào các công ty khai thác dầu khí còn hoạt động trong khu vực. Câu hỏi đặt ra là vì sao tin tặc lại nhắm đến các công ty nước ngoài tại Kasawari? Giới chuyên gia cho rằng với công nghệ 4.0 ngày càng phát triển, Băc Kinh giờ đây đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào chiến lược “vùng xám” nhằm thực hiện các mục tiêu của họ ở Biển Đông. Các tin tặc Trung Quốc nhắm vào các công ty hoạt động ở khu vực mỏ Kasawari bởi vai trò quan trọng của nó cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược.

Trong một phúc trình vào cuối tháng 3 vừa qua, Tổ chức nghiên cứu Mỹ – Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), cho biết một tàu hải cảnh của  Trung Quốc mang số hiệu 5901 trong suốt tháng qua đã hoạt động gần khu vực phát triển khí đốt Kasawari của Petronas ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia, và đã tiến gần đến 2,5 dặm của dự án. Một tàu hải quân Malaysia đã có mặt trong khu vực vào thời điểm đó. Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á còn cho biết Tàu hải cảnh 5901 là tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, hoạt động lần cuối tại mỏ khí Tuna Bloc của Indonesia và mỏ dầu khí Chim Sáo của Việt Nam. Cả Hải quân Malaysia và Petronas đều tránh bình luận về vấn đề này.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 3/4/2023 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói họ không biết về vụ việc cụ thể nhưng lại bao biện rằng lực lượng hải cảnh hoạt động trong phạm vi quyền tài phán của Trung Quốc và hành vi của họ là không thể chê trách. Trong bối cảnh các dự án năng lượng của Malaysia tại vùng biển mà Bắc Kinh có yêu sách chủ quyền phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã lên tiếng về những nội dung liên quan đến Biển Đông mà ông đã trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh vừa rồi.

Trong bài diễn văn hôm 4/3/2023 tại Phủ thủ tướng, Thủ tướng Anwar cho biết ông đã trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc về các dự án dầu khí của Malaysia ở Biển Đông. Theo đó, phía Trung Quốc lo ngại “Petronas tiến hành hoạt động quy mô tại khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền…”; đồng thời yêu cầu Malaysia đàm phán song phương để giải quyết vấn đề này. Đáp lại, Thủ tướng Anwar nhấn mạnh rằng khu vực đó là “lãnh thổ của Malaysia và vì vậy Petronas sẽ tiếp tục các hoạt động khai thác trong khu vực”; đồng thời nói rõ rằng “là một nước nhỏ cần tài nguyên dầu khí, chúng tôi (Malaysia) phải tiếp tục. Nhưng nếu điều kiện là phải có đàm phán thì chúng tôi sẵn sàng để đàm phán”.

Liên quan tới các hoạt động quấy phá của tàu hải cảnh Trung Quốc đối với hoạt động của Petronas mà tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thông tin, Thủ tướng Anwar nói rằng Trung Quốc tuyên bố các tàu thuyền nước này hoạt động trong vùng biển quốc tế. Ông khẳng định Bộ Ngoại giao Malaysia sẽ gửi phản đối ngoại giao nếu xảy ra đụng độ giữa tàu thuyền hai nước trong khu vực. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh bảo vệ “các quyền hợp pháp và lợi ích” ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4/4 cũng nói rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Malaysia để giải quyết các bất đồng tại Biển Đông thông qua đối thoại và tham vấn một cách phù hợp.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền khoảng 90% diện tích Biển Đông thông qua “đường chín đoạn” hình chữ U trên bản đồ lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của 5 quốc gia Đông Nam Á. Đường đó đã bị tuyên bố là không hợp lệ trong khuôn khổ phán quyết trọng tài quốc tế vào năm 2016, mà Bắc Kinh không công nhận. Trung Quốc không những không thực thi phán quyết mà còn gia tăng các hoạt động hung hăng gây hấn với các nước láng giềng ven Biển Đông và thúc ép các nước này đàm phán song phương để giải quyết vấn đề.

Giống nước láng giềng Philippines, Malaysia rất muốn tách các vấn đề liên quan đến Biển Đông khỏi mối quan hệ song phương rộng lớn hơn với Trung Quốc, với hy vọng rằng điều này sẽ không cản trở nhu cầu tăng cường quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, nhà phân tích chính sách đối ngoại Collins Chong Yew Keat, làm việc tại Đại học Malaya, cho rằng Malaysia nên tránh đàm phán song phương với Trung Quốc nhất là trong các vấn đề liên quan tới tuyến đường thủy đang tranh chấp – nơi trung chuyển ít nhất 3 nghìn tỷ USD hàng hóa hằng năm – vì Trung Quốc sẽ sử dụng tất cả đòn bẩy để đưa ra các điều khoản có lợi hơn cho nước này. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở Biển Đông và trong khu vực ngày càng quyết liệt, Malaysia đứng trước áp lực ngày càng tăng từ cả Bắc Kinh lẫn Washington trong việc chọn bên. Do vậy, mà chính quyền của Thủ tướng Anwar Ibrahim sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp tục cách tiếp cận cân bằng của mình. Biển Đông sẽ là một vấn đề nóng trong quan hệ Malaysia-Trung Quốc trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Anwar Ibrahim.

RELATED ARTICLES

Tin mới