Các công ty Trung Quốc đang tìm cách lấp đầy khoảng trống trong ngành năng lượng điện ở Mỹ Latinh sau khi nhiều đối thủ phương Tây bắt đầu rời đi.
Cuộc chơi mới của Trung Quốc ở Mỹ Latinh
Trong suốt 1 thập kỷ, các công ty điện lực lớn của Trung Quốc đã tập trung hết sức vào việc sản xuất và truyền tải năng lượng điện đến Mỹ Latinh, cũng như vùng Caribe. Hướng phát triển này được thúc đẩy nhanh chóng sau sự ra đi của các đối thủ phương Tây, trong đó có tập đoàn Odebrecht (trụ sở tại Brazil), cùng các công ty khác của Mỹ và châu Âu.
Mới đây, tập đoàn điện lực China Southern Power Grid (thành lập cùng với công ty năng lượng khổng lồ China State Grid năm 2002) đã giành được thỏa thuận mới, có quy mô lớn ở Peru – nơi nhà cung cấp điện lực Enel của Ý đang thu hẹp dần quy mô hiện diện.
Doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang chuẩn bị cho cuộc đấu thầu các hệ thống phân phối năng lượng trị giá 3 tỷ USD của Enel ở quốc gia Nam Mỹ này.
Trung tâm nghiên cứu Wilson (Mỹ) cho hay, dự án ở Peru là cái tên mới nhất trong danh sách các khoản đầu tư sản xuất và phân phối năng lượng nhiều không đếm xuể của Trung Quốc trong hai thập kỷ qua trên khắp khu vực Mỹ Latinh.
Theo cơ sở dữ liệu “Tài chính năng lượng toàn cầu của Trung Quốc” tại Đại học Boston (Mỹ), các tổ chức tài chính phục vụ phát triển của Trung Quốc – bao gồm Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc – đã tài trợ gần 10 tỷ USD cho các dự án sản xuất – phân phối năng lượng ở Mỹ Latinh và Caribe từ năm 2000.
Bên cạnh đó, nhiều công ty và ngân hàng thương mại Trung Quốc cũng tham gia, hỗ trợ đạt được nhiều giao dịch hơn trong lĩnh vực này.
Bảng số liệu dưới đây cho thấy các dự án phát triển thủy điện của Trung Quốc ở 4 quốc gia Bolivia, Brazil, Ecuador và Peru.
Sự hiện diện của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và truyền tải điện ở khu vực thậm chí còn lớn hơn nhiều nếu tính cả các hình thức sản xuất điện khác, như thông qua năng lượng gió và mặt trời. Mức độ “phủ sóng” của Bắc Kinh sẽ tiếp tục gia tăng khi các dự án đập thủy điện và một số kế hoạch khác được đưa vào triển khai.
Nhu cầu đầu tư năng lượng của Bắc Kinh vào Mỹ Latinh và Caribe vẫn rất mạnh, ngay cả khi họ đã giảm bớt khoản vay dành cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn khác.
Gần đây, Honduras được cho là đang đàm phán hạn mức tín dụng với Trung Quốc để phát triển đập thủy điện Patuca II – một phần trong kế hoạch phát triển tổ hợp thủy điện 600 MW của quốc gia này.
Trước đó, Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã cho Honduras vay 287 triệu USD để rót vào dự án đập Patuca III tiến hành năm 2021.
Lo ngại xu hướng độc quyền phân phối của Trung Quốc
Phần lớn các khoản đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực điện lực đều nhận được sự hoan nghênh ở Mỹ Latinh, bởi tại đây, tình trạng cơ sở hạ tầng năng lượng thiếu thốn đang gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh kinh tế, gây ra tình trạng mất điện ở nhiều nơi, và khiến các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp phải chịu mức chi phí sống/sản xuất cao.
Tuy nhiên đôi lúc, các dự án năng lượng của Trung Quốc cũng vấp phải sự phản đối. Ví dụ, tại Peru, China Three Gorges (Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc, đơn vị xây dựng dự án nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới Tam Hiệp) và một số công ty liên quan đang có xu hướng muốn độc quyền phân phối trong lĩnh vực điện lực.
Những lo ngại về xu hướng độc quyền này ngày càng gia tăng vào năm 2020, khi China Yangtze Power – công ty con của China Three Gorges, công bố mua lại Luz del Sur – công ty tiện ích lớn nhất ở Peru, vốn chịu trách nhiệm cung cấp điện cho khu vực phía nam Lima và xa hơn nữa.
Đáng nói, trong thỏa thuận đó, China Yangtze Power sẽ có được một số lợi ích ở Inland Energy – công ty tham gia dự án đập Santa Teresa I và chịu trách nhiệm xây dựng các nhà máy phát điện Santa Teresa II, Lluclla và Lluta của Peru. Chưa hết, China Three Gorges cũng sẽ có cổ phần trong các dự án đập Chaglla và San Gaban III của quốc gia Nam Mỹ này.
Chile cũng bày tỏ lo ngại khi tài sản của ngành năng lượng bị thâu tóm bởi một bên duy nhất và lại là công ty nước ngoài.
Văn phòng thanh tra kinh tế quốc gia Chile (FNE) đã xem xét kỹ lưỡng các thương vụ thu mua lại của Trung Quốc, sau khi China Southern Power Grid mua cổ phần của công ty truyền tải năng lượng Transelec vào năm 2018 và China State Grid mua lại công ty phân phối năng lượng Chilquinta Energía (năm 2019) cùng CGE (năm 2020).
Với thỏa thuận thu mua GCE, China State Grid sẽ kiểm soát hơn 57% mức phân phối năng lượng được quy định của Chile. Mặc dù lo ngại là vậy nhưng cuối cùng, các nhà quản lý của Chile vẫn chấp thuận thỏa thuận mua lại của Trung Quốc.
Sự hiện diện của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng ở Brazil cũng đang bùng nổ. Theo nhà nghiên cứu Pedro Henrique Batista Barbosa, các công ty Trung Quốc đang sở hữu một phần hoặc thậm chí toàn bộ nhà máy điện 304 ở Brazil, nắm giữ 10% công suất phát điện quốc gia của nước này.
Các công ty Trung Quốc cũng đang nắm gần một nửa công suất phát thủy điện của São Paulo và khoảng 12% cơ sở hạ tầng truyền tải năng lượng của Brazil.
Theo Trung tâm Wilson, tương lai của “Sáng kiến Vành đai & Con đường” do Trung Quốc khởi xướng vẫn chưa có gì chắc chắn, nhưng có một điều rõ ràng rằng Bắc Kinh đang xem xét lại quy mô chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu của mình trước những khó khăn kinh tế trong nước và sau những bài học mà họ đã rút ra được khi hoạt động ở các thị trường mới nổi.
Ấy thế nhưng, trong các khoản đầu tư mới được đề xuất của Trung Quốc ở Peru, có thể thấy ngành điện lực ở Mỹ Latinh và Caribe đang là một ngoại lệ lớn, đặc biệt là các nhánh sản xuất năng lượng tái tạo, truyền tải điện, cùng các công nghệ và dịch vụ liên quan.
T.P