Chuyên gia Hàn Quốc Kim Jong-seok, Giám đốc điều hành Công ty NH Securities Vietnam nhận định, tầng lớp trung lưu đang lên của Việt Nam sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường vốn.
Tầng lớp trung lưu: Động lực tăng trưởng của thị trường vốn
Trả lời phỏng vấn tờ The Korea Herald mới đây, ông Kim Jong-seok, Giám đốc điều hành Công ty NH Securities Vietnam (Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán NH Việt Nam) – chi nhánh Việt Nam của Công ty NH Investment & Securities (Công ty Chứng khoán và Đầu tư) có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc – cho biết, mặc dù thị trường tài chính Việt Nam chưa trưởng thành, nhưng khi đã trưởng thành sẽ nở rộ.
Theo ông Kim, sự tăng trưởng kinh tế đặc biệt của Việt Nam sẽ dẫn đến sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, mở đường cho sự phát triển của thị trường vốn địa phương.
Trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam là 3.756,49 USD vào năm 2021, thì thước đo tương tự với những người sống ở Hà Nội và Hồ Chí Minh là khoảng 8.000 USD/năm.
Vị chuyên gia Hàn Quốc nhìn thấy tiềm năng ở Việt Nam, nơi có tốc độ đô thị hóa tương đối thấp. Tỉ lệ đô thị hóa ở Hàn Quốc đạt khoảng 90%, so với chỉ 37% ở Việt Nam.
Tiềm năng của Việt Nam còn nằm ở số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán do công chúng nắm giữ còn thấp.
Việt Nam đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 7.500 USD vào năm 2030.
Nới lỏng các rào cản
Giám đốc điều hành của NH Securities Vietnam nhận thấy, mặc dù dữ liệu nhân khẩu học báo hiệu sự tăng trưởng trong tương lai gần, nhưng vẫn còn một số giới hạn trên thị trường tài chính vì các quy định vẫn còn khá “bảo thủ”. Thị trường được quản lý chặt chẽ bởi chính phủ vốn rất lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính. Chính phủ Việt Nam ưu tiên sự ổn định hơn tăng trưởng cho thị trường tài chính.
Từ kinh nghiệm nhiều năm ở Việt Nam, ông Kim cho rằng, có thể Chính phủ Việt Nam muốn thúc đẩy nền kinh tế, mở rộng tầng lớp trung lưu, nhưng cũng rất quan tâm đến sự ổn định và toàn vẹn của thị trường vốn. Tuy nhiên, người dân đang khám phá những cách mới để tăng vốn, tìm kiếm các phương tiện đầu tư mới. Theo ông Kim, người dân quan tâm đến lợi nhuận từ vốn, nhưng do thị trường chứng khoán bị kiểm soát chặt chẽ nên không đủ để đáp ứng mong muốn đầu tư. Nếu các quy định liên quan được nới lỏng, thị trường sẽ khởi sắc.
Ông Kim cho hay, một trong những thay đổi được tìm kiếm nhiều nhất trong quy định thị trường là cho phép giao dịch trong ngày. Cho phép giao dịch trong ngày, bao gồm mua và bán cổ phiếu trong cùng một ngày, sẽ tăng tần suất giao dịch và khối lượng giao dịch. CEO Hàn Quốc nhận định, bất chấp các quy định còn “khá bảo thủ”, thị trường vốn của Việt Nam vẫn mạnh, được dẫn dắt bởi tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất và tiềm năng cho tương lai. Chỉ số P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu) của các công ty niêm yết là cao. P/E trung bình ở mức 11 – một con số rất cao đối với một quốc gia được niêm yết trên thị trường cận biên (Frontier Market). Nhiều mã cổ phiếu của Việt Nam lọt rổ MSCI Frontier Market Index, và đây đều là những công ty lớn, chiếm 26,6% thị phần.
CEO Kim Jong-seok nhận định, giá cổ phiếu tương đối cao so với sự phát triển của nền kinh tế, đó là bởi Việt Nam sẽ lớn mạnh và phát triển. Do vậy, các nhà đầu tư bỏ vào quỹ dài hạn bất kể chỉ số MSCI và chờ đợi, bởi định giá ổn và rủi ro thấp.
T.P