Điện Elysee cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã nhất trí sẽ thuyết phục Trung Quốc tham gia thúc đẩy sớm chấm dứt chiến sự Ukraine.
Ngày 5-4, hai nhà lãnh đạo châu Âu là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đến Trung Quốc nhằm “khởi động lại” mối quan hệ với đối tác kinh tế quan trọng này và thuyết phục Bắc Kinh về vấn đề Ukraine.
“Hai nhà lãnh đạo (Pháp, Mỹ) đã đề cập đến việc sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy kết thúc chiến sự ở Ukraine và tham gia xây dựng hòa bình bền vững trong khu vực”, văn phòng của ông Macron tuyên bố ngày 4-4.
Tổng thống Pháp thăm Trung Quốc từ 5 đến 7-4. Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến hội đàm với Tổng thống Macron về lộ trình cho quan hệ song phương.
“Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng tác động ngay lập tức và triệt để vào cuộc xung đột (Ukraine), theo hướng này hay hướng khác”, tờ Guardian dẫn lời một quan chức từ Văn phòng tổng thống Pháp nói gần đây.
Theo Paris, Trung Quốc có thể là một “nhân tố thay đổi cuộc chơi” đối với chiến sự Ukraine: có thể xoay chuyển cán cân theo hướng tích cực thông qua thúc đẩy đối thoại về các điều kiện để chấm dứt xung đột, hoặc theo hướng tiêu cực nếu Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ và cung cấp vũ khí cho Nga.
Đi cùng ông Macron, bà Von der Leyen cũng muốn thuyết phục Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng đối với Nga để mang lại hòa bình ở Ukraine, hoặc ít nhất là ngăn Bắc Kinh hỗ trợ trực tiếp cho Matxcơva.
“Cả hai (ông Macron và bà Von der Leyen) không chỉ có quan tâm thương mại mà còn cả vấn đề Ukraine. Tôi chắc chắn rằng đó sẽ không phải là một chuyến thăm dễ dàng”, Hãng tin Reuters dẫn lời ông Joerg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, nhận định.
Trung Quốc từng đề xuất một giải pháp chính trị gồm 12 điểm cho cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó kêu gọi cả hai bên đồng ý giảm leo thang dần dần dẫn đến ngừng bắn toàn diện.
Nhưng kế hoạch này phần lớn bị phương Tây bác bỏ do Trung Quốc từ chối lên án Nga. Căng thẳng leo thang khi Mỹ và liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tố Trung Quốc đang cân nhắc gửi vũ khí cho Nga nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ.
Cách tiếp cận khác
Theo quan chức Văn phòng tổng thống Pháp, ông Macron sẽ đưa ra “lộ trình khác” thay vì giọng điệu đối đầu trực tiếp thường thấy của Mỹ.
Mục tiêu của ông Macron là duy trì và tái cân bằng quan hệ thương mại của Trung Quốc với châu Âu cũng như bảo vệ lợi ích của Pháp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi Paris coi mình là một bên có liên quan do có các lãnh thổ hải ngoại và triển khai quân sự tại đây.
Bà Von der Leyen cũng gửi thông điệp rằng châu Âu phải giảm các rủi ro trong quan hệ với Trung Quốc, trong đó có việc khu vực này đang tìm cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ nhạy cảm và giảm phụ thuộc nhập khẩu các hàng hóa quan trọng như khoáng sản, tấm pin năng lượng mặt trời…
T.P