Nếu nâng cấp quan hệ với Mỹ, Việt Nam sẽ có cơ hội nâng cao vị thế của mình và nâng cấp hệ thống quân đội. Bên cạnh đó, cũng có lo ngại rằng hành động này sẽ làm Trung Quốc không hài lòng, từ đó sẽ gia tăng các hành động gây hấn trên Biển Đông.
Các chuyên gia về chính trị, quan hệ quốc tế và an ninh hàng hải, trong bài viết này, sẽ phân tích góc nhìn của họ về những mặt lợi và thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi xích lại gần hơn với Mỹ.
HỢP THỨC HOÁ MỐI QUAN HỆ
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, từng khẳng định rằng dù chưa phải là Đối tác chiến lược, nhưng trên thực tế, “quan hệ Việt – Mỹ đã ở tầm chiến lược và nói rộng ra, mối quan hệ này mang cả tính toàn diện và tính chiến lược.
Tiến sỹ Hồng Hiệp cho rằng nếu như không có một khuôn khổ chính trị hay pháp lý để tạo điều kiện cho các hoạt động được thực hiện thì nhiều dự án hợp tác hai bên có thể sẽ không bao giờ được triển khai. Đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng…
Lấy ví dụ, khi Mỹ muốn chuyển giao một số trang thiết bị quốc phòng hay vũ khí cho Việt Nam, nếu như hai bên đã có một khuôn khổ Đối tác chiến lược thì việc thông qua các biện pháp hợp tác như vậy sẽ sẽ thuận lợi hơn:
“Tôi đồng ý ở một mức độ nào đó là cho dù không có tuyên bố hay là hiệp định Đối tác chiến lược thì quan hệ song phương vẫn sẽ tiếp tục phát triển như lâu nay, bởi vì hai bên vẫn cần nhau về mặt kinh tế chính trị và chiến lược.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển này có thể sẽ bị kìm hãm nếu không có những công cụ hay khuôn khổ chính trị – pháp lý để tạo điều kiện cho nó phát triển một cách nhanh chóng.”
Theo ông Thế Phương, rõ ràng là cái tên cũng rất quan trọng, bởi vì nó định hình bản chất và nó định hình “niềm tin chiến lược” khi Việt Nam đưa Mỹ lên ngang hàng với một số đối tác lớn khác:
“Cái quan trọng nhất là nó mở rộng hơn nữa tư duy hợp tác. Nó tạo ra thêm dư địa để hợp tác trong tương lai, chứ còn nội hàm hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ nó đã rất là tốt rồi, đặc biệt là những vấn đề phi an ninh như y tế, đầu tư, chuỗi cung ứng và vai trò của Việt Nam trong mạng lưới mà Mỹ dẫn dắt khu vực…
Nó sẽ giúp cho Việt Nam và Mỹ hợp tác được ở những lĩnh vực mà trước đây Mỹ và Việt Nam chưa hợp tác, ví dụ như là “không gian” và kết nối vào một số mạng lưới quan trọng, chuyển giao công nghệ và đặc biệt là an ninh quốc phòng.”
Ngoài ra, ông Phương cho rằng, khi mà đã nâng cấp mối quan hệ thì những nút thắt về niềm tin sẽ nới lỏng. Khi đó, hai nước sẽ có sự tin tưởng nhất định để phát triển hơn nữa mối quan hệ trong tương lai.
LỢI ÍCH
Theo quan điểm của tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, việc nâng cấp mối quan hệ hai bên lên Đối tác chiến lược có hai lợi ích chính. Thứ nhất là nâng cao vị thế của Việt Nam, và thứ hai là tạo điều kiện để làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt – Mỹ trong bối cảnh mà Mỹ càng ngày càng trở thành đối tác quan trọng của Việt Nam trên mọi lĩnh vực:
“Về lợi ích thì nó thể hiện vai trò vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ được nâng lên và Việt Nam sẽ có cơ sở chính trị và pháp lý để tiến hành các hoạt động nâng cao hoặc là làm sâu sắc hơn quan hệ với Hoa Kỳ.”
Thạc sỹ Nguyễn Thế Phương cũng ủng hộ phát triển mối quan hệ Việt – Mỹ lên một tầm cao mới. Bởi, khi đó, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi trong việc hiện đại hoá quận đội:
“Nguyên nhân lớn nhất là tập trung quá nhiều vào vũ khí của Nga, mà thông qua cuộc chiến Nga Ukaine chúng ta có thể thấy là nó bộc lộ cực kỳ nhiều thứ và nhiều vấn đề.
Những thứ vũ khí vốn trước đây được Việt Nam tung hô thì giờ nó bộc lộ trên thực tế rất nhiều vấn đề. Cuộc chiến đó nó còn cho ta thấy là bây giờ dựa vào Nga là tiêu.
Trước cuộc chiến đó, 60 – 70% vũ khí của Việt Nam là nhập khẩu từ Nga. Mình nghĩ rằng nếu muốn thay đổi, đẩy mạnh đa dạng hóa về mặt trang thiết bị, hiện đại hóa thì bắt buộc phải tương tác nhiều hơn với phương Tây, và muốn tương tác được với phương Tây thì phải tương tác tốt với Mỹ.”
Ông Phương cảnh báo nếu bỏ lỡ cơ hội này thì quá trình hiện đại hóa sẽ chậm lại, kéo theo những lợi ích trên biển Đông sẽ bị ảnh hưởng. Tương quan trên Biển giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ chênh lệch ngày càng lớn hơn.
RÀO CẢN TỪ TRUNG QUỐC
Ông Vũ Xuân Khang cho biết rào cản lớn nhất vẫn là thái độ của Trung Quốc với các biến chuyển trong quan hệ Việt – Mỹ. Việt Nam được hưởng lợi từ sự ổn định trong quan hệ Việt – Trung nhiều hơn là nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ do Trung Quốc là nước có ảnh hưởng lớn nhất đến an ninh của Việt Nam:
“Quan hệ Việt – Trung ổn định trước hết sẽ giúp Việt Nam tránh bị Trung Quốc tạo các áp lực quân sự và chạy đua vũ trang không cần thiết.
Thứ hai, giữ vững quan hệ Việt – Trung cũng giúp Việt Nam duy trì quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam đang cần hồi phục kinh tế sau đại dịch.
Nếu Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ và làm Trung Quốc không hài lòng, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ gia tăng các hành động gây hấn trên biển Đông để răn đe Việt Nam đừng tin tưởng vào lời hứa của Mỹ.”
Chưa kể, theo ông Khang, nếu Trung Quốc nhìn nhận Việt Nam thực sự đang cố hợp tác với Mỹ để kiềm tỏa Trung Quốc về lâu dài, họ sẽ lại dạy cho Việt Nam một bài học như cách họ đã làm vào năm 1979.
Ngược lại, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp cho rằng nếu không sớm tiến hành nâng cấp mối quan hệ với Mỹ, Việt Nam chỉ có thiệt chứ không có được lợi ích gì.
Trước giờ, Việt Nam luôn giả định rằng Trung Quốc sẽ có các hành động trả đũa hoặc là gây áp lực về kinh tế hay quân sự trên Biển Đông, trong trường hợp Việt Nam có mối quan hệ gần hơn với Mỹ:
“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn ở chỗ là quan hệ Đối tác chiến lược của Việt Nam cũng là một điều rất bình thường, nó cũng chỉ là một tuyên bố chính trị chứ không phải là một liên minh quân sự, cho nên là khó có thể tạo ra một phản ứng quá mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.”
Trung Quốc tất nhiên là không muốn Việt Nam xích lại gần với Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Hiệp, việc nâng cấp mối quan hệ này không phải là một cái gì đó quá to tát hay thách thức đối với Trung Quốc đến mức khiến Trung Quốc phải tìm cách để gây sức ép đối với Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh mà càng gây sức ép đối với Việt Nam thì Việt Nam càng có lý do để rời xa Trung Quốc và xích lại gần Mỹ. Đó cũng là điều mà Trung Quốc không mong muốn.
Về mối lo ngại rằng Việt Nam phát triển quan hệ với Mỹ thì sẽ bị Trung Quốc trừng phạt về mặt kinh tế, tiến sỹ Hiệp cho biết thực ra, vị thế của Việt Nam bây giờ cũng đã khác rất xa so với thời 1970 – 1980, khi Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn và phải phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Bây giờ Việt Nam đã có những đòn bẩy để có thể lựa chọn:
“Nhiều người lo ngại trong trường hợp Việt Nam phát triển quan hệ với Mỹ thì sẽ bị Trung Quốc trừng phạt về mặt kinh tế.
Tuy nhiên chúng ta phải nhìn thấy là quan hệ kinh tế là quan hệ hai chiều. Việt Nam nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc, Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Việt Nam về mặt thương mại. Tuy nhiên, Việt Nam mua nhiều từ Trung Quốc cũng có nghĩa là Trung Quốc bán sang cho Việt Nam rất nhiều.
Trong trường hợp mà họ có các biện pháp để cắt đứt hoặc hạn chế thương mại Việt Nam thì không chỉ Việt Nam thiệt hại mà Trung Quốc cũng chịu thiệt hại. Cho nên là Trung Quốc cũng sẽ phải rất cân nhắc.”
Về giả định Trung Quốc có thể sử dụng quân sự để gây sức ép với Việt Nam trên Biển Đông. Tiến sỹ Hồng Hiệp nói:
“Từ rất lâu nay rồi Việt Nam không có nâng cấp mối quan hệ với Mỹ thì Trung Quốc vẫn thường xuyên gây sức ép với Việt Nam ở trên Biển Đông.”
Bây giờ, nếu Việt Nam tiến hành một hoạt động ngoại giao, mà theo ông Hiệp là bình thường. Nó thể hiện chủ quyền, sự tự chủ và phục vụ rất là tốt cho lợi ích của Việt Nam, thì những sức ép như vậy đối với Việt Nam cũng là điều bình thường, không phải là cái giá quá đắt. Hơn nữa, hành động nâng cấp mối quan hệ với Mỹ nó cũng không nghiêm trọng tới mức khiến Trung Quốc tấn công quân sự Việt Nam, ông Hiệp kết luận.
T.P