Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCác lãnh đạo châu Âu thăm Trung Quốc – Những tính toán...

Các lãnh đạo châu Âu thăm Trung Quốc – Những tính toán của EU

Những ngày đầu tháng 4 này, việc các nhà lãnh đạo cấp cao châu Âu lần lượt đến thăm Trung Quốc khiến dư luận quốc tế đặc biệt chú ý.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Tây Ban Nha cuối tuần trước, ngay trong tuần này, Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Usuala Von Der Leyen sẽ đến thăm Trung Quốc và ngay sau đó sẽ là chuyến thăm của Cao ủy phụ trách Chính sách Đối ngoại EU – Josep Borrell đến Trung Quốc. Trong một động thái chưa được xác nhận, Thủ tướng Italia được cho là cũng đang chuẩn bị đến thăm Trung Quốc.

Quan hệ EU-Trung Quốc đang trở nên xa cách và khó khăn hơn

Quan hệ giữa EU và Trung Quốc đang trải qua giai đoạn sóng gió nhất trong khoảng 3 thập kỷ trở lại đây, bắt đầu bằng các thay đổi về nhận thức chiến lược của Liên minh châu Âu từ cuối năm 2019, khi khối này lần đầu tiên công khai xác định Trung Quốc là “đối thủ hệ thống”. Từ đó kéo theo các chính sách ngày càng cứng rắn hơn của EU với Trung Quốc, đỉnh điểm là việc EU lần đầu sau gần 3 thập kỷ tiến hành trừng phạt Trung Quốc vì vấn đề Tân Cương hồi tháng 2/2021.

Động thái đó của EU đã vấp phải các biện pháp trả đũa leo thang quyết liệt hơn từ phía Trung Quốc, khiến quan hệ song phương lao dốc trầm trọng và Hiệp định đầu tư đầy tham vọng mà hai bên đã đàm phán xong cũng bị đóng băng cho đến hiện nay.

Sau một giai đoạn không có động thái đáng kể nào để cải thiện quan hệ, đồng thời các tiếp xúc trực tiếp bị ngăn cách bởi các hạn chế đi lại thời COVID-19, các nhà lãnh đạo châu Âu hiện nay nhận thức được rằng, dù muốn hay không, họ cũng không thể hành động trên phạm vi toàn cầu mà không có sự tương tác với Trung Quốc, một siêu cường kinh tế trên thực tế đã trở thành một cực quyền lực không thể bỏ qua.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vừa diễn ra cách đây 10 ngày tại Brussels, mặc dù các chủ đề về Trung Quốc không có trong chương trình nghị sự nhưng các nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết, các lãnh đạo cấp cao châu Âu đã thảo luận rất nhiều về quan hệ với Trung Quốc, và quan điểm chiếm thế áp đảo là châu Âu không được “để mất Trung Quốc”.

“Để mất” ở đây theo nghĩa là khiến quan hệ với Trung Quốc đổ vỡ như quan hệ EU-Nga bởi sau khi đã đánh mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga, châu Âu không thể mất nốt mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Cường quốc châu Á là đối tác thương mại lớn nhất của khối này và đang đóng vai trò đôi khi mang tính sống còn với một số tập đoàn lớn của châu Âu vốn đang âm thầm chuẩn bị kịch bản di rời sản xuất khỏi châu Âu nếu châu lục này không cải thiện được năng lực cạnh tranh so với Mỹ và Trung Quốc.

Song song lĩnh vực kinh tế, châu Âu cũng muốn Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn giúp giải quyết xung đột tại Ukraine, do tầm ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc đối với Nga. Mặc dù hiện nay mức độ hoài nghi của châu Âu đối với bản kế hoạch hoà bình 12 điểm nhằm giải quyết xung đột Ukraine mà Trung Quốc công bố cuối tháng 02/2023 vẫn đang ở mức cao nhưng nhiều lãnh đạo châu Âu cũng đã công khai cho rằng cần thảo luận trực tiếp với các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc để tìm hiểu kỹ hơn các đề xuất này.

Trong chuyến thăm đến Trung Quốc tuần trước, Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky còn Cao uỷ phụ trách đối ngoại và an ninh của EU, Josep Borrell cuối tuần qua cũng thừa nhận “Trung Quốc có khả năng tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc giải quyết xung đột Ukraine”, dù vẫn chưa tin tưởng vai trò trung gian hoà giải của Trung Quốc.

Về tổng thể, các chuyến đi của ông Macron, bà Ursula von der Leyen, ông Josep Borrell hay nhiều lãnh đạo khác của EU tới Trung Quốc sẽ giúp giới lãnh đạo châu Âu hiểu rõ hơn ý định thực sự cũng như năng lực hành động của Trung Quốc đối với xung đột tại Ukraine.

Dù có thể các cuộc tiếp xúc cấp cao này không mang lại kết quả kỳ vọng nhưng ít nhất châu Âu cũng có thể phần nào ngăn được kịch bản mà khối này lo sợ nhất, đó là Trung Quốc trợ giúp toàn diện cho Nga về mặt quân sự.

Về chiến lược lâu dài hơn, các chuyến đi đến Trung Quốc của nhiều lãnh đạo cấp cao châu Âu cũng nằm trong nhận thức của khối này, đó là muốn xây dựng một “con đường thứ 3”, vừa hợp tác vừa cạnh tranh với Trung Quốc, chứ không đi theo hướng đối đầu toàn diện như Mỹ.

Vị thế mới của Trung Quốc?

Quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu đã có nhiều thay đổi kể từ năm 2019, sau khi Liên minh châu Âu (EU) theo đuổi chính sách coi Trung Quốc là đối tác trong các vấn đề toàn cầu lớn như thương mại, biến đổi khí hậu, nhưng lại là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ cao, cũng như đối thủ mang tính hệ thống đối với nền dân chủ ở châu Âu.

Sau khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, mối quan hệ này tiếp tục gặp phải không ít khó khăn và trở ngại. Tuy nhiên, một Trung Quốc hùng mạnh và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế luôn là chủ đề mà châu Âu không thể bỏ qua tại nhiều chương trình nghị sự nội khối quan trọng.

Sau hai kỳ họp thường niên tổ chức hồi đầu tháng 3 với việc Trung Quốc bầu ra ban lãnh đạo mới, đặc biệt sau chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra ngay sau khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ 3 không lâu, lãnh đạo châu Âu dường như càng muốn sớm gặp lãnh đạo của Trung Quốc, một mặt nhằm củng cố quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, mặt khác tìm hiểu kỹ hơn lập trường của Bắc Kinh đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Mặc dù trong các bản tin về chuyến thăm vừa kết thúc của Thủ tướng Tây Ban Nha, quốc gia sẽ trở thành Chủ tịch luân phiên của EU vào 6 tháng cuối năm nay, truyền thông nhà nước Trung Quốc không hề đề cập đến vấn đề này trong các cuộc hội kiến, hội đàm giữa hai bên, song châu Âu đều thấy rõ một thực tế rằng Ukraine không hoàn toàn bác bỏ lập trường 12 điểm về kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh.

Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cả thế giới, đặc biệt là châu Âu đều đang chờ xem liệu sắp tới Chủ tịch Tập Cận Bình có đối thoại với Tổng thống Zelensky hay không.

Thực tế cho thấy, việc châu Âu tiếp tục chỉ trích, thậm chí bác bỏ kế hoạch hòa bình của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine có thể sẽ càng đẩy Bắc Kinh và Moskva đến gần nhau hơn, cũng không đem lại lợi ích gì cho EU.

Hơn thế, việc Trung Quốc thành công trong nỗ lực làm trung gian giúp Iran và Arab Saudi nối lại quan hệ mới đây đang khiến vị thế “người kiến tạo hòa bình” và khả năng hòa giải của Bắc Kinh trong cuộc xung đột này được nâng lên.

Mặc dù vậy, do nhận thức được những tranh cãi và bất đồng đối với lập trường 12 điểm trong nội bộ châu Âu, trong phát biểu mới nhất, hôm 30/3, Trưởng phái đoàn Trung Quốc tại EU Phó Thông đã nhấn mạnh, quan hệ Trung Quốc-EU là đa chiều, không thể chỉ nhìn mối quan hệ này từ góc độ của cuộc khủng hoảng Ukraine, do vậy không nên ràng buộc quan hệ giữa hai bên với cuộc xung đột này.

Ông Phó Thông cũng khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng cùng EU chung tay thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Ukraine.

Những rạn nứt nội bộ EU

Về tổng thể, giới lãnh đạo hiện nay tại châu Âu đã cứng rắn hơn với Trung Quốc, đặc biệt là Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, một người mang các quan điểm có thể nói là tương đối “diều hâu” trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, trong quan hệ với Trung Quốc, các cường quốc châu Âu, đặc biệt là Đức, có các lợi ích khác biệt rất lớn so với các nước ở Đông Âu hay Baltic.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất với những tập đoàn hàng đầu của Đức trong lĩnh vực ô tô, hoá chất, chế tạo máy… nên hồi đầu tháng 11/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã một mình đến thăm Trung Quốc, bất chấp các chỉ trích từ đồng minh châu Âu cũng như lời đề nghị đi cùng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trên nguyên tắc, châu Âu luôn công khai tuyên bố sẽ bảo vệ lợi ích tập thể của khối, sẽ bảo vệ các nước thành viên khỏi các chính sách cưỡng ép và bắt nạt từ bên ngoài nhưng trên thực tế, sẽ rất khó có việc một cường quốc trong khối hy sinh các lợi ích kinh tế hàng chục tỷ euro của chính mình chỉ để bảo vệ một thành viên khác chỉ vì thành viên đó gây hấn về đối ngoại với Trung Quốc về một chủ đề không có tính sống còn.

Mâu thuẫn giữa Litva và Trung Quốc xung quanh vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) thời gian qua là một ví dụ cho thấy EU phải vất vả thế nào trong việc cân bằng được lợi ích của tất cả các thành viên trong quan hệ với Trung Quốc. Vấn đề ở đây là lựa chọn của châu Âu: châu Âu không thể hy vọng vừa thu được lợi ích kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc, vừa có thể thoải mái theo đuổi các chính sách đối ngoại mà Trung Quốc xem là thù địch với nước này mà không bị trả đũa. Đó là điều phi thực tế trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là khi cán cân sức mạnh giữa hai bên thay đổi.

Ngoài ra, cần phải nhìn nhận khách quan rằng từ nhiều năm qua, trong bản thân nội bộ EU đã luôn có sự chia rẽ lớn giữa nhóm các nước Đông Âu-Baltic với nhóm các quốc gia Tây Âu, từ khủng hoảng tị nạn 2015 đến cách tiếp cận trong quan hệ với Nga hay các tham vọng xây dựng năng lực tự chủ chiến lược của EU.

Cuộc xung đột tại Ukraine đang âm thầm thay đổi cán cân quyền lực tại châu Âu, khi nhóm các nước Đông Âu, mà dẫn đầu là Ba Lan, đang có vai trò ngày càng lớn hơn, có “giá trị” hơn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Đây cũng là các nhóm nước theo đuổi gần như hoàn toàn đường lối đối ngoại và an ninh của Mỹ, khác với nhóm các nước Pháp-Đức-Italy… vẫn đang nuôi tham vọng có một sự tự chủ nhất định để bảo vệ lợi ích tiên quyết của châu Âu.

Vì thế, không chỉ trong quan hệ với Trung Quốc mà còn với rất nhiều chủ đề khác, sẽ luôn có một sự rạn nứt giữa hai nhóm nước này trong nội bộ EU nên đó cũng là lí do của rất nhiều thảo luận vài năm qua tại EU về việc cải tổ các Hiệp ước trụ cột của khối nhằm xây dựng một EU mới với nhiều tốc độ khác nhau, tức nhiều vòng tròn lợi ích khác nhau.

Vẫn còn quá sớm để khẳng định các kết quả đạt được của những chuyến thăm này. Nhưng có thể thấy rằng các động thái đang diễn ra phản ánh một sự dịch chuyển mới trong quan hệ EU-Trung Quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới