Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao nhiều quốc gia 'cấm cửa' Tiktok?

Vì sao nhiều quốc gia ‘cấm cửa’ Tiktok?

Hôm 4/4, chính phủ Úc cho biết họ sẽ xóa TikTok khỏi tất cả các thiết bị do chính phủ liên bang sở hữu, động thái được đưa ra sau khi nhiều quốc gia khác ở phương Tây cấm ứng dụng video đến từ Trung Quốc do lo ngại về vấn đề bảo mật.

TikTok đã bị cấm ở một số quốc gia.

Lệnh cấm nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng tăng rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance Ltd, để thu thập dữ liệu của người dùng nhằm thúc đẩy một số mục đích chính trị, làm suy yếu lợi ích an ninh của phương Tây.

Bộ trưởng Tư pháp Mark Dreyfus cho biết trong một tuyên bố rằng lệnh cấm sẽ có hiệu lực “ngay khi có thể”, đồng thời cho biết thêm rằng miễn trừ sẽ chỉ được áp dụng trên cơ sở từng trường hợp cụ thể và có các biện pháp an ninh thích hợp.

Với lệnh cấm của Úc, tất cả các thành viên của mạng chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes – bao gồm Úc, Canada, Mỹ, Anh và New Zealand – đã cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị của chính phủ. Pháp, Bỉ và Ủy ban châu Âu cũng công bố các lệnh cấm tương tự.

Tờ báo Úc vào cuối ngày 3/4 đưa tin Thủ tướng Anthony Albanese đã đồng ý với lệnh cấm sử dụng TikTok trên toàn chính phủ sau khi Bộ Nội vụ hoàn thành đánh giá.

TikTok và văn phòng thủ tướng không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.

Bang Victoria cũng sẽ cấm ứng dụng video trên điện thoại của chính phủ, tờ The Age đưa tin, trích lời một quan chức chính phủ bang.

Tổng giám đốc Tiktok ở nước Úc, ông Lee Hunter được The Age trích dẫn nói rằng công ty rất thất vọng khi biết về lệnh cấm thông qua các phương tiện truyền thông “mặc dù chúng tôi đã nhiều lần đề nghị tham gia cùng chính phủ để xây dựng một chính sách hợp lý”.

“Chúng tôi nhấn mạnh rằng không có bằng chứng nào cho thấy TikTok là một rủi ro bảo mật đối với người Úc theo bất kỳ cách nào và TikTok không nên bị đối xử khác biệt với các nền tảng truyền thông xã hội khác,” ông nói.

Nhiều quốc gia ‘cấm cửa’ TikTok

Trước Úc, Pháp đã cấm TikTok trên điện thoại của nhân viên chính phủ vì lo ngại về các biện pháp bảo mật dữ liệu không đủ. Bộ Chuyển đổi Khu vực Công và Dịch vụ Dân sự đã viết trên Twitter vào thứ Sáu (24/3) rằng lệnh cấm sẽ có hiệu lực ngay lập tức.

“Để đảm bảo an ninh mạng cho các cơ quan hành chính và công chức của chúng tôi, chính phủ đã quyết định cấm các ứng dụng giải trí như TikTok trên điện thoại của công chức”, Bộ trưởng Stanislas Guerini cho biết.

Gã khổng lồ truyền thông xã hội toàn cầu đã bị nhiều chính phủ trên toàn thế giới chỉ trích và chất vấn, bao gồm cả chính phủ ở Mỹ và Vương quốc Anh.

Ứng dụng chia sẻ video, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, bị cấm trên điện thoại của Chính phủ Vương quốc Anh vì lý do bảo mật. Bộ trưởng An ninh Tom Tugendhat đã nói với Sky News rằng ông đã yêu cầu Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia (NCSC) xem xét ứng dụng này. Ông nói rằng việc giữ cho “các quy trình ngoại giao tự do và an toàn” của Vương quốc Anh là “hoàn toàn cần thiết”.

Các nhà lập pháp Mỹ đã xác nhận trong tuần này rằng họ đang xúc tiến kế hoạch cấm ứng dụng trên toàn quốc, khiến người dùng, bao gồm cả Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, sử dụng ứng dụng để phản đối lệnh cấm được đề xuất.

Trong nhiều năm, các quan chức Mỹ đã đưa ra quan ngại rằng dữ liệu từ ứng dụng phổ biến này có thể rơi vào tay chính phủ Trung Quốc.

Luật pháp Mỹ sẽ trao cho bộ thương mại Mỹ quyền hạn mới để cấm TikTok và “các công nghệ khác có nguồn gốc từ nước ngoài nếu chúng gây ra các mối đe dọa an ninh quốc gia”.

Canada hôm 27/2 thông báo sẽ cấm TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp với lý do ứng dụng này gây ra mức độ rủi ro “không thể chấp nhận được” với quyền riêng tư và bảo mật.

Phát biểu trước phóng viên, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết chính phủ đang xem xét cẩn thận các phương án đảm bảo an toàn trực tuyến.

“Đây có thể là bước đầu tiên, cũng có thể là bước duy nhất chúng ta cần thực hiện”, Reuters dẫn lời ông Trudeau cho hay, đề cập tới các hành động chống lại TikTok.

Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 28/2. Các nhân viên liên bang cũng sẽ bị chặn tải xuống ứng dụng trong tương lai, theo tuyên bố từ Ủy ban Ngân khố Canada – cơ quan giám sát hành chính công.

Ấn Độ đã cấm TikTok vào tháng 6/2020 cùng với một số ứng dụng khác của Trung Quốc. Nước này tin rằng ứng dụng này đe dọa đến an ninh và quốc phòng quốc gia — và ứng dụng cũng khuyến khích nội dung khiêu dâm.

Ấn Độ là thị trường quốc tế lớn nhất của TikTok trước lệnh cấm, với hơn 200 triệu người dùng.

Những vấn đề của TikTok

Kể từ khi được công ty Trung Quốc ByteDance mua lại vào năm 2017, TikTok (trước đây là Musical.ly) đã phải đối mặt với những tin đồn dai dẳng liên quan đến việc xử lý dữ liệu người dùng và quyền riêng tư.

Bất chấp sự đảm bảo của cơ quan chủ quản, chính sách quyền riêng tư của TikTok cho phép dữ liệu người dùng, bao gồm lịch sử duyệt web, vị trí và số nhận dạng sinh trắc học được thu thập và chia sẻ với những đối tác kinh doanh, các công ty khác trong cùng nhóm với TikTok, dịch vụ kiểm duyệt nội dung, nhà cung cấp dịch vụ đo lường, nhà quảng cáo và nhà cung cấp dịch vụ phân tích.

Đáng lo ngại hơn là quy định này: “Dù ở đâu và bất cứ khi nào luật pháp yêu cầu, chúng tôi sẽ chia sẻ thông tin của bạn với các cơ quan thực thi pháp luật hoặc cơ quan quản lý và với các bên thứ ba theo lệnh của tòa án có tính ràng buộc về mặt pháp lý”.

“Ở đâu và khi nào luật pháp yêu cầu” sẽ bao gồm các điều khoản trong Luật Tình báo Quốc gia của Trung Quốc, có hiệu lực vào năm 2017. Luật này bắt buộc các tổ chức phải hợp tác với các cơ quan tình báo nhà nước và sẽ buộc Bytedance phải chia sẻ dữ liệu TikTok cho chính phủ Trung Quốc.

ByteDance đã cố gắng tách mình ra khỏi nhận thức rằng đây là một công ty Trung Quốc. Theo phó chủ tịch phụ trách chính sách của TikTok tại Châu Âu, Theo Bertram, 60% ByteDance thuộc sở hữu của các nhà đầu tư toàn cầu, 20% thuộc sở hữu của nhân viên và 20% thuộc sở hữu của những người sáng lập.

Nhưng điều này vẫn chưa đủ để xua tan nỗi sợ hãi. Vào năm 2020, Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên áp đặt lệnh cấm kéo dài trên toàn quốc đối với TikTok (và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc), với lý do lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật.

Vào tháng 12/2022, Đài Loan đã áp đặt lệnh cấm sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ cảnh báo ứng dụng này có thể gây rủi ro cho bảo mật an ninh. Cùng tháng đó, Hạ viện Mỹ đã ban hành lệnh cấm các thiết bị được sử dụng bởi các thành viên và nhân viên.

Gần đây hơn, các nhà lập pháp của Liên minh Châu Âu (EU) đã bị cấm cài TikTok trên thiết bị của họ.

Một loạt quốc gia khác cũng đã ban hành lệnh cấm, bao gồm Canada, Latvia, Đan Mạch, Bỉ, Anh, New Zealand, Pháp, Hà Lan và Na Uy.

Cảnh giác không thừa

Việc Úc cấm TikTok trên điện thoại của chính phủ hầu như không gây ngạc nhiên. Trước đó, lệnh cấm một phần đã tồn tại trong một thời gian.

Quyết định này nhấn mạnh vấn đề lớn hơn trong việc cân bằng lợi ích an ninh quốc gia với mối quan hệ thương mại với các đối tác lớn.

Vào năm 2018, quyết định của Úc trong việc loại trừ Huawei khỏi việc lắp đặt mạng 5G của họ dựa trên lời khuyên từ Tổng cục Tín hiệu Úc rằng điều này sẽ cung cấp cho chính phủ Trung Quốc phương tiện để làm tê liệt cơ sở hạ tầng quan trọng hỗ trợ 5G của quốc gia. Một số quốc gia khác cũng kết luận tương tự.

Trung Quốc là một quốc gia có tầm nhìn xa khi nói đến chiến lược địa chính trị. Tầm nhìn kế hoạch của nước này kéo dài đến nhiều thập kỷ, và thậm chí nhiều thế kỷ.

Trong bối cảnh xung đột vùng xám đang leo thang, TikTok là một ví dụ về một công cụ có khả năng được vũ khí hóa trong kho vũ khí mạng của Trung Quốc, có thể thu thập lượng dữ liệu khổng lồ. Và ứng dụng này cũng có thể không phải là công cụ cuối cùng mà phương Tây phải đối mặt.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới