Theo luật sư, người dân trong chuyến bay “giải cứu” bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan tố tụng buộc người gây ra thiệt hại cho mình phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tại kết luận điều tra mới ban hành đối với vụ giải cứu chuyến bay, Cơ quan an ninh đề nghị truy tố 54 bị can trong vụ án “Đưa hối lộ – Nhận hối lộ – Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và một số tỉnh. Nhóm này bị cáo buộc lợi dụng các chuyến bay giải cứu, đưa công dân về nước trong dịp Covid-19 bùng phát để trục lợi.
Kết luận điều tra không thể hiện số tiền người dân bị “thiệt hại” khi về nước trên những chuyến bay, nhưng cáo buộc 21 quan chức nhận hối lộ gần 180 tỷ đồng trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.
Sau đó, nhiều ký kiến độc giả thắc mắc trong các chuyến bay giải cứu, hàng nghìn người dân đã phải trả các chi phí cao so với chi phí thông thường. Họ phải bỏ tiền ra mua vé máy, phí lưu trú, ăn uống trong thời gian cách ly. Vậy nếu trường hợp xác định người dân đi trên các chuyến bay là người bị hại thì họ có đòi được tiền đã đưa cho các bị can hay không?
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, kết luận điều tra không kết luận rằng công dân về nước có hành vi đưa hối lộ, nếu các công dân phải chi số tiền lớn hơn số tiền mà Nhà nước quy định thì có thể yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ trả lại tiền.
Mối quan hệ giữa công dân với các đơn vị dịch vụ bán vé máy bay, dịch vụ đưa công dân về nước là quan hệ dân sự, kinh tế, được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự và các quy định về kinh doanh, thương mại.
Về góc độ pháp lý, giá vé máy bay, giá dịch vụ lưu trú sẽ biến động theo giá thị trường, Nhà nước không quy định giá cả cụ thể đối với các dịch vụ này nên rất khó để xác định trách nhiệm hoàn trả tiền của các doanh nghiệp đã thu tiền dịch vụ của công dân về nước.
Có lẽ vì thế mà kết luận điều tra không xác định các công dân về nước là người bị hại hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này, có thể họ sẽ là những người làm chứng trong một số trường hợp. Khi đưa vụ án này ra xét xử, tòa án sẽ cân nhắc đến vai trò tố tụng của những người có liên quan trong việc nộp tiền để được về nước hoặc với vai trò là người làm chứng.
Nếu là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì việc giải quyết vụ án phải liên quan đến quyền lợi hoặc nghĩa vụ của họ. Còn nếu là người làm chứng thì họ phải là người chứng kiến, biết được hành vi vi phạm pháp luật của bị can, bị cáo nào đó hoặc biết những tình tiết có ý nghĩa quan trọng của vụ án thì tòa án mới triệu tập để tham gia tố tụng.
Vấn đề này Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ kiểm tra, xem xét và quyết định trong thời gian tới đây khi hồ sơ được chuyển sang tòa án để xét xử.
Đồng quan điểm, luật sư Ma Văn Giang, Công ty Luật TNHH Niềm Tin Công Lý – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, trường hợp cơ quan tố tụng xác định người dân đi trên các chuyến bay là người bị hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan quy định khác (căn cứ khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại).
Mặt khác, tại Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra…
Bị hại có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá và đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường.
Trường hợp người dân không được xác định là bị hại, tuy nhiên thực tế họ bị thiệt hại do tội phạm gây ra và được chứng minh bằng tài liệu chứng cứ do người dân cung cấp đồng thời có đơn đề nghị cơ quan tố tụng giải quyết trong cùng một vụ án thì được xác định là nguyên đơn dân sự theo quy định Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Theo đó, nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại; nguyên đơn dân sự có quyền đề nghị mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường.
Do vậy, chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại gồm bị hại và nguyên đơn dân sự. Vì vậy, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan tố tụng buộc người gây ra thiệt hại cho mình phải bồi thường theo quy định trên đồng thời người bị hại cũng như bị đơn dân sự phải cung cấp cho cơ quan tố tụng đơn đề nghị bồi thường kèm theo tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ.
Theo luật sư Giang, khoản 1 Điều 62 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 cũng quy định, bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Do đó, nếu cơ quan tổ chức bị thiệt hại về uy tín do tội phạm gây ra thì được xác định là bị hại trong vụ án hình sự.
Trường hợp, người thực hiện hành vi phạm tội là người có chức vụ do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ mà thực hiện một trong các hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức thực hiện công vụ, nhiệm vụ thì được xác định thuộc nhóm tội phạm về chức vụ theo quy định tại Điều 352 Bộ luật hình sự 2015.
Như đã trích dẫn nêu trên, nếu Nhà nước được xác định là người bị hại do tội phạm là người có chức vụ gây ra thì thiệt hại ở đây được xác định là thiệt hại về uy tín và xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Nhà nước.
T.P