Trung Quốc vừa thử nghiệm thành công hạ cánh thẳng đứng tên lửa trên biển, đánh dấu cột mốc mới trong công nghệ vũ trụ của nước này.
Ngày 6.4, Hoàn cầu Thời báo dẫn thông tin của các nhà phát triển tại Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) cho biết, cuộc thử nghiệm công nghệ nói trên sẽ đặt nền tảng cho các ứng dụng trong tương lai như nền tảng thí nghiệm không gian gần có thể tái sử dụng.
CAS Space – công ty hàng không vũ trụ thương mại thuộc sở hữu một phần của CAS – thông báo đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm phóng từ đất liền và hạ cánh trên biển ở Hải Dương, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc, xác minh quá trình thu hồi giai đoạn tên lửa trên biển, thông tin liên lạc và công nghệ theo dõi, giám sát đo lường dưới tác động của môi trường nhiễu sóng trên biển.
Theo Viện Cơ học của CAS, các nhà phát triển cũng đã nghiên cứu môi trường bay ở giai đoạn hạ cánh cuối cùng.
Nguyên mẫu tên lửa bay ở độ cao hơn 1.000 mét, hạ độ cao theo kiểu lơ lửng rồi giảm tốc nhờ lực đẩy ngược của động cơ. Tốc độ hạ cánh giảm xuống dưới 2 mét/giây ở giai đoạn cuối trước khi tên lửa hạ cánh ổn định với độ chính xác hạ cánh dưới 10 mét.
Viện CAS tiết lộ, cuộc thử nghiệm hạ cánh kéo dài khoảng 10 phút.
Lian Jie – kỹ sư cao cấp của Viện CAS – cho biết, nguyên mẫu tên lửa Trung Quốc dài 2,1 mét, đường kính 0,5 mét, nặng 93 kg khi phóng; được trang bị động cơ đôi, mỗi động cơ có lực đẩy 550 newton. Một động cơ phản lực đã được sử dụng trong quá trình thử nghiệm để mô phỏng động cơ tên lửa lỏng có lực đẩy thay đổi được dùng trong quá trình hạ cánh thẳng đứng.
Theo các nhà phát triển, thành công của thử nghiệm hạ cánh thẳng đứng trên biển nguyên mẫu tên lửa đã đặt nền tảng cho sự phát triển công nghệ trong tương lai cho các ứng dụng như nền tảng thí nghiệm không gian gần có thể tái sử dụng, thu hồi giai đoạn tên lửa cũng như du lịch vũ trụ.
Công nghệ thu hồi tên lửa trên biển này sẽ được áp dụng rộng rãi cho các mẫu tên lửa trong tương lai, đồng thời sẽ góp phần vào hoạt động thám hiểm không gian quy mô lớn hơn trong tương lai của Trung Quốc với chi phí giảm hơn nữa.
Wu Weiping – một kỹ sư cao cấp khác của CAS Space – cũng giải thích chi tiết về triển vọng của các ứng dụng du hành vũ trụ trong tương lai. Hành khách sẽ có trải nghiệm không trọng lượng ở độ cao khoảng 100 km so với Trái đất trong khoảng thời gian từ ba đến bảy phút.
Những chuyến du hành vũ trụ như vậy sẽ đáp ứng nguyện vọng đi vào không gian của công chúng và những tàu con thoi như vậy sẽ tích lũy dữ liệu quý giá cho hoạt động thám hiểm không gian và du lịch hành tinh trong tương lai.
Công ty SpaceX của Mỹ đã hạ cánh thành công tên lửa hai tầng Falcon 9 trên biển vào tháng 4.2016 sau bốn lần thất bại.
Khi được hỏi quá trình thu hồi giai đoạn tên lửa của CAS trên biển khác với SpaceX thế nào, Lian giải thích: “Công nghệ của chúng tôi dựa trên công nghệ trong nước, cả phần mềm và phần cứng. Chúng tôi đang khám phá các ngưỡng công nghệ như quản lý lực đẩy thay đổi, định vị chính xác và công nghệ ổn định của riêng chúng tôi”.
Pang Zhihao, chuyên gia vũ trụ cao cấp ở Bắc Kinh, nói rằng việc hạ cánh tên lửa trên biển có thể tiết kiệm đáng kể chi phí phóng vì bệ hạ cánh có thể di chuyển trên biển.
Ngoài ra, mặc dù việc thu hồi tên lửa trên biển khó khăn do điều kiện biển phức tạp, nhưng cũng có thể giúp tránh thiệt hại nếu hạ cánh thất bại trên đất liền.
T.P