Bắc Kinh đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân với tốc độ cực kỳ nhanh chóng. Họ cũng khuyến khích phổ biến vũ khí hạt nhân tại một số quốc gia độc tài, gây bất ổn cho an ninh toàn cầu.
Ông Richard Weitz, thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Hudson Institute, cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của họ với tốc độ cực kỳ nhanh chóng.
“Việc xây dựng kho hạt nhân của Trung Quốc, như nhiều người đã lưu ý đến, nhanh đáng sợ”, ông Weitz nói trong sự kiện phát hành bản báo cáo về vấn đề hạt nhân của Trung Quốc vào ngày 05/04. Ông Weitz đã tham gia tư vấn cho tác giả của báo cáo này.
“Không chỉ các đầu đạn hạt nhân mà cả các hệ thống phóng của họ [Trung Quốc] đang gia tăng nhanh chóng về số lượng và hiệu quả”.
Những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm mở rộng và phát triển kho vũ khí hạt nhân đã bị Mỹ giám sát kỹ lưỡng kể từ tháng 11/2021. Khi đó, một báo cáo của Lầu Năm Góc cho thấy Bắc Kinh có thể sẽ có ít nhất 200 tên lửa hạt nhân trên đất liền có khả năng tấn công Hoa Kỳ vào năm 2026 và 1.000 vũ khí hạt nhân vào năm 2030.
Theo thông tin từ ông Weitz, ĐCSTQ từ chối tham gia các cuộc thảo luận về không phổ biến vũ khí hạt nhân, bất kể Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới phản ứng gay gắt như thế nào.
Ông nói: “Chúng tôi thấy Trung Quốc, bất chấp các hoạt động tăng cường hạt nhân của họ, vẫn từ chối tham gia đàm phán về cắt giảm vũ khí chiến lược, thậm chí từ chối hợp tác với nhiều quốc gia khác về các biện pháp giảm thiểu rủi ro [hạt nhân]”.
Bắc Kinh đang tỏ ra đặc biệt quan tâm đến việc triển khai các loại vũ khí hạt nhân có thể nhắm đến Hoa Kỳ và các lực lượng của nước này ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Họ hiện có nhiều bệ phóng tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hơn Hoa Kỳ, theo Dân biểu Mike Rogers (Cộng hòa – Alabama). Vào tháng 2 vừa qua, ông Rogers thừa nhận rằng Trung Quốc đang sở hữu nhiều bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đang hoạt động hơn Mỹ.
Ông Rogers nói: “ĐCSTQ đang nhanh chóng mở rộng năng lực hạt nhân của họ. Họ đã tăng gấp đôi số lượng đầu đạn trong 2 năm”. “Chúng tôi cũng vừa được DoD [Bộ Quốc phòng] thông báo rằng ĐCSTQ có nhiều bệ phóng ICBM hơn Hoa Kỳ”.
Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ (STRATCOM) cho biết số lượng kho chứa ICBM của Trung Quốc đã tăng từ 100 vào năm 2020 lên 450 vào cuối năm 2022. Ngay cả khi một vài bệ phóng trong số này hiện còn để trống, chúng vẫn cho thấy Bắc Kinh có thể tăng đáng kể quy mô lực lượng hạt nhân trên đất liền trong tương lai gần.
Lực lượng Không quân Hoa Kỳ hiện có 400 kho chứa tên lửa cùng với 50 kho khác đang để trống.
Tất nhiên, phần lớn kho vũ khí hạt nhân của Mỹ là ở trên biển. Hải quân Hoa Kỳ vận hành 14 tàu ngầm mang tên lửa (SSBN) lớp Ohio (Ohio–class). Mỗi SSBN được trang bị 24 tên lửa đạn đạo phóng từ biển (SLBM) Trident II và mỗi SLBM mang 12 đầu đạn.
Tuy nhiên, ngay cả ở phương diện này, Trung Quốc cũng đang bắt kịp Mỹ. Bắc Kinh hiện vận hành 6 chiếc SSBN Type-094. Mỗi chiếc đều được trang bị hàng chục SLBM JL-2 có tầm bắn 4.600 dặm (7403 km), mỗi SLBM mang một đầu đạn duy nhất, nhưng chúng có khả năng mang từ 3 đến 8 đầu đạn. Ngoài ra, một lớp SSBN mới đang được Trung Quốc nghiên cứu phát triển.
Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung Quốc có thể sẽ sở hữu 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030 và lên tới 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035. Con số này gần tương đương với tổng số đầu đạn đang ở trạng thái “sẵn sàng sử dụng” mà cả Mỹ và Nga sở hữu.
Khuyến khích phổ biến vũ khí hạt nhân ở Iran và Triều Tiên
Theo ông Weitz, việc Bắc Kinh ráo riết thúc đẩy các chương trình phát triển hạt nhân đang làm đảo lộn sự ổn định của các khu vực trên toàn thế giới.
Ông Weitz nói: “Họ khiến kế hoạch quân sự của các quốc gia bị phức tạp hóa, họ làm gia tăng độ khó cho những tính toán và dự đoán chiến lược… và họ đang khuyến khích phổ biến vũ khí hạt nhân và các phương tiện chuyển giao hạt nhân cho các quốc gia khác”.
Ông Weitz nhấn mạnh rằng ĐCSTQ đang nỗ lực chống lại các biện pháp trừng phạt của quốc tế lên các chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên, mặc dù trước đây họ ủng hộ các hành động như vậy. Tương tự như thế, ĐCSTQ cũng đảo ngược những nỗ lực mà họ từng thực hiện để ngăn chặn các chủ thể phi nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân.
“Chúng ta đang thấy [Đảng Cộng sản] Trung Quốc giảm bớt sự ủng hộ dành cho các biện pháp trừng phạt quốc tế… lên Triều Tiên và Iran”, ông Weitz nói.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn “khai thác sự xa lánh của phương Tây đối với Iran để mở rộng quan hệ với chính phủ Iran”. Theo ông Weitz, ĐCSTQ rất có thể đang hỗ trợ chương trình hạt nhân của Tehran.
T.P