Friday, November 15, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐường đi của hơn 170 tỉ hối lộ trong vụ 'chuyến bay...

Đường đi của hơn 170 tỉ hối lộ trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’

21 cán bộ trong vụ “chuyến bay giải cứu” bị cáo buộc nhận hối lộ tổng cộng hơn 170 tỉ đồng. Để có tiền “bôi trơn”, các doanh nghiệp đã tăng chi phí tổ chức chuyến bay và thiệt hại cuối cùng là người dân.

Công dân Việt Nam về nước trên các chuyến bay trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát


Trong số 54 bị can bị đề nghị truy tố vụ “chuyến bay giải cứu”, 21 người bị cáo buộc phạm tội nhận hối lộ, với tổng số tiền lên tới hơn 170 tỉ đồng. Họ là cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc hầu hết các bộ, ngành được phân công tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Nhận hối lộ ở mọi khâu
Theo quy trình, muốn tổ chức chuyến bay, đầu tiên doanh nghiệp (DN) phải xin chủ trương cách ly của UBND cấp tỉnh. Sau khi tỉnh đồng ý, DN gửi hồ sơ cho Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) để đơn vị này đánh giá năng lực, đề xuất Bộ Ngoại giao phê duyệt tần suất, số lượng chuyến bay.

Tiếp đó, Bộ Ngoại giao tổng hợp đề xuất, dự thảo kế hoạch bay, lấy ý kiến bằng văn bản của tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Y tế, GTVT, Công an, Quốc phòng), trình lãnh đạo

Chính phủ phê duyệt chuyến bay (từ tháng 4.2021, tổ này được quyền quyết định mà không cần báo cáo lãnh đạo Chính phủ). Cuối cùng, Cục Lãnh sự thông báo cho DN và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Trên thực tế, việc đưa, nhận hối lộ đã xảy ra ở tất cả các khâu vừa nêu.

Ngay từ giai đoạn xin chủ trương cách ly, một số DN đã chủ động tiếp cận lãnh đạo UBND các tỉnh thành, trong đó có Hà Nội và Quảng Nam. Những người có thẩm quyền ở 2 địa phương này là ông Chử Xuân Dũng (cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội) và Trần Văn Tân (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) lần lượt nhận hối lộ hơn 2,05 tỉ và 5 tỉ đồng, để ký văn bản chấp thuận cho DN “đi đêm” đưa công dân về cách ly.

“Chốt chặn” tiếp theo là Cục Lãnh sự. Đơn vị này có tới 4 người bị đề nghị truy tố, gồm cả cục trưởng và cục phó, với tổng số tiền nhận hối lộ gần 40 tỉ đồng. Các bị can lợi dụng quyền hạn để tạo thành nhóm lợi ích khi thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, đề xuất chuyến bay. DN muốn lọt vào danh sách phải gặp gỡ, chi tiền “bôi trơn”, nếu không sẽ bị gây khó dễ bằng nhiều cách khác nhau.

Trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, dù dịch bệnh Covid-19 đang đe dọa tính mạng người dân và nhu cầu được về nước là rất lớn, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan chỉ tiếp xúc với những DN lớn hoặc DN có mối quan hệ với lãnh đạo các cấp; không tiếp xúc DN nhỏ hoặc không thân quen, qua đó nhận hối lộ hơn 25 tỉ đồng. Đáng chú ý, tham gia vào đường dây tiêu cực còn có cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, khi nhận 21,5 tỉ đồng của nhiều DN để chỉ đạo cấp dưới tại Cục Lãnh sự ưu tiên giải quyết thủ tục.

Cùng với việc xin cấp phép, DN liên hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài để nhờ hỗ trợ tổ chức chuyến bay. Thay vì thực hiện đúng, kịp thời nhiệm vụ bảo hộ công dân, một số cá nhân tại các cơ quan này đưa ra yêu sách, buộc DN phải thêm một lần “bôi trơn”.

Tại Nhật Bản và Angola, đại sứ và tổng lãnh sự đề nghị DN chia phần lợi nhuận thu được từ việc tổ chức chuyến bay. Tại Malaysia, khi tổ chức “chuyến bay giải cứu” đưa công dân Việt Nam là những người mãn hạn tù ở nước sở tại về nước, lãnh đạo và cán bộ Đại sứ quán thống nhất thu chi phí cao hơn quy định để dùng một phần chia nhau, gây thiệt hại hơn 11,6 tỉ đồng. Tại Nga, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán nhận tiền của các đối tượng môi giới để đưa vào danh sách đưa học sinh, sinh viên về nước.

Trực tiếp yêu cầu DN chi tiền, nếu không sẽ bị gây khó
Việc chung chi chưa dừng lại khi các DN tiếp tục phải “bôi trơn” thêm nhiều chục tỉ đồng cho loạt cán bộ tại các bộ, ngành có liên quan đến công tác tổ chức chuyến bay.

Trong số này, Cục Y tế dự phòng được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận, xem xét, cho ý kiến về việc phê duyệt hoặc không phê duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao. Bị can Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) là người trực tiếp tiếp nhận, trình lãnh đạo ký văn bản trả lời nội dung trên. Lợi dụng nhiệm vụ, bị can Kiên gợi ý, yêu cầu các DN và cá nhân phải chi tiền thì mới được Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay và trả lời kịp thời văn bản. Kết quả, Kiên nhận hối lộ hơn 250 lần với tổng số gần 43 tỉ đồng, cũng là người bị cáo buộc nhận nhiều tiền nhất trong vụ án.

Tương tự, Bộ GTVT cũng là một trong những cơ quan cho ý kiến về việc có phê duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay, đồng thời còn cấp phép cho các chuyến bay. Để sớm có công văn trả lời của Bộ GTVT và được cấp phép bay vượt số lượng, nhiều DN đã tìm đến 2 bị can Vũ Hồng Quang (cựu cán bộ Cục Hàng không) và Ngô Quang Tuấn (cựu chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế) chi hối lộ lần lượt 1,9 và 1,7 tỉ đồng.

Còn tại Bộ Công an, Cục Quản lý xuất nhập cảnh là đơn vị được ủy quyền xem xét, đề xuất cho ý kiến đối với các chuyến bay. Quá trình thi hành công vụ, ông Trần Văn Dự (cựu Phó cục trưởng) cùng 2 cán bộ Vũ Anh Tuấn và Vũ Sỹ Cường chịu trách nhiệm khi nhận hối lộ tổng cộng hơn 44 tỉ đồng. Thủ đoạn phạm tội trắng trợn khi Tuấn trực tiếp liên hệ, yêu cầu DN phải chi tiền để chấp thuận chuyến bay, nếu không chi sẽ bị gây khó bằng việc Cục Quản lý xuất nhập cảnh không chấp thuận hoặc trả lời sát ngày bay.

Không những thế, Tuấn còn phối hợp với bị can Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) trong việc chỉ dẫn cho DN chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế trả lời nhanh. Thậm chí, nhiều trường hợp Tuấn trực tiếp nhận tiền hối lộ của DN hoặc chỉ đạo Cường nhận tiền hối lộ mà không báo cáo cấp trên là ông Dự.

Một đầu mối khác “khép kín” quá trình đưa, nhận hối lộ là tại Văn phòng Chính phủ. Theo quy chế làm việc, đây là đơn vị tập hợp, tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, một số cá nhân tại đơn vị này đã nhận gần 10 tỉ đồng của nhiều DN để đề xuất thẳng lên lãnh đạo Chính phủ chủ trương cấp phép chuyến bay, bỏ qua quy trình giám sát, đề xuất của tổ công tác 5 bộ. Trong đó, bị can Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng thường trực, bị cáo buộc nhận hơn 4,2 tỉ đồng.

Với việc phải “bôi trơn” ở rất nhiều khâu, các DN buộc phải nâng giá vé máy bay và các khoản chi phí phát sinh để có nguồn tiền “đi đêm” mà vẫn bảo đảm lợi nhuận, dẫn tới số tiền mà công dân phải bỏ ra để có thể về nước bị đội lên rất lớn. Họ chính là những người bị thiệt hại cuối cùng và nặng nhất trong vụ án này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới