Kênh truyền hình Euronews nhận định “mọi ánh mắt” đang đổ dồn vào chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tới Trung Quốc.
Ngày 6-4, hai vị này đã có một loạt cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh. “Cuộc tấn công của Nga ở Ukraine đã giáng đòn mạnh vào sự ổn định quốc tế.
Tôi biết tôi có thể tin tưởng vào các bạn (Trung Quốc) trong việc đưa Nga trở lại với lý trí và đưa mọi người trở lại bàn đàm phán” – ông Macron nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Câu chuyện Ukraine
Chuyến thăm ba ngày của ông Macron và bà von der Leyen tại Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh châu Âu và Bắc Kinh đang cố gắng vượt qua những khác biệt ngày càng tăng, từ cạnh tranh công nghệ cho đến vấn đề Đài Loan.
Theo Reuters, trong khi ông Macron vui vẻ thúc đẩy “khởi động lại” quan hệ Liên minh châu Âu (EU) – Trung Quốc thì bà von der Leyen nhấn mạnh các vấn đề gai góc và những lằn ranh đỏ trong quan hệ hai bên.
Cả hai đều nói họ muốn thuyết phục Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga để mang lại hòa bình cho Ukraine, hoặc ít nhất là ngăn Bắc Kinh hỗ trợ trực tiếp cho Matxcơva trong xung đột.
Theo bản tóm tắt do Điện Elysee công bố, ông Macron đã đề cập cuộc chiến ở Ukraine và vấn đề các công ty Pháp tiếp cận thị trường Trung Quốc trong cuộc hội đàm với ông Tập vào ngày 6-4.
Ông Antoine Bondaz, giảng viên tại Viện Nghiên cứu chính trị Paris, đánh giá những gì ông Macron và bà von der Leyen có thể làm là cảnh báo Trung Quốc về những hậu quả có thể xảy ra nếu Bắc Kinh hỗ trợ quân sự cho Matxcơva.
Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu này, mặc dù Pháp cũng là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc như Trung Quốc, nhưng hiện nay sức mạnh của Trung Quốc đã tăng và mối quan hệ Trung – Pháp đã trở nên “bất cân xứng”, vì thế tiếng nói của ông Macron có sức ảnh hưởng hạn chế lên Trung Quốc.
“Ông Macron khó có thể thuyết phục ông Tập. Dĩ nhiên việc duy trì các kênh liên lạc là chuyện tốt, nhưng chúng ta cần “rất thực tế” trong các kỳ vọng của mình và đừng kỳ vọng quá nhiều” – ông Bondaz bình luận.
Giảm thiểu rủi ro thay vì phân tách
Cuộc xung đột Nga – Ukraine không phải là vấn đề duy nhất được quan tâm. Cuộc gặp của ông Macron và bà von der Leyen với các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ thiết lập hướng đi mới cho quan hệ EU – Trung Quốc sau nhiều năm căng thẳng.
“Cả châu Âu và Trung Quốc đều được hưởng lợi rất nhiều từ quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên, quan hệ EU – Trung Quốc đã trở nên phức tạp hơn trong những năm gần đây và điều quan trọng là chúng ta phải thảo luận với nhau về tất cả các khía cạnh trong quan hệ này” – bà von der Leyen phát biểu trước khi gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vào ngày 6-4.
Ông Lý Cường đánh giá quan hệ đối tác giữa Trung Quốc với EU và với Pháp đang ở “điểm khởi đầu mới”, các bên nên tuân thủ “sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”.
Trung Quốc được cho là đang muốn châu Âu không đi theo Mỹ trong việc cô lập và ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Ông Tập đánh giá chuyến thăm của ông Macron sẽ mang lại sức sống mới cho quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu.
Trong bài xã luận đăng ngày 6-4, Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) viết: “Chuyến thăm của ông Macron được kỳ vọng sẽ tạo ra kết quả cụ thể trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Pháp, cũng như tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị”.
Tháp tùng ông Macron là một đoàn gồm khoảng 50 lãnh đạo các doanh nghiệp như hãng sản xuất máy bay Airbus, công ty chuyên về lĩnh vực giao thông và vận tải Alstom và Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF).
“Với ông Macron, đoàn doanh nghiệp này chắc chắn là tín hiệu gửi tới Bắc Kinh rằng hợp tác kinh tế vẫn chiếm vị trí cao trong chương trình nghị sự ở Paris cũng như ở cấp độ toàn bộ EU.
Và điều này cũng dễ thấy trong phát ngôn của bà von der Leyen, đó là châu Âu không đi theo hướng tách rời kinh tế kiểu Mỹ” – nhà nghiên cứu Alicja Bachulska tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) bình luận.
Theo báo Financial Times, chính sách “giảm thiểu rủi ro” của EU có nghĩa là thiết lập những biện pháp hạn chế về thương mại liên quan các công nghệ có tính nhạy cảm cao.
EU cũng đang xem xét tạo ra cơ chế giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các công ty EU trong những công nghệ nhạy cảm – vốn có thể nâng cao năng lực quân sự của đối thủ.
T.P