Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLàm gì để vượt qua thách thức kinh tế?

Làm gì để vượt qua thách thức kinh tế?

Trong quý I năm nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 3,32%, đây là một mức tăng rất thấp trong điều kiện bình thường.

Tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32% trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái.

Lưu ý rằng, mức tăng trưởng này trên cơ sở nền thấp của quý I/2022 khi nền kinh tế vẫn đang chịu tác động bởi các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội. Qua đó cho thấy, điều kiện kinh tế trong 3 tháng đầu năm nay đang rất khó khăn.

Nhìn vào từng khu vực, tăng trưởng GDP giai đoạn đầu năm nay chủ yếu đến từ dịch vụ (tăng trưởng gần 6,8%), nông nghiệp đã tăng trưởng chậm lại so với năm ngoái nhưng vẫn đạt được con số tương đối tích cực trong bối cảnh hiện nay. Riêng khu vực công nghiệp, trong đó có những ngành tăng trưởng âm như sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất, phân phối điện nước, thể hiện hoạt động sản xuất đang đi xuống.

GDP tăng trưởng 3,32% song không phải mọi hàng hóa sản xuất trong nền kinh tế đều được tiêu thụ hết, thể hiện qua con số tồn kho cuối quý I năm nay tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy là chúng ta đang tăng trưởng thấp trong điều kiện tồn kho cao.

Tình hình doanh nghiệp thành lập/giải thể cũng cho thấy điều tương tự. Số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể tăng lên rất mạnh, trong khi doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động lại thấp hơn, phần nào cũng cho thấy các doanh nghiệp đang phải đương đầu với những khó khăn khốc liệt. Việc doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay trở lại giảm sút, hay doanh nghiệp rời bỏ thị trường, tạm dừng hoạt động tăng cao rõ ràng đang phát đi những tín hiệu không như chúng ta mong chờ.

Với các số liệu như vậy, rất khó để nói rằng tình hình tăng trưởng trong hiện tại hay quý tới là tươi sáng nếu không có các giải pháp kịp thời.

Nhìn về phía cầu, tăng trưởng GDP đến một phần từ tiêu dùng dịch vụ. Nếu như năm ngoái còn phải ứng phó với dịch Covid thì năm nay tiêu dùng bùng nổ. Các đơn vị hoạt động liên quan đến nhà hàng, lưu trú, du lịch đạt được tăng trưởng hai con số (ngành này tăng đến 26%).

Tuy nhiên, mức tăng trưởng ấn tượng đó chủ yếu diễn ra vào tháng 1 và 2, đến tháng 3 thì đã chậm lại. Trong bối cảnh thu nhập người dân giảm sút, lãi suất tăng cao và tín dụng thắt chặt, kinh tế khó khăn thì người dân sẽ cắt giảm chi tiêu. Do đó, sự bùng nổ vừa qua chỉ là tạm thời và chủ yếu dựa trên nền thấp của năm ngoái.

Đối với lĩnh vực đầu tư, khu vực công đang gánh cho khu vực tư nhân và nước ngoài. Đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) tăng khoảng 18%, trong khi đầu tư từ khu vực tư chỉ tăng khoảng 1,8% còn đầu tư nước ngoài thậm chí giảm 1,1%. Đầu tư từ NSNN đang là bệ đỡ cho 2 khu vực còn lại.

Tình trạng ảm đạm cũng diễn ra tại lĩnh vực thương mại. Giá trị nhập khẩu quý I năm nay giảm khoảng 12% so với quý I năm ngoái. Cầu xuất khẩu đang giảm sút do tiến trình thắt chặt tiền tệ ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU khi người dân những khu vực này cắt giảm những khoản chi tiêu không thiết yếu.

Do vậy, nếu nhìn kỹ vào xuất khẩu Việt Nam chủ yếu tươi sáng ở một số mặt hàng nông sản do thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, còn những hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu như dệt may, giày dép, máy tính, linh kiện, điện thoại… đang giảm sút rất mạnh. Bên cạnh đó, cầu vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng cũng đang suy yếu.

Nhìn chung, nền kinh tế đang yếu cả về phía cầu lẫn sản xuất.

Nhiều “đầu tàu” hụt hơi, vì sao?

Xét tăng trưởng theo địa bàn (GRDP), những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong quý I phần lớn là những địa phương phụ thuộc nhiều và FDI. Phía Bắc có Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Phía Nam có Bà Rịa Vũng Tàu, TPHCM, Bình Dương. Doanh nghiệp FDI hướng đến thị trường xuất khẩu, nên khi thị trường xuất khẩu có vấn đề thì họ cũng sẽ bị ảnh hưởng ngay.

Ngoài ra, những tỉnh phụ thuộc nhiều vào bất động sản, trong đó có TPHCM, Quảng Nam cũng chịu ảnh hưởng, tăng trưởng thấp.

Ngược lại, những tỉnh có tỉ trọng ngành dịch vụ cao hơn hoặc tăng trưởng dựa vào nông nghiệp thì có thể ít bị ảnh hưởng hơn so với những địa phương khác. Rõ ràng, cơ cấu kinh tế Việt Nam khi phụ thuộc nhiều vào FDI thì sẽ khó tránh khỏi bị tác động nếu thị trường quốc tế gặp vấn đề.

Do vậy, triển vọng hồi phục của nền kinh tế, ngoài giải quyết những vấn đề nội tại trong nước thì còn phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, vào nền kinh tế của những thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, phụ thuộc vào việc các quốc gia này khi nào dừng tiến trình thắt chặt tiền tệ, kinh tế của họ suy thoái hay là sẽ hồi phục trở lại…

Cùng với sự sụt giảm của xuất khẩu là sự sụt giảm của dòng vốn FDI. Số lượng dự án FDI mới đăng ký những năm qua nhìn chung rất nhỏ, số lượng vốn đăng ký mới thấp, tuy nhiên giải ngân tương đối ổn định, chủ yếu là nhờ sự mở rộng của các doanh nghiệp đã có còn số lượng nhà đầu tư mới thấp hơn hẳn so với những năm trước.

Lực đẩy chính sách tiền tệ – tài khóa

Với tình hình như hiện tại, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là rất thách thức. Thực tế thì khó khăn đã bộc lộ từ quý III, quý IV/2022. Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng có thể được cải thiện nếu chúng ta giải quyết được những vấn đề nội tại trước, ngoài việc phụ thuộc vào biến động bên ngoài.

Việc tháo gỡ khó khăn trong nước cần thời gian và hiệu quả của các chính sách. Chính sách tiền tệ thường có độ trễ. Giảm lãi suất điều hành và huy động hôm nay thì phải mất 1-2 quý mới “ngấm” vào nền kinh tế, mới tác động vào hành vi người tiêu dùng và đầu tư của doanh nghiệp. Không thể kỳ vọng nay giảm lãi suất thì mai doanh nghiệp và người dân sẽ đầu tư ngay.

Với mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn ở mức cao, rõ ràng là vẫn chưa thể kích thích được hành vi đầu tư, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Chỉ khi nào lãi suất xuống đủ thấp thì nhu cầu đầu tư, tiêu dùng mới trở lại. Điều này mất thời gian, bởi các ngân hàng thương mại thời gian qua huy động với lãi suất rất cao thì cần thời gian để hạ chi phí đầu vào rồi dần dần mới hạ lãi suất đầu ra. Do vậy, chưa thể kỳ vọng là hiệu quả của chính sách tiền tệ sẽ có tác động ngay đến nền kinh tế.

Lạm phát có thể không phải là vấn đề quá lớn đối với chính sách tiền tệ trong năm nay. Lý do đơn giản là khi thu nhập và tài sản của người dân bị sụt giảm, lãi suất neo ở mức cao, các thị trường tài sản đóng băng, hàng hóa xuất khẩu sụt giảm, kết hợp với giá các nguyên vật liệu trên thị trường thế giới chững lại, thì sức cầu tiêu dùng và đầu tư sẽ yếu, sức ép lạm phát sẽ giảm theo. Tất nhiên, sức ép lạm phát vẫn có thể xuất hiện khi giá điện và tiền lương cơ bản được điều chỉnh tăng, tuy nhiên theo tôi đó không phải là vấn đề lớn trong điều kiện hiện nay.

Mọi chính sách đều có sự đánh đổi, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì phải chấp nhận rủi ro lạm phát tăng lên trong mức độ nào đó, phải chấp nhận đồng VND có thể mất giá so với một số đồng tiền khác. Tuy nhiên, cân nhắc lợi ích hiện nay thì có lẽ chính sách tiền tệ sẽ phải cần theo hướng nới lỏng, hạ thêm lãi suất.

Hơn nữa, khi nói đến sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát, nếu lãi suất ở vùng thấp (lãi suất huy động dài hạn dưới 7%) thì nên ưu tiên tăng lãi suất hơn vì lúc đó cái giá phải trả đối với tăng trưởng là nhỏ.

Còn lúc này, lãi suất ở nền cao thì phải ưu tiên cắt giảm lãi suất hơn so với việc bảo vệ tỉ giá. Hiện nay, dòng vốn trên thị trường trái phiếu đang tắc nghẽn, khả năng huy động trên thị trường cổ phiếu cũng rất khó khăn, nên doanh nghiệp càng phụ thuộc nhiều hơn vào kênh tín dụng. Quan trọng hơn, khi lãi suất hạ, thị trường tài sản ấm lên, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư sẽ tăng trở lại, tạo nên động lực từ phía cầu, kéo doanh nghiệp trở lại sản xuất. Việc hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong tháng Ba vừa qua là một hành động đúng đắn, và có thể mạnh dạn hạ tiếp khi các điều kiện cho phép.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh tháo gỡ những ách tắc liên quan đến thị trường vốn (trái phiếu, cổ phiếu), tiếp tục khơi thông thị trường bất động sản, tăng tốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, giảm thuế phí để hỗ trợ nền kinh tế…

Chính sách tài khóa trong một vài năm vừa qua có xu hướng thắt chặt: Thu NSNN tăng nhanh hơn chi, vốn đầu tư công giải ngân chậm. Trong thời kì kinh tế khó khăn, chính sách tài khóa phải đóng vai trò quan trọng hơn, phải có tính nghịch chu kỳ để bình ổn nền kinh tế, vì đặc điểm của chính sách tài khóa là khi thực thi không có độ trễ như chính sách tiền tệ. Chính phủ giải ngân tới đâu thì sẽ ngấm ngay vào nền kinh tế tới đó. Việc giảm thuế phí tới đâu thì sẽ kích thích ngay hành vi tiêu dùng và đầu tư tới đấy.

Chi tiêu công và giảm thuế cần phải được đẩy mạnh để hỗ trợ cho nền kinh tế. Rủi ro gây lạm phát khi dùng chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế hiện nay cũng là nhỏ hơn so với chính sách tiền tệ.

Tóm lại, mục tiêu tăng trưởng quý II vẫn gặp nhiều khó khăn. Nếu như giải tốt bài toán chính sách và môi trường kinh doanh ở trong nước, kết hợp với tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục vào quý III, quý IV khi các ngân hàng trung ương lớn dừng thắt chặt hoặc đảo chiều chính sách, thì triển vọng tăng trưởng của Việt Nam sẽ tích cực hơn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới