Ông Oleg Zhdanov, một nhà phân tích quân sự Ukraine, đánh giá rằng quân đội nước này đã nhận thấy sự thay đổi trong chiến thuật tấn công bằng tên lửa của Nga, có thể do kho tên lửa có sẵn của Moscow đã giảm.
Ukraine tìm cách chống chọi trước “mưa tên lửa” từ Nga
Theo chuyên gia Zhdanov, Nga đang tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm ngắn và sử dụng cả hệ thống S-300 trong cuộc tấn công trực diện vào các thành phố của Ukraine. Về bản chất, Nga đang nhắm mục tiêu vào lãnh thổ Ukraine với ít tên lửa hơn.
Ông Zhdanov, trích dẫn nguồn tin tình báo Ukriane, cho rằng, Nga đang mua 40-50 tên lửa mỗi tháng. Bởi vậy, một cuộc tấn công quy mô lớn khác bằng tên lửa vẫn có khả năng xảy ra.
“Cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga trong tương lai có thể được hỗ trợ bởi máy bay không người lái, bao gồm cả máy bay không người lái cảm tử như Shahed-136”, ông nói.
Nhà phân tích Zhdanov lưu ý rằng, hệ thống phòng không của Ukraine có khả năng chống lại máy bay không người lái, nhưng việc đối phó với tên lửa là một nhiệm vụ phức tạp hơn nhiều. Ukrahine sẽ sớm sử dụng các hệ thống phòng không có khả năng chống tên lửa đạn đạo, giúp Kiev ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa của Moscow.
“Điều này sẽ làm cho mọi thứ dễ dàng hơn. Tôi không nói rằng điều này sẽ giải quyết được vấn đề, nhưng nó sẽ giúp ích cho Ukraine”, ông Zhdanov cho hay.
Chuyên gia quân sự Ukraine không nêu rõ tên của hệ thống phòng không sẽ giúp chống lại tên lửa đạn đạo, tuy nhiên, có thể ông đang đề cập đến hệ thống phòng không Patriot bởi đây là hệ thống vũ khí nổi tiếng được nhiều quốc gia sử dụng.
Khi Nga vừa triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng, Ukraine đã kêu gọi Mỹ cung cấp một hệ thống phòng không hiện đại để chống lại các cuộc tấn công của Moscow. Đến cuối năm 2022, Washington cam kết sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Kiev.
Mới đây nhất, ngày 30/3, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder thông báo Mỹ đã hoàn thành khóa huấn luyện 65 quân nhân Ukraine sử dụng hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất. Những binh sĩ này sẽ phối hợp với các chuyên gia phòng không Ukraine khác để sử dụng thiết bị do Mỹ, Đức và Hà Lan cung cấp.
Giới chức Mỹ gần đây cho biết, các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot sẽ được chuyển giao cho Ukraine trong vài ngày tới.
Patriot là hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không cơ động cao, do Tập đoàn công nghệ Raytheon sản xuất, lần đầu tiên được triển khai năm 1984. Qua các lần nâng cấp, đến nay Patriot đã có thế hệ PAC-3. Ban đầu, hệ thống Patriot được thiết kế để đánh chặn máy bay tầm cao, sau đó được sửa đổi để chống lại mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Vì sao Nga giảm cường độ tấn công tên lửa?
Vào đầu tháng 3, Nga đã thực hiện một cuộc tấn công tên lửa lớn vào Ukraine với việc triển khai một loạt tên lửa và máy bay không người lái tự sát Shahed do Iran sản xuất. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng của họ đã thực hiện một “cuộc tấn công trả đũa quy mô lớn” trúng đích vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Cuộc tấn công cũng dẫn đến một loạt vụ nổ trên khắp các thành phố của Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev.
“Các cơ sở hạ tầng quân sự chính của Ukraine, các doanh nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp – quân sự, các cơ sở năng lượng cung cấp cho những nơi này đã bị tấn công bằng vũ khí tầm xa trên không, trên biển và trên bộ có độ chính xác cao, bao gồm cả hệ thống tên lửa siêu thanh Kinzhal”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Chính quyền Ukraine đã báo cáo rằng có tới 50% hệ thống năng lượng của nước này bị hư hại sau một loạt vụ tấn công của Nga.
Mục tiêu của các cuộc tấn công này được cho là nhằm cản trở khả năng tiếp cận nguồn cung cấp nhiệt, điện và nước của người Ukraine vào mùa đông. Trong suốt mùa đông, nhiều khu vực của Ukraine đã phải đối mặt với tình trạng mất điện khẩn cấp thường xuyên.
Tuy nhiên, đến tháng 3, có dấu hiệu cho thấy các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng của Ukraine đang giảm dần. Ngoài ra, số lượng tên lửa Nga sử dụng trong mỗi cuộc tấn công cũng ít hơn.
Các chuyên gia quân sự Ukraine cho rằng Nga có thể đã cạn kiệt nguồn dự trữ tên lửa có độ chính xác cao và giờ đây họ đang đợi sản xuất thêm tên lửa trước khi bắt đầu một cuộc tấn công quy mô lớn khác.
Ngoài ra, Nga dường như đang dựa vào vào máy bay không người lái cảm tử Shahed có nguồn gốc từ Iran. Những máy bay không người lái này đang được sử dụng thường xuyên hơn trong các cuộc tấn công ban đêm vào Kiev, cũng như tại các khu vực khác của Ukraine.
Kể từ khi Nga bắt đầu tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa, Ukraine đã kêu gọi một số hệ thống phòng không hiện đại từ Mỹ và các nước đồng minh. Do đó, khả năng bắn hạ tên lửa hành trình và máy bay không người lái ném bom của Ukraine đã tăng lên đáng kể.
T.P